Vì sao hạ mục tiêu xuất khẩu gạo ?
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại một lần nữa hạ mục tiêu xuất khẩu (XK) gạo năm 2013 xuống còn 6,7 triệu tấn, giảm khoảng 11% so với mục tiêu ban đầu 7,5 triệu tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại một lần nữa hạ mục tiêu xuất khẩu (XK) gạo năm 2013 xuống còn 6,7 triệu tấn, giảm khoảng 11% so với mục tiêu ban đầu 7,5 triệu tấn và giảm 4% so với dự kiến gần đây nhất (tháng 9.2013) 7-7,2 triệu tấn. Vì sao vậy?
Hạ vì hết gạo để xuất
Trang tin về giá gạo toàn cầu Oryza.com dẫn nguồn từ VFA cho biết, Việt Nam tiếp tục giảm mục tiêu XK gạo 2013 xuống 6,7 triệu tấn, giảm 11% từ mức mục tiêu khoảng 7,5 triệu tấn so với mục tiêu ban đầu, và giảm khoảng 4% so với mức trước đó đã điều chỉnh giảm về khoảng 7,0-7,2 triệu tấn (hồi tháng 9.2013). Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho biết, chỉ tiêu năm nay đặt ra là XK 7,5 triệu tấn gạo, nhưng sau 9 tháng đã điều chỉnh còn 7 triệu tấn vẫn khó đạt do các nước XK gạo đang hạ giá thành nhằm đẩy mạnh XK cuối năm.
Do thiếu thị trường, giá gạo thấp nên các doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo.
Theo VFA, tổng lượng gạo XK từ tháng 1 đến tháng 10.2013 chỉ ở mức 5,7 triệu tấn, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Còn theo Bộ Công Thương, XK gạo 10 tháng qua đã giảm 14,1% về lượng và 16,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. VFA đã tiếp tục hạ mục tiêu XK gạo xuống khi mà giá gạo cả XK và trong nước đang có dấu hiệu được cải thiện.
Tuy nhiên, có một lý do lý giải cho việc hạ mục tiêu XK gạo là bởi dự báo từ nay đến cuối năm Việt Nam không còn gạo do lượng gạo XK tiểu ngạch qua Trung Quốc ngày một lớn. Đầu tháng 10.2013, lượng gạo XK tiểu ngạch chỉ khoảng 5.000 tấn gạo/ngày qua biên giới phía Bắc thì hiện đã lên đến 8.000-10.000 tấn/ngày.
Hàng chục doanh nghiệp XK không có giấy phép XK gạo nhưng vẫn mua gạo XK sang Trung Quốc. Doanh nghiệp phía Bắc còn XK gạo ủy thác sang Trung Quốc với hoa hồng 1 -2 USD. Do vậy, chỉ trong 10 tháng qua, thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 50% tổng lượng gạo XK của Việt Nam.Hiện cả giá gạo nội địa lẫn XK của Việt Nam đều có dấu hiệu nhích tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết lại không có gạo để bán theo các hợp đồng chính ngạch.
Nguồn gạo xuất qua đường tiểu ngạch qua biên giới đã làm cho nguồn gạo xuất chính ngạch không còn. Các doanh nghiệp XK gạo Việt Nam chỉ còn trữ trong kho vài trăm ngàn tấn, nên không thể xuất gạo chính ngạch với số lượng lớn.
Bị "hỏa mù"?
Bộ Công Thương nhiều lần cho biết, khó thống kê chính xác được lượng gạo Việt Nam XK sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch do ta xuất chỉ được thỏa thuận giữa hai bên... Do vậy, Việt Nam không còn gạo để xuất hay do khó khăn về thị trường cạnh tranh của các nước nên khó xuất gạo đều chưa có thông tin chính thức.
Theo VFA, tổng lượng gạo XK từ tháng 1 đến tháng 10.2013 chỉ ở mức 5,7 triệu tấn, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2012. |
Ông Trần Tuấn Anh- Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ nhận định: Về vấn đề XK gạo tiểu ngạch, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan quản lý phối hợp các cơ quan hải quan, thuế tổ chức kiểm tra, kiểm soát để có những chấn chỉnh kịp thời.Theo ông Tuấn Anh, XK gạo tiểu ngạch tăng mạnh sẽ gây áp lực về giá cho doanh nghiệp XK chính ngạch và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc vì 2 nước đã ký kết hợp tác đẩy mạnh XK gạo chính ngạch. Đồng thời XK tiểu ngạch ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ không đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dẫn đến bị chi phối về giá XK.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, dự báo về XK gạo của Việt Nam hiện như "hỏa mù". Bởi nếu theo đúng các con số về xuất gạo tiểu ngạch đưa ra mới đây thì XK gạo năm nay của ta cộng cả lại phải lên đến 8 triệu tấn, chứ không phải hạ chỉ tiêu xuống 6,7 triệu tấn.
Cách đây hơn 1 tháng, VFA kêu thừa gạo và đề nghị Chính phủ cấp bù lãi suất vốn vay ngân hàng để tiếp tục tạm trữ gạo. VFA liên tục hạ chỉ tiêu XK gạo do dự báo sẽ khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, nay việc gạo ồ ạt vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch lại bị kêu rủi ro như làm cạn nguồn cung lớn cho XK gạo chính ngạch.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo nói thẳng: "Tin gạo xuất tiểu ngạch nhiều, rồi nhiều doanh nghiệp xuất gạo tiểu ngạch đưa ra gần đây đều thiếu căn cứ, không rõ ràng. Rất có thể, các nhà đầu tư nước ngoài tung tin nhằm đẩy giá gạo lên cao để họ bán gạo đã nhập trước đó kiếm lời, giống như việc những tháng trước họ đưa tin cung gạo nhiều để rồi ép giá mua gạo của các nước, trong đó có Việt Nam.Rõ ràng đã đến lúc Việt Nam cần có chính sách quản lý XK gạo hợp lý, có lợi dù là xuất tiểu ngạch hay chính ngạch. Xuất theo con đường nào thì cũng cần lấy giá trị, lợi nhuận thu được của hạt gạo Việt Nam, nông dân Việt Nam làm thước đo để có các cơ chế phù hợp.