U60 đếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ba ba nơi vùng cao biên giới

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhờ nghị lực kiên cường ông Bùi Quang Bình (sinh năm 1960), ở bản Hưng Mai (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La) đã vượt khó vươn lên trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng nhờ mô hình nuôi ba ba gai.

Bứt phá từ hai bàn tay trắng

30 năm trước, ông Bình cùng vợ con rời quê hương Hưng Yên lên vùng đất Sông Mã (Sơn La) để xây dựng kinh tế. Trên vùng đất mới, vợ chồng ông với hai bàn tay trắng, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm kế sinh nhai, không từ công việc nặng hay nhẹ. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông lại tích góp làm vốn để thầu đất sản xuất, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài".

U60 đếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ba ba nơi vùng cao biên giới - 1

Nhờ hợp với môi trường khí hậu ở Sông Mã nên ba ba phát triển, sinh trưởng tốt, giá cả thị trường ổn định, thu nhập cao hơn so với các ngành chăn nuôi khác.

Ông Bình cho hay, năm 2007, thấy một số hộ nuôi ba ba gai trong vùng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bình bàn với gia đình, vay vốn ngân hàng 1 tỷ đồng, đầu tư cải tạo khu đất rộng hơn 2.600 m2 mà vợ chồng ông vất vả lao động tích góp mua được, xây dựng thành khu ao nuôi, bể chứa, rồi mua giống ba ba về nuôi.

“Thời điểm đó, ba ba giống đắt đỏ, mỗi 1kg mua với giá 1,5 triệu đồng, tôi mua hơn 100 con giống về nuôi. Được cái ba ba thích nghi rất tốt với môi trường khí hậu ở Sông Mã nên sinh trưởng và phát triển nhanh. Năm đầu tiên, ba ba đã đẻ hơn 1.000 con, tôi vừa nuôi thịt vừa bán giống để lấy vốn xoay vòng" - ông Bình kể.

Ông Bình thường xuyên đi thực tế học hỏi tại các trại nuôi ba ba trong vùng. Nhờ tính chịu khó, chỉ sau một thời gian ông đã nắm vững kỹ thuật nuôi; am hiểu được tập tính, thói quen của ba ba.

U60 đếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ba ba nơi vùng cao biên giới - 2

Nuôi ba ba gai ở Sông Mã đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn

Theo ông Bình, ba ba là loài ăn đêm, ban ngày hầu như chúng ở dưới đáy ao, ít khi lên bờ, thức ăn của chúng chủ yếu là cá khô trộn với cám xay nhuyễn, hòa một ít nước, nặn thành từng viên (bằng viên gạch) đắp sẵn để trên bờ, ban đêm ba ba tự khắc lên ăn. Một năm, một con ba ba có thể đẻ từ 3 – 4 lần, mỗi lần thường có 20 quả trứng, mỗi ao phải làm một bãi dải một lớp cát phía trên làm nơi cho ba ba đẻ trứng.

Đổi đời nhờ nuôi ba ba

Ông Bình tâm sự: Muốn thành công thì làm gì cũng phải tìm hiểu sâu về nó. Nuôi ba ba cũng vậy, phải hiểu được tập tính, thói quen, quá trình sinh trưởng và sức khỏe của chúng; khi nào chúng khỏe, yếu, cần thức ăn gì... thì người chăn nuôi phải biết và đáp ứng. "Nuôi ba ba không khó, quan trọng nhất là nước nước phải sạch, lưu thông thường xuyên, đáy ao phải dải lớp cát mịn, phía trên phủ kín bèo để ba ba trú ẩn khi trời lạnh. Hơn nữa bèo còn có tác dụng hút chất thải và tạp chất trong ao, giữ cho môi trường nước luôn sạch và không bị ô nhiễm".

U60 đếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ba ba nơi vùng cao biên giới - 3

Ao nuôi ba ba của ông Bình luôn phủ kín bèo để giữ ấm cho ba ba

Nhờ cách làm khoa học, đàn ba ba của ông Bình phát triển rất tốt, đến nay ông có tới vài chục nghìn con. Hiện trong 10 ao nuôi, có hơn 10 tấn ba ba các loại. Với giá bán 500.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm trừ chi phí ông Bình thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán ba ba giống và thịt. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, tiêu thụ nhiều nhất là các mối hàng ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương…

U60 đếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi ba ba nơi vùng cao biên giới - 4

Nhớ lại những ngày đầu lên vùng đất khó, bữa nay lại phải lo bữa mai, ông Bình nói rằng: Nhờ yêu nghề nuôi ba ba mà cuộc sống mới hết khó khăn, nuôi con cái ăn học, lớn khôn trưởng thành, kinh tế gia đình khấm khá lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Định (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN