Xe khách rục tịch tăng theo giá xăng dầu

“Hiện nay giá cước vận tải hành khách thấp, xăng dầu lại tăng cao gây sức ép cho doanh nghiệp nên việc tăng giá cước là khó tránh khỏi” - ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội nhận định.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng giải thích, 2 lần tăng trước (ngày 20/7 và 1/8) giá xăng mới tăng 6% so với trước đó, dầu DO tăng 4%, chưa đến ngưỡng điều chỉnh cước vận tải, nên các đơn vị chưa điều chỉnh.

Tuy nhiên, với lần tăng này, giá xăng qua 3 đợt tăng tổng cộng 2.400 đồng/lít, lên hơn 10% so với thời điểm trước ngày 20/7, dầu DO tăng 1.650 đồng/lít, tăng 7%. Xăng hiện chiếm 40% cơ cấu giá thành vận chuyển taxi, mức tăng này buộc các DN taxi phải điều chỉnh tăng giá cước.

Xe khách rục tịch tăng theo giá xăng dầu - 1

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội, hiện chưa có DN vận tải hành khách nào đề xuất tăng giá cước.

Về vận tải hành khách, ông Hùng cho rằng, mức tăng 7% của dầu DO thì vận tải hành khách chưa đến mức phải tăng cước do khách đi lại ít, xe thừa, nhưng do rơi vào đúng thời điểm Quốc khánh 2/9, là chất xúc tác ép các đơn vị vận tải phải điều chỉnh tăng.

“Vận tải hành khách có thể sẽ điều chỉnh tăng ở mức vừa phải. Bởi, nếu tăng quá cao sẽ lợi bất cập hại do vận tải hành khách đang rơi vào tình cảnh thiếu khách thừa xe”, ông Hùng nói.

Về vận tải hàng hóa, ông Hùng cho rằng, các DN sẽ phải có thương lượng với chủ hàng, nếu khách hàng đồng ý có thể tăng giá cước hiện nay.

Ông Đặng Hoàng Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần taxi Sài Gòn Hoàng Long cho biết, sẽ tính toán tăng giá cước.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thì, giá xăng dầu liên lục tăng - giảm thất thường thì các DN vận tải cần phải xây dựng phương án dự phòng, tính toán đầu vào - đầu ra đầy đủ chứ không thể điều chỉnh liên tục theo giá xăng dầu được.

DN xăng dầu có sự liên kết độc quyền

Ông Hùng cho biết, các DN xăng dầu tăng cùng một mức giá cho thấy ở đây có sự liên kết độc quyền. Việc xăng dầu tăng liên tục (23 ngày tăng 3 lần) đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

“Hoạt động sản xuất trì trệ, nhiều doanh nghiệp vừa sản xuất vừa lo giải quyết hàng tồn kho, giờ để sản xuất hàng hóa mới trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ lại càng khó khăn hơn”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà nước cần phải can thiệp bằng quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh thuế nhập khẩu vì nếu cứ để cho các DN tăng giá xăng dầu liên tục sẽ khiến cho nền kinh tế gặp khó khăn hơn.

Theo ông Bùi Danh Liên, việc xăng dầu liên tiếp tăng giá thì người dân sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp chứ không phải ai khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Điệp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN