Nông dân bị đứng ngoài tiến trình xuất khẩu gạo

Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại lễ công bố báo cáo “Ai hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?” do Oxfam và Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 17-10 tại Hà Nội.

Bà Phạm Chi Lan đánh giá lúa gạo là ngành kinh tế quan trọng, Việt Nam vẫn có lợi thế khi tham gia thị trường thế giới. “Tuy nhiên, tôi thấy tư duy cũ vẫn chưa thay đổi được, chúng ta mới nhìn thấy lúa gạo là đảm bảo an ninh lương thực nên cứ thế tăng sản lượng mà không tính đến lợi ích của người dân, giá cả, thị trường như thế nào. Trong khi đó Thái Lan đã vượt chúng ta về chất lượng và giá trị rất nhiều” - bà Lan nêu thực tế.

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng sản xuất vẫn còn tổ chức theo kiểu cũ, phân tán, nhỏ lẻ. Trong khi đó kinh tế đang bị cuốn theo kinh tế thị trường, nên khoảng cách giữa người nông dân với kinh doanh bị dãn ra. Vì vậy sự liên kết sẽ khó khăn, lợi ích cũng khó hài hòa, hệ quả là rất nhiều nông dân bỏ ruộng. Đặc biệt bà Lan cho rằng Hiệp hội Lương thực về danh nghĩa gắn với thị trường nhưng lợi ích kinh tế của họ rất lớn, họ nắm trọn chính sách trong tay nên khi đề xuất đến chính sách họ gắn với lợi ích của họ và cộng đồng doanh nghiệp (DN) mà không hướng nhiều tới nông dân.

Theo báo cáo của Oxfam, hiện nay xuất khẩu gạo vẫn tập trung vào một số DN lớn, chủ yếu là của Nhà nước hay DN cổ phần chuyển đổi từ các DN nhà nước. Riêng hai tổng công ty Vinafood 1và Vinafood 2 đã chiếm tới gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù từ đầu năm 2001, Việt Nam cho phép và khuyến khích các DN tư nhân tham gia xuất khẩu nhưng hiện nay tỉ trọng xuất khẩu gạo của các DN này vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, người nông dân không được lợi nhiều từ chính sách thu mua tạm trữ. Chính sách này nhằm tăng thu mua lúa cho dân, nâng giá khi thu hoạch rộ để bảo đảm mức lợi nhuận 30% hoặc hơn cho người trồng lúa như quy định trong Nghị quyết 63. Tuy nhiên, việc thực hiện thu mua tạm trữ lại thông qua việc các DN xuất khẩu được vay không lãi suất trong thời hạn từ ba đến bốn tháng. Vì vậy, các chính sách này lại không mang lại hiệu quả cho người trồng lúa bởi vì Nhà nước trợ cấp qua ngân hàng để cho DN vay ưu đãi nhưng khó có thể kiểm soát được thời điểm và khối lượng thu mua tạm trữ của DN xuất khẩu. DN xuất khẩu chỉ mua gạo trong khi nông dân phải bán lúa, thường là bán tại ruộng (không bán được trực tiếp cho DN) qua trung gian thương lái. Vì thế, giá mua từ nông dân thường không bám sát mức tăng từ giá của DN.

Theo nhóm nghiên cứu, rõ ràng không có một tổ chức nào đại diện cho người trồng lúa để tham gia vào điều hành xuất khẩu gạo. Mặc dù Hội nông dân là tổ chức đại diện cho người nông dân ở Việt Nam, Hội nông dân lại không tham gia vào quá trình điều hành xuất khẩu gạo hay trong quá trình ban hành chính sách. Cụ thể là trong Nghị định 109 về điều hành xuất khẩu gạo cũng không hề đề cập đến vai trò của Hội nông dân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN