Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Những ngày gần đây, chuyện một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống nhãn tím của ông Bảy Huy (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) khiến nhiều người vừa lo vừa tiếc. Thực tế này cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc đăng ký bảo hộ, phát triển và bảo vệ những giống cây trồng đặc sản - một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ.

Giống quý bán tràn lan

Ông Trần Văn Huy (tức Bảy Huy, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) là người tình cờ phát hiện và nhân giống thành công cây nhãn tím. Với màu sắc độc đáo, lạ mắt, giống nhãn này sau khi xuất hiện tại một hội chợ nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Mới đây, có một nhóm thương nhân Thái Lan đến hỏi mua giống nhãn tím, ông Bảy Huy vẫn giữ quyết tâm không bán cho người nước ngoài. Thế nhưng hiện nay, giống nhãn tím này đã được nhân rộng và bày bán khá nhiều ở các tỉnh ĐBSCL.

Ông Sáu Mùi, chủ cơ sở kinh doanh cây giống Sáu Mùi tại Tiền Giang cho biết, giống nhãn tím được nhiều người lùng mua vì quả có màu sắc độc đáo, có thể trồng làm cảnh hoặc trồng lấy quả thương phẩm đều được.

Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý? - 1

Với màu sắc độc đáo, nhãn tím của ông Bảy Huy có giá vài trăm nghìn đồng mỗi kg. Ảnh: Thuận Hải.

Nhãn tím hiện nay được bán với giá rất cao, từ 150.000 – 200.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Nhiều khách hàng tới mùa phải đặt trước vài tuần mới có. Còn đối với cây giống, ông Sáu Mùi bán giá từ 200.000 – 500.000 đồng/cây tùy loại cây ghép hay cây chiết.

Khi được hỏi về việc bán giống nhãn tím cho người nước ngoài, ông Sáu Mùi bảo: “Mình không bán thì chỗ khác họ cũng bán, bây giờ giống này cũng nhiều nơi có hàng rồi!”.

Việc này khiến nhiều người lo lắng, rằng Thái Lan có thể mua giống nhãn tím rồi phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà, thậm chí, xuất khẩu ngược lại Việt Nam như một số sản phẩm nông nghiệp khác hiện nay.

Còn với ông Bảy Huy, vì cho rằng đây là “món quà của ông trời” nên ngay từ đầu ông đã nhiều lần từ chối bán rộng rãi giống cây này. Tuy nhiên, đến năm 2012, ông Huy ký hợp đồng thu mua độc quyền với một chủ vườn chuyên cung cấp cây giống. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm, số lượng bao nhiêu cũng mua hết với giá cao kỷ lục 1 triệu đồng/nhánh nhãn chiết.

Lúc đó, tưởng sẽ vừa phát triển được cây giống quý, vừa kiếm được một khoản kha khá từ “món quà” của gia đình, thế nhưng việc mua bán chỉ diễn ra được một thời gian rồi đứt đoạn. Nguyên nhân, phía đối tác cho rằng, họ… hết tiền nên không thể mua cây giống giá cao nữa.

Bảo hộ giống quý: Nông dân vẫn tự bơi

Tính từ thời điểm ký hợp đồng mua bán độc quyền này cho tới khi bên mua ngừng giao dịch, ông Huy bán ra được khoảng 200 cành giống nhãn tím. Nhưng ngay khi phía “đối tác” không mua giống của ông Huy nữa thì cũng là lúc cây nhãn tím đã bị nhân giống, bày bán tràn lan trên thị trường.

Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý? - 2

Giống nhãn tím của ông Bảy Huy được chính quyền địa phương trưng bày tại một hội chợ ngành nông nghiệp. Ảnh: Thuận Hải.

Cùng thời gian này, chính quyền địa phương cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ để ông Bảy Huy đăng ký sở hữu trí tuệ đối với giống nhãn tím, với khoản tiền phải đóng để làm hồ sơ và các giấy tờ liên quan lên đến gần 20 triệu đồng.

“Số tiền đó lớn quá, nhà tui làm nông làm gì kiếm ra nhiều tiền như vậy để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bây giờ giống đã phát tán rộng rãi rồi, mình có bảo hộ cũng không ăn thua”, ông Huy phân trần.

Trước đây, khi tiếng thơm nhãn tím bay xa, chính quyền địa phương đã lên tiếng sẽ hỗ trợ ông Huy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu nhãn tím và mô hình cây giống. Thế nhưng cho đến nay, các hoạt động chỉ dừng lại ở “lời hứa”.

Ông Huy cho biết, mới đây chỉ thấy có nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ đến cồn Phong Nẫm tìm hiểu, nghiên cứu về giống nhãn tím này, còn lại mọi chuyện từ cách chăm sóc, nhân giống thủ công đến tiêu thụ… chủ yếu ông tự “bơi”, chưa thấy chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn rục rịch gì.

“Nhiều cơ quan hứa hẹn về lấy giống để nghiên cứu, nhiều đài truyền hình về quay phim… nhưng cho đến nay, mỗi năm tới ngày tết Đoan Ngọ, tôi bán cho chính quyền địa phương vài kg trái nhãn tím để họ đem ra hội chợ triển lãm, rồi… thôi”, ông Huy nói tiếp.

Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc chậm bảo hộ giống cây trồng sẽ dẫn đến thua thiệt cho ngành nông nghiệp trong tương lai. Trong khi đó, theo đại diện một Sở NNPTNT ở ĐBSCL, các quy định, trình tự, thủ tục cũng như chi phí để được đăng ký bảo hộ giống cây trồng hiện nay còn khá phức tạp.

Cụ thể, theo quy định nông dân khi phát hiện hay nhập giống mới, muốn đăng ký cây đầu dòng phải thông qua công tác khảo nghiệm, được Bộ NNPTNT công nhận và đưa vào danh mục cây giống quốc gia thì mới được phép sản xuất. Đây là nội dung khó cho cơ quan quản lý thời gian qua; còn nếu như thực hiện đúng quy định thì nông dân không đủ kinh phí để thực hiện.

Trong pháp lệnh Giống cây trồng hiện không có quy định rõ về việc nhân giống hữu tính của cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm mà chỉ quy định về phương pháp nhân giống vô tính.

Do đó mới có chuyện, từ năm 2004 Việt Nam bắt đầu hoạt động bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) nhưng đến cuối 2017, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) mới cấp bằng bảo hộ cho 453 giống, bao gồm 270 giống của chủ thể trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khải Huyền ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN