Trung Quốc kiểm soát chặt nông sản VN

Hoạt động thu mua trái phép nông sản, thuỷ sản của thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam bước đầu đã được hạn chế, song nông sản Việt Nam qua Trung Quốc cũng bị kiểm soát gắt gao hơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết.

Có dung lượng lên tới 34 trang, báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 của Bộ Công Thương vừa được gửi đến các vị đại biểu sáng 6/11.

Một trong số các nội dung lớn tại đây là vấn đề hàng hóa nông sản sang Trung Quốc, đã từng rất nóng trên diễn đàn Quốc hội ở một số kỳ họp gần đây.

Nông sản bớt tự do

Bộ trưởng Hoàng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) và các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, nghiên cứu, triển khai kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống bến bãi vận tải, giao nhận, kho tập kết hàng hóa, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại tại khu vực các cửa khẩu biên giới. Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu qua biên giới.

Trung Quốc kiểm soát chặt nông sản VN - 1

Nông sản Việt Nam qua Trung Quốc cũng bị kiểm soát gắt gao hơn.

Quy hoạch phát triển hệ thống bến bãi vận tải, kho hàng tập kết hàng hoá, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại tại khu vực cửa khẩu biên giới 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc năm 2013 và Đề án “Tổ chức dịch vụ giao nhận và hệ thống phân phối mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc” cũng đang được xây dựng, báo cáo cho biết.

Đáng chú ý, vào cuối quý 4 năm 2012 hoặc chậm nhất trong đầu quý 1 năm 2013, Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ được ký kết. Theo đó, hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, hoa quả, sắn, hạt điều, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản… xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Cho đến nay, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch giữa ta với Trung Quốc tại khu vực biên giới phía Bắc diễn ra bình thường, chưa có bất cứ dấu hiệu thay đổi gì mới, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, cặp chợ, lối mòn vẫn diễn ra nhưng không còn được tự do như trước do phía Trung Quốc thắt chặt quản lý vệ sinh, kiểm nghiệm kiểm dịch, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa, đặc biệt là hàng đông lạnh như nội tạng, chân gà, thịt… qua các con đường nói trên cũng bị các cơ quan quản lý Trung Quốc kiểm soát gắt gao và không cho thông quan, gây ách tắc tại một số cửa khẩu, nhất là khu vực Quảng Ninh.

Đáng chú ý, theo báo cáo, năm nay việc giám sát này được kéo dài hơn và tiến hành gắt gao hơn so với thông thường.

Hoạt đông của thương nhân Trung Quốc vẫn phức tạp

Tại kỳ họp giữa năm nay, quan ngại việc thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại ở Việt Nam nhưng đa số dùng hộ chiếu du lịch và đã có dấu hiệu lừa đảo như giật nợ, bỏ trốn đã được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận và chất vấn.

Nay, người đứng đầu ngành Công Thương vẫn khẳng định, trong năm 2012, hiện tượng thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản, thủy sản diễn ra trên diện rộng và có diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp.

Bộ đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình hình, chỉ đạo trực tiếp các địa phương xử lý và chủ trì đã tổ chức 3 hội nghị khu để phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/TT-BCT quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

“Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Bộ, bước đầu đã hạn chế được hoạt động thu mua trái phép nông sản, thuỷ sản của thương nhân Trung Quốc tại Việt Nam”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên, báo cáo này đã hoàn toàn thiếu vắng các con số cụ thể để chứng minh cho những nhận định lạc quan nói trên.

Trong danh sách dự kiến chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ tư vừa được gửi xin ý kiến đại biểu không có Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Điều này cũng khiến một số vị đại biểu băn khoăn, bởi độ nóng của nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương vẫn chưa hề giảm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Hà (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN