Thời trang lông thú và những tội ác!

Đằng sau những trang phục lông, da thú hào nhoáng là tiếng kêu cứu của nhiều loài động vật!

Không thể phủ nhận ngành thời trang, may mặc ngày một phát triển đem tới cho nhân loại nhiều ích lợi, niềm vui, cảm hứng sáng tạo… Tuy nhiên không có gì là hoàn mỹ, nó cũng gây ra hàng loạt những mối nguy hại cho chúng ta. Để hiểu rõ hơn điều này, với chuyên đề: Thời trang: Mối nguy hiểm đe dọa trái đất? sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về mặt trái của ngành công nghiệp đầy hấp dẫn này.

Lông và da động vật được coi là một trong những nguyên vật liệu quyền uy nhất của ngành công nghiệp thời trang. Không những có giá trị cao mà nó còn đem tới vẻ sang trọng, vương giả cho người mặc. Thật vậy, ít có nhà thiết kế có thể nỡ lòng bỏ qua “miếng bánh ngon” này để chinh phục, móc túi các quý bà, quý ông thượng lưu lắm tiền nhiều của, những người sẵn sàng chi bộn tới hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn đô la cho những trang phục lông, da thú xa xỉ, êm mượt như nhung. Đã từng có một thời, những fashionista sành điệu nhất sẽ chẳng ra đường vào mùa đông nếu không được khoác lên người ngồn ngộn những lớp lông thú được xử lý tinh xảo, thời thượng. Tuy nhiên, đứng sau sự ấm áp, êm mềm, ve vuốt da thịt của thứ lông thú tự nhiên hay vẻ đẹp tới mê lòng của da các loài bò sát chính là những cuộc thảm sát cực kỳ vô nhân đạo. 

Liệu có gì là nghịch lý khi hàng ngày các fashionista ôm ấp, yêu chiều thú cưng lại có thể hân hoan, hồ hởi mặc trang phục được làm nên bởi chính đồng loại của những người bạn nhỏ bên cạnh mình?

Thời trang lông thú và những tội ác! - 1

Tiếng kêu thét đằng sau tấm áo

Hàng năm, theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn môi trường, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại để nhằm cung cấp da, lông, sừng cho ngành công nghiệp thời trang. Lông thú nuôi tự nhiên được ưa chuộng một thì lông, da thú hoang dã phải được săn lùng gấp mười bởi tính chất “đẳng cấp”, hiếm, độc của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng nghìn loài động vật có tên trong sách đỏ đứng bên bờ tuyệt diệt và vô số loài quý hiếm đã bị tuyệt chủng. Cái chết thương tâm của chúng có thể chỉ bị đánh đổi để tạo nên những món đồ phù phiếm, kiêu sa có thể sẽ nằm lãng quên hàng thập kỷ trong tủ quần áo bệ vệ của những quý bà sành mốt chỉ sau một vài lần sử dụng.

Ngay tại Canada, một đất nước được coi là tiến bộ văn minh, nạn thảm sát động vật để lấy lông, da cũng nhức nhối tới không ngờ. Mỗi năm có tới 3.332.250 cá thể, cả động vật hoang dã lẫn thú nuôi bị giết để lấy da, lông nhằm cung cấp cho ngành công nghiệp thời trang. Nhiều nhất trong số này là chồn, cáo, hải cẩu, thỏ, sóc, gấu và cả chó sói... Tất cả những con vật này đều bị đối xử tàn tệ, nhốt trong một chiếc chuồng chật chội, không có nước uống và thức ăn trong vài ngày trước khi bị lôi ra đập mạnh bằng gậy, bị dẫm mạnh vào đầu hoặc rach để lấy lông, da ngay khi chúng còn sống. Nhiều con đã chết ngay trong chuồng vì bị “bạn tù” đạp lên người nhằm tìm đường thoát thân. Một số khác ra đi thảm thương vì đói, khát, nhiễm trùng. Tuy nhiên như thế cũng không có ảnh hưởng gì mấy tới chủ các trang trại này vì thịt của chúng chỉ là thứ yếu, cái đáng quan tâm là lông và da, món hời lớn có lợi nhuận khổng lồ khi bán cho các hãng thời trang.

Thời trang lông thú và những tội ác! - 2

Thú bị nhốt ở nơi chật chội trước khi bi đem lột da

Thời trang lông thú và những tội ác! - 3

Nằm chờ tới lúc bị cho vào các khu sản xuất thời trang

Ở Nam Phi, tình trạng giết hại tàn bạo loài hải cẩu lông thú gần đây liên tiếp bị tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến cả thế giới phải bàng hoàng. Nhiều người quy kết tội ác này cũng dã man chẳng khác nạn diệt chủng của phát xít! Tới mùa thu hoạch, từ tháng 7 đến tháng 11, khoảng 110.000 chú hải cẩu bị công nhân tìm mọi cánh đánh đập, giết, lột da. Và họ sẽ phải dọn sạch bãi chiến trường đầy máu tanh càng nhanh càng tốt trước thời điểm du lịch, bởi khi đó các du khách sẽ kéo đến vùng biển này và chắc chắn màn trình diễn kinh hoàng sẽ khiến họ hoảng sợ. Điều đáng nói là trước đó, Nam Phi có ban hành điều luật cấm con người đánh đập một con vật dã man tới chết (nằm trong phần 8 của Luật Bảo vệ động vật năm 1962 của Nam Phi). Tuy nhiên vì món lợi khổng lồ, không chỉ hải cẩu trưởng thành mà các con hải cẩu non còn đang trong thời kỳ bú sữa mẹ, đối tượng có lớp da mềm nhất cũng bị các gã đồ tể dùng chùy gai nện cật lực trước khi chúng chết hẳn.

Theo một báo cáo của một tổ chức bảo vệ động vật, sắp tới có gần 1 vạn con hải cẩu lông thú Nam Phi non sẽ bị giết chỉ trong vòng vài tuần. Cuộc tàn sát man rợ này được do một bản ký kết ngầm giữa Yavuz – một thương nhân chuyên buôn da hải cầu với chính quyền nước này. Kinh hoàng hơn, hợp đồng trên có giá tri trong vòng 10 năm với số lượng hải cẩu được cho phép giết hại lên tới 1 triệu cá thể hải cẩu, con số này thậm chí còn vượt xa cả số lượng hải cẩu sinh sống tại vùng biển Nam Phi. Nực cười hơn, Yavuz trả cho chính phủ mỗi con hải cẩu hắn khai thác được là 6 đô, trong khi đó, khách du lịch phải bỏ ra 12 đô để tới thăm nơi cư trú của hải cẩu! Khi biết được điều này, rất nhiều các tổ chức trên thế giới đã đánh tiếng kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay các mặt hàng sản xuất từ da hải cẩu. Francois Hugo – nhà hoạt động xã hội từng đấu tranh hàng chục năm cho sự sinh tồn của hải cẩu Nam Phi khẳng định: ”Hy vọng duy nhất cho những chú hải cẩu nơi đây phụ thuộc vào chính quyền”. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, cuộc biểu tình, nạn tàn sát hải cẩu tại Nam Phi vẫn tiếp diễn và ngày càng tăng trưởng tới mức đáng báo động về nguy cơ tuyệt diệt của loài sinh vật biển hiền lành, vô hại.

Nếu Canada là đất nước xuất khẩu nhiều da, lông thú tự nhiên nhất, Nam Phi chuyên cung cấp da hải cẩu cho việc sản xuất túi xách, giày dép, áo khoác… thì ở Trung Quốc, đất nước có ngành công nghiệp khai thác lông, da đang rất phát triển, lại là nơi có hình thức giết hại động vật dã man nhất. Mỗi năm tại đây có khoảng 2 – 3 triệu con chó, mèo bị giết để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất đồ may mặc. Sở dĩ có số lượng lớn như thế này vì phải cần rất nhiều lông thú mới có thể làm nên được các sản phẩm thời trang. Mặc một chiếc áo choàng bằng lông hoặc da thú thật đồng nghĩa với với việc bạn có thể đã khoác lên mình bộ lông của 3 -5 con sói, 8 con hải cẩu, 10-15 con chó trưởng thành, 10-20 con cừu, 20-30 con mèo, 30-40 con thỏ, 60-70 con chồn, 100 – 120 hamster, 100 – 400 con sóc… Những con thú được bắt hoặc nuôi theo kiểu công nghiệp. Người ta nhốt chúng trong những chiếc lồng hoặc chuồng bẩn thỉu, chật chội ở ngoài trời bất kể thời tiết. Thậm chí để ngăn chặn tiếng kêu la của chúng, người ta còn cắt lưỡi, chọc mù mắt của các con vật đáng thương để chúng không thể gây tiếng ồn hoặc nhìn thấy đồng loại bị giết, hạn chế việc nhao nhao lên làm loạn. Thời tiết cũng được coi như một thứ công cụ để các “món hàng” thêm giá trị, người chủ sẽ nhốt những con vật trên ngoài trời mưa lạnh, gió bấc để khí hậu rét buốt khiến theo cơ chế thích nghi giúp lớp lông chúng thêm dày, sẽ có giá trị kinh tế hơn.

Thời trang lông thú và những tội ác! - 4

Hải cẩu biển bị đập bằng gậy cho bất tỉnh sau đó sẽ bị rạch để lấy da

Để lấy da một con chó, những tay thợ máu lạnh thường dùng dây kim loại xiết cổ, cắt chân và đâm dao nhọn vào bẹn để lột da khi nó còn sống. Mèo thì bị treo ngược lên và cũng bị lột da sống. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp nhân đạo hơn khi tay đồ tể chích điện gây tê hoặc đổ nước làm mèo chết ngạt trước khi giết. Cáo bị giết bằng cách dùng luồng điện mạnh chích vào hậu môn, nhiều con khác bị dẫm nát đầu trước khi đem lột lông hoặc bị bẻ gẫy cổ để thao tác cho nhanh…. Tất cả tạo nên một bộ phim giết chóc đầy bạo lực, máu me. Nhiều người sau khi chứng kiến đoạn video clip lấy da một con chồn tại Trung Quốc trên Youtube đã phải bàng hoàng và mất ngủ khi tận mắt thấy con chồn đó vẫn còn sống, với thân hình đỏ hỏn be bét máu vì bị lột da, đôi mắt nó tròn xoe ngấn nước như van lơn, cầu khẩn, thể hiện sự tuyệt vọng tới khôn cùng. Và mọi sự đau đớn tột đỉnh mà những loài động vật phải chịu đựng trong các xưởng sơ chế đó đều chỉ để phục vụ một mục đích đơn giản, đó là tạo ra những bộ quần áo vô tri vô giác sang trọng.

Tổ chức PETA (Hội nhân đạo bảo vệ động vật) đã khẳng định: ”Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất”. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân tại các nước Phương Tây khiến họ phải đối mặt với con số hơn 50 triệu động vật bị giết chỉ để phục vụ ngành công nghiệp thời trang. Nhiều fashionista đã phải giật mình ngoảnh lại xem mình đã và đang sở hữu bao nhiêu món đồ có quá khứ “bất hảo” như thế.

Thời trang lông thú và những tội ác! - 5

Chuồng nhốt thú tại Trung Quốc

Thời trang lông thú và những tội ác! - 6

Xe chở lông đầy ắp

Thời trang lông thú và những tội ác! - 7

Hố chôn tập thể sau vụ thảm sát lột da hàng ngàn con chồn, cáo tại Canada. Nhiều con bị đạp chết để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên cách này gây ảnh hưởng một chút tới chất lượng lông

Cuộc đối đầu không khoan nhượng

Đứng trước nguy cơ nhiều loài bị tuyệt chủng và động vật bị đối xử tàn tệ để phục vụ cho các hãng thời trang, nhiều tổ chức phi chính phủ đã không thể ngồi yên. Đi đầu trong số này là tổ chức PETA – đây được coi là “kẻ thù” hung hãn và đáng sợ nhất đối với các nhà thiết kế yêu chuộng chất liệu lông, da, sừng của động vật.

Từ những văn bản tha thiết dễ gây mủi lòng cho tới hành động cuồng bạo phẫn nộ… đều được các thành viên trung thành của tổ chức PETA liên tục sử dụng để gây sức ép với các hãng thời trang nhằm kêu gọi thay vì sử dụng da, lông động vật hãy dùng da, lông nhân tạo. Tuy nhiên quá khó để lời ngọt ngào để có thể làm lay động trái tim của những người luôn coi nguyên liệu từ động vật là một phần tất yếu để tạo nên các tuyệt phẩm thời trang. Vì vậy nên những hình thức đe dọa bạo liệt và gây sốc hơn được tung ra khiến cho cuộc đối đầu giữa PETA và các nhà thiết kế cũng như người nổi tiếng khác càng ngày càng căng thẳng.

Một loạt các ông lớn nằm la liệt trong danh sách đen của PETA như “người đàn ông có bộ mặt ngầu” Karl Largerfield nhà Chanel, nữ hoàng quyền lực của tạp chí Vogue Anna Wintour, “Hiệp sĩ” John Galliano ồn ào trong cung điện Dior, và “ông hoàng không ngai của đế chế Armani” Giorgio Armani… Năm 2009, Karl Largerfield từng bị thành viên của tổ chức PETA rình ném bom đậu phụ nhằm chống đối những BST đầy lông thú và da động vật của ông trong một sự kiện ở Lincoln Center, New York. Tuy nhiên ngài Karl trong dịp đó đã may mắn thoát khỏi cơn mưa đậu phụ trong khi Calvin Klein – người theo trào lưu nói không với lông thú, do đứng gần “mục tiêu” thì lại bị lãnh trọn đống bầy nhầy từ những nhà từ thiện quá khích.

Tổng biên tập của tạp chí Vogue Anna Wintour thì liên tục bị các thành viên PETA quấy rối, ném trứng thối, giăng biểu ngữ, áp phích tẩy chay sở thích đắm mình trong quần áo lông thú tại mọi event mà quý bà sành điệu này tham gia… Siêu mẫu đắt giá nhất hành tinh Gisele Bunchen cũng trở thành đối tượng bị tấn công của PETA ngay trên trên sàn diễn của Victoria’s Secret tháng 11 tại New York. Khi cô nàng này đang uyển chuyển lả lướt trên sàn catwalk, thành viên PETA đã giơ khẩu hiệu "Gisele đồ cặn bã!" dưới khán đài và ngoài khu vực biểu diễn nhằm phản đối việc Gisele ưu ái những món đồ lông thú. Nhiều người nổi tiếng khác như Paris Hilton,Lindsay Lohan, Kim Kardashian cũng bị ném bom bột vào người và bị gọi là kẻ có sở thích “kém văn minh, mù quáng và ngu ngốc”.

Thời trang lông thú và những tội ác! - 8

Armani bị bêu xấu trên các áp phích của PETA

Thời trang lông thú và những tội ác! - 9

Biểu ngữ chống đối lại nữ tổng biên tập của tạp chí thời trang Vogue trên đường phố

Thời trang lông thú và những tội ác! - 10

Siêu mẫu kì cựu Twiggy ủng hộ PETA trong việc bảo vệ các loài động vật trước nguy cơ bị giết để lấy lông

Tuy nhiên, đứng đầu danh sách đen lại là “nữ đồ tể” Donna Karan của nhà DKNY. Sau khi bản hợp đồng đẫm máu do nhà thiết kế này với các công xưởng sản xuất lông, da động vật tại Trung Quốc với những hình thức khai thác dã man bậc nhất được công bố, ngay lập tức các chiến sĩ PETA đã vào cuộc. Tháng 5 năm 2008, thành viên PETA đã phong tỏa khách sạn Sheraton Boston, nơi Donna đang diễn thuyết. Những người này thân mình nhuộm đầy máu, cuộn người theo tư thế hình thỏ “Rabbit pose” thể hiện lại hình ảnh công xưởng lột da thỏ và để đả kích lại việc Donna lạm dụng chất liệu này trong các thiết kế của mình. 4 tháng sau, thành viên PETA tiếp tục đeo bám Donna tới đêm trình diễn tại Boston. 3 tháng kế tiếp đó, họ mặc những tấm lông thú nhuốm máu đứng vật vờ ở các cửa tiệm của Donna. Liên tiếp các cuộc tấn công khiến Donna phải khoan nhượng, thoái lui khi tuyên bố sẽ không sử dụng lông thú cho các bộ sưu tập của mình một lần nào nữa. Tuy nhiên, tới năm 2010, Donna lại tiếp tục đem lông của các con thú vô tội rải khắp sản catwalk khiến hiệp hội PETA tức điên vì bị thất hứa. Cơn thịnh nộ của PETA dâng lên mạnh mẽ và được giới truyền thông hỗ trợ khi tới tháng 10 năm 2010, tại một sự kiện do Donna cùng đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama đồng tổ chức, các nhà hoạt động đã đồng loạt gọi Donna Karan là “Bunny Butcher” (Mụ bán thịt thỏ). Cái tên này nhanh chóng lan nhanh tới mức chóng mặt khiến Facebook của Donna bị lấp kín bởi các comment chửi rủa, chỉ trích. Chưa hết, theo tờ Observer, bằng một cách nào đó, PETA đã được chính quyền cho phép bao vây văn phòng của Karan. Những thành viên hội này bật loa đài có tiếng kêu rít xé tai của loài thỏ khi bị lột da bên ngoài văn phòng và gửi thông điệp kêu thét qua điện thoại tới nhân viên của Donna Karan khiến họ hoảng loạn và người đi đường thì thất kinh bởi không gian tràn ngập tiếng rít kinh hoàng của lò mổ. PETA còn cho phát tán những đoạn clip hãi hùng về sự thật tại lò lột da tại Trung Quốc lan tràn trên khắp mạng internet làm hội fashionista phải sởn da gà vì những trang phục mình đang mặc trên người.

Sau hàng loạt những cuộc đấu tranh, tuy không khiến Donna Karan mủi lòng nhưng đã có hiệu quả truyền thông mạnh mẽ khi nhiều shopaholic (người mê shopping) văn minh đã đồng loạt tẩy chay sản phẩm được làm từ nỗi đau của các con vật đáng thương để sử dụng lông, da nhân tạo có giá thành rẻ nhưng vẫn đẹp và nhân đạo hơn.

Thời trang lông thú và những tội ác! - 11

Donna bị gọi là kẻ đạo đức giả khi nuốt lời

Thời trang lông thú và những tội ác! - 12

Trang chủ của Donna bị hack và đăng hình ảnh ghê rợn

Bên cạnh đó, một tín hiệu khả quan là ngoài những nhà thiết kế bảo thủ kể trên, vẫn có nhiều tên tuổi lẫy lừng khác trong ngành thời trang ủng hộ việc nói không với việc tàn sát động vật để làm nguyên liệu sản xuất trang phục, ví dụ như Calvin Klein, Stella McCartney, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger… Với nhiều cải tiến trong kỹ thuật, lông, da nhân tạo cũng hứa hẹn sẽ nhanh chóng thay thế chất liệu lông, da tự nhiên trong tương lai. Tuy nhiên, trên tất cả, điều quan trọng nhất vẫn là tư duy sử dụng và lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Chừng nào chúng ta còn yêu chuộng áo lông thú “xịn” hay túi xách da thật… thì nỗi đau của động vật sẽ còn kéo dài mãi và sẽ càng thêm nhiều loài biến mất khỏi hệ sinh thái trên trái đất này.

Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo của chuyên đề này vào ngày 7h sáng ngày 29/6/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN