Bài toán khó: chọn phục trang cho nhân vật phim lịch sử

Còn nhớ, năm 2015, đạo diễn Đinh Thái Thụy làm bộ phim “Mỹ nhân” lấy từ ngân sách nhà nước, đã bị dư luận lên tiếng về phục trang trong phim không chuẩn xác, thiếu bản sắc của văn hóa Việt.

1.Phục trang phim lịch sử vẫn là một vấn đề tồn tại của phim Việt. Nhiều năm qua, các dự án phim được đầu tư lớn đều vướng câu chuyện phục trang không thuần Việt, thậm chí vay mượn một cách cẩu thả và thiếu văn hóa.

Năm 2010, bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long” - bộ phim được làm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng cuối cùng “đắp chiếu”. Một trong những lý do đó là vấn đề phục trang mang đậm màu sắc của Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Rồi dự án được trông chờ của đạo diễn trẻ Đinh Thái Thụy, “Mỹ Nhân” cũng vậy. Hình sư tử trong bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Holywood “Lion King” được đặt ngay trên áo của Chúa Trịnh. Những cái sai không đáng có, nếu không nói là thiếu trách nhiệm của các nhà làm phim. Ngoài ra, phim chiếu mạng “Bí mật Trường Sanh” cũng bị khán giả phản ứng khi đạo nhái hai bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc là “Diên Hy công lược”, “Như Ý truyện” về cả ý tưởng lẫn sản xuất ở nhiều khâu.

Phục trang mũ và áo trong phim “Đường tới thành Thăng Long”  được cho là không giống Việt Nam.

Phục trang mũ và áo trong phim “Đường tới thành Thăng Long”  được cho là không giống Việt Nam.

Đến bây giờ, sau nhiều năm, câu chuyện phục trang phim lịch sử vẫn không thay đổi. Mới đây nhất, dự án phim “Quỳnh Hoa nhất dạ” về cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga và “Kiều” dựa trên “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã trình làng những trailer đầu tiên và nhận được những phản hồi gay gắt về trang phục.

Với “Quỳnh hoa nhất dạ”, lỗi sai sơ đẳng nhất có thể thấy là một trong năm lớp áo dành cho nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (do Thanh Hằng đảm nhiệm) được nhà thiết kế Thủy Nguyễn thiết kế lại mang đậm dạng thức Mãn Thanh của Trung Quốc. Phải biết rằng nếu tính theo niên đại lịch sử, Thái hậu Dương Vân Nga sống ở thời Đinh - Tiền Lê (thế kỉ thứ X), còn triều Thanh ở Trung Hoa lại tồn tại ở khoảng thế kỉ XVII - XIX. Vậy tại sao lại đưa họa tiết thời Mãn Thanh vào trang phục của một bậc mẫu nghi thiên hạ có thật trong lịch sử Việt.

Trường hợp của “Kiều”, ngoài việc lùm xùm quanh câu chuỵện dùng chữ quốc ngữ thay chữ Nôm thì phục trang cũng là điều cần bàn. Mặc dù mới chỉ tung ra các trailer tạo hình, nhưng phục trang của hai nhân vật chính Kiều và Hoạn Thư đang gây xôn xao dư luận. Kiều khoác một bộ áo màu vàng - màu chỉ dành cho các bậc vua chúa. Còn Hoạn Thư cũng khoác một bộ xiêm y rực rỡ, phối với yếm đen. Đầu đội mấn đỏ đính hoa. Tạo hình này được cho là giống phong cách Nhật Bản.

Dù đoàn phim thông báo sử dụng thể loại phái sinh (sáng tạo dựa trên bản gốc) làm chất liệu nhưng vẫn vấp phải ý kiến trái chiều từ khán giả. Đạo diễn Mai Thu Huyền chia  sẻ: “Ước mong của chúng tôi là làm một bộ phim thuần Việt, dành cho khán giả Việt. Do đó, bối cảnh, trang phục đều cố gắng theo phong cách của người Việt chứ không phải như trong Kim Vân Kiều truyện”. Tuy nhiên, làm thế nào để phù hợp với một câu chuyện, hình tượng đã in vào ký ức của người Việt không hề đơn giản mà khâu phục trang lại đóng vai trò quan trọng.

Phục trang của “Quỳnh Hoa Nhất dạ” đang bị khán giả phản ứng.

Phục trang của “Quỳnh Hoa Nhất dạ” đang bị khán giả phản ứng.

2. Vì sao, nhiều năm qua, dòng phim lịch sử vẫn luôn gặp phải vấn đề phục trang? Lý giải cho vấn đề này, các nhà làm phim cho rằng, chúng ta thiếu những cứ liệu về các giai đoạn lịch sử. Do đó, các đạo diễn, nhà làm phim khá lúng túng trong vấn đề thiết kế phục trang. Có người thì cho rằng, họ muốn sáng tạo, tạo dấu ấn mới trên các bộ trang phục. Nhưng sáng tạo hay làm mới đều phải dựa trên lịch sử vì đó là những nhân vật có thật, câu chuyện có thật về một thời kỳ có thật trong lịch sử Việt Nam. Không thể nhân danh sự sáng tạo mà bóp méo hình ảnh, vì trang phục thể hiện văn hóa của dân tộc trong từng thời kỳ.

Họa sĩ thiết kế phục trang Thu Hà, người đã thiết kế cho nhiều phim nổi tiếng như “Lều chõng”, “Long thành cầm giả ca”, “Trò đời”… cho rằng, cơ hội làm phim lịch sử ở Việt Nam không nhiều, rất tiếc là các đạo diễn đã từ chối cơ hội của mình khi ngay từ khâu phục trang đã gây tranh cãi.

 “Thiết kế phục trang điện ảnh không giản đơn chỉ là phác thảo lên mấy bộ quần áo. Ở đó còn có cả sự hiểu biết, thông tuệ của người làm về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Phải gắn bó, sống chết với nó, chứ thoáng qua, không làm việc này thì làm việc khác sẽ không bao giờ có được sự kỹ lưỡng, tâm huyết đó. Người họa sĩ không chỉ làm công việc sáng tạo mà còn phải lao động thực thụ như một người thợ để đảm bảo sản phẩm được hoàn thiện nhất”, họa sĩ Thu Hà nói.

Họa sĩ Thu Hà chia sẻ, hiện nay nguồn tư liệu lịch sử rất thiếu, cho nên điều cốt lõi nhất khi làm phim là phải quan tâm đến phong cách nghê thuật của bộ phim, ý đồ của đạo diễn, văn hóa, lịch sử của thời kỳ đó. Trên cơ sở dữ liệu đó, họa sĩ mới tạo hình cho các nhân vật của mình. “Chúng ta có thể sáng tạo nhưng vẫn phải trên cái nền cốt lõi của văn hóa, lịch sử từng thời kỳ. Chúng ta nên nhớ đang làm phim Việt, về các nhân vật sử Việt, vì thế, phải là những trang phục của người Việt chứ không thể bắt chước nước ngoài”.

3. Các dự án phim “Quỳnh Hoa Nhất Dạ”, “Kiều”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” hay “Mỹ Nhân”… dù làm với mục đích gì thì cũng mang sứ mệnh giúp khán giả Việt hiểu thêm về văn hóa, lịch sử nước mình, trong đó cả về trang phục cổ. Đây là một mảnh đất màu mỡ cần khai phá, nhưng cũng là một thử thách đối với các nhà làm phim. Ai cũng hiểu, điện ảnh là kênh quảng bá văn hóa một cách hữu hiệu nhất, nếu các khâu từ trang phục, câu chuyện không được đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu thì chắc chắn sẽ phản tác dụng và gặp phải những phản ứng của khán giả.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng, hiện nay chúng ta đang bị chạy theo trào lưu, nhân danh sự đổi mới cách tân để làm phim lịch sử. Lịch sử là lịch sử, chúng ta không thể bóp méo hay thay đổi. Những sáng tạo, nếu có cũng phải dựa trên cái gốc của lịch sử, những nhân vật có thật. Phục trang là một vấn đề quan trọng của phim lịch sử, không thể sáng tạo, bóp méo được mà phải nghiên cứu, dựa vào các cứ liệu lịch sử. Nhân vật chúng ta làm là nhân vật có thật chứ có phải là huyền sử đâu. Nhìn sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc làm phim lịch sử mà thấy ngậm ngùi cho chúng ta.

Tạo hình Kiều vừa được tung ra đã gặp phản ứng.

Tạo hình Kiều vừa được tung ra đã gặp phản ứng.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, người trăn trở với văn hóa Việt và luôn mong muốn làm những bộ phim thuần Việt cũng cho rằng, các nhà làm phim lịch sử cần nghiên cứu kỹ về giai đoạn, nhân vật lịch sử của bộ phim. Phục trang là yếu tố quan trọng để góp phần làm nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Phục trang cũng chính là văn hóa, là lịch sử của dân tộc.

“Trong các thời kỳ lịch sử, chúng ta có những thay đổi đáng kể về phục trang, người Việt có trang phục của mình, các vua chúa cũng vậy. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có những nghiên cứu hệ thống, khoa học về trang phục qua các thời kỳ, các họa tiết để từ đó các nhà làm phim lấy cơ sở sáng tạo phục trang cho phim của mình. Có như vậy, chúng ta mới tránh được những sai sót đáng tiếc vừa qua”, ông Ninh nói.

Làm phim lịch sử vẫn luôn là một bài toán khó đối với các nhà làm phim. Khó nhưng không phải không thể làm. Điều tiên quyết đó là sự đào sâu tìm hiểu và tâm huyết để tạo dựng nên những tác phẩm thuần Việt, giúp người xem hiểu hơn về quá khứ của ông cha.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những bộ phim lịch sử nổi tiếng về đất nước họ. Việt Nam có lẽ vẫn phải chờ đợi trong tương lai, bởi đơn giản khâu phục trang bao nhiêu năm vẫn chưa khắc phục được.

Nguồn: [Link nguồn]

Mai Phương Thúy gây hoang mang với phục trang

Trang phục của hoa hậu Việt Nam 2006 khiến nhiều người ngỡ ngàng vì theo mốt không nội y nhưng hình như "quên" cả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Nguyễn ([Tên nguồn])
Phong cách thời trang của SAO Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN