Vốn ODA sẽ được ưu tiên xây dựng nông thôn mới

Đó là khẳng định của Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh tại lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa VN và các nhà tài trợ diễn ra tại Hà Nội hôm qua (17.10).

Theo Bộ KHĐT, 20 năm qua (1993-2012), các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho VN lên tới 80 tỷ USD, góp phần đưa VN gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Hiện có khoảng 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động, cung cấp nguồn ODA và vốn vay ưu đãi cho VN. Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho VN trong giai đoạn 1993-2012 với khoảng 19,81 tỷ USD. Pháp đứng thứ hai với 3,91 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba với 2,33 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới (WB) đứng đầu trong nhóm 6 ngân hàng phát triển với khoảng 20,1 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đứng thứ hai với 14,23 tỷ USD vốn ODA cam kết. Riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo nhận được nguồn vốn ODA đứng thứ ba với tổng trị giá ký kết khoảng 8,85 tỷ USD (ODA vốn vay: 7,43 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại: 1,42 tỷ USD).

Thời gian qua, vốn ODA chủ yếu hỗ trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nông nghiệp, gồm các công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn và các công trình cấp nước sạch; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo...

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên vốn ODA và sẽ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với những hoạt động như quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế; cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, vốn ODA của các nhà tài trợ dành cho VN là "những đồng vốn quý báu khi VN còn nghèo". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Đối với chúng tôi, sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi VN còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau...". 

Nguồn vốn ODA đã hỗ trợ hiệu quả cho VN trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường năng lực thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, kiến thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến… Qua đó, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN