Thịt lợn nhập khẩu giá 23.000 đ/kg có đảm bảo chất lượng?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, hiện tại, sản lượng thịt nhập khẩu chưa thấy những tác động rõ rệt đối với thị trường trong nước, nhưng về lâu dài cần có giải pháp kiểm soát chặt hơn để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như quyền lợi người chăn nuôi.

Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 15%, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu thịt lợn vào các tháng cuối năm. Nhận định của ông về thực trạng này như thế nào?

- Sau khi bùng phát vào đầu tháng 2/2019, càn quét qua các tỉnh, thành, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu dịu bớt ở một số địa phương. Tuy vậy, diễn biến của dịch vẫn còn khá phức tạp, khi dịch không chỉ xuất hiện ở những trại chăn nuôi nhỏ lẻ, mà ngay cả một số trại lớn cũng bị. Tại Đồng Nai đã ghi nhận tình trạng này.

Giá thịt lợn nhập có loại chỉ 23.000 đồng/kg. Ảnh: I.T

Giá thịt lợn nhập có loại chỉ 23.000 đồng/kg. Ảnh: I.T

Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc thiếu thịt lợn trong thời gian tới không còn là nguy cơ, mà nó đang dần hiện hữu. Sau nhiều ngày giá giảm thê thảm, hiện, giá lợn hơi đang có những diễn biến khá tích cực. Tại miền Bắc, giá lợn hơi đã trên 45.000 đồng/kg, còn tại miền Nam cũng đã đạt 35.000 đồng/kg. Theo tôi, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá lợn hơi còn tăng cao hơn nữa, có thể đạt 50.000 - 55.000 đồng/kg.

Vấn đề đặt ra là: Làm sao đảm bảo được nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm, tránh tăng giá đột biến.

Trên thực tế, nhận định tình hình thịt lợn sẽ có nguy cơ thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã có chủ trương mở rộng các đối tượng vật nuôi khác để bù lại lượng thiếu hụt từ thịt lợn như chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản. 6 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã làm rất tốt điều này, khi quy mô chăn nuôi gia cầm đã tăng 7,5%, quy mô đàn bò tăng 2,9%. Dự kiến đến hết năm 2019, đàn gia cầm tăng 10%, đàn bò tăng 6,7%, nguồn thiếu hụt từ thịt lợn chắc chắn sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng của người Việt, thịt lợn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu bữa ăn, nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ cao. Do đó, ngoài biện pháp cấp bù thực phẩm khác, phải tìm cách tái đàn để cấp bù đàn lợn đã bị mất do dịch tả lợn châu Phi.

Theo tôi, trong thời gian tới, nếu có chính sách điều hành giá, cộng với tái đàn hợp lý, lượng thịt lợn trong sẽ không thiếu mà giá cả sẽ được cải thiện đáng kể, chắc chắn mức giá trên 50.000 đồng/kg lợn hơi là có thể đạt được.

Mức giá này cũng là hợp lý ở thời điểm này, bởi người nông dân đã quá vất vả chống chọi với dịch, giờ là lúc họ lấy lại những gì đã mất, vì chi phí chống dịch khiến giá thành sản xuất sẽ tăng cao hơn. Hiện, giá lợn hơi của Việt Nam đang thấp nhất khu vực, trong khi giá lợn ở Trung Quốc, Campuchia đều trên 60.000 đồng/kg.

Hiện nay, các địa phương vẫn đang cân nhắc việc khuyến cáo người dân tái đàn lợn sau dịch. Vậy theo ông, làm sao để người dân tái đàn hiệu quả?

- Bộ NNPTNT cũng đã có những quy định rất rõ về tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khu vực vừa bị dịch nhất quyết không được tái đàn ở thời điểm này, chúng ta chỉ nên tái đàn ở những vùng chưa có dịch.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh phải được duy trì ở mức độ cao, không nên quá bi quan, vì hiện tại vẫn còn 85% đàn lợn, cần phải áp dụng tổng lực các giải pháp để duy trì được đàn.

Theo đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng nghiêm túc các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, bên cạnh đó, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Có một diễn biến đáng chú ý trên thị trường thịt lợn 6 tháng đầu năm 2019 là lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến. Liệu điều này có tác động đến ngành chăn nuôi trong nước không, thưa ông?

- Đúng là 6 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu  tăng đột biến, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 8.000 tấn. Nếu so sánh con số 8.000 tấn thịt lợn nhập khẩu với sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn thì không phải là con số quá lớn. Những tác động của thịt nhập khẩu lên thị trường thịt lợn cũng chưa rõ ràng.

Nhưng về lâu dài, theo tôi, cần tăng cường kiểm soát lượng thịt lợn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, cộng với độ mở của thị trường ngày càng lớn. Nếu không kiểm soát để nhập ồ ạt, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.

Trong số lượng thịt nhập khẩu, ngoài một số loại thịt cao cấp cũng có một số loại không phải chính phẩm như chân giò, thịt vụn giá rất rẻ, chỉ hơn 23.000 đồng/kg. Điều tôi lo ngại là liệu những sản phẩm thịt nhập có đảm bảo chất lượng không, thời hạn sử dụng như thế nào hay lại là loại cận date. Nếu để những loại thực phẩm này tràn về, không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà sức khỏe người tiêu dùng cũng bị đe dọa.

Điều cốt lõi vẫn là chủ động chăn nuôi trong nước với chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ cho thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo cuộc sống của người chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Thịt thăn lợn, cốt lết lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 16 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM); tương đương 417.000 đồng/kg.

Thịt filet lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 14 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM), tương đương 385.000 đồng/kg.

Chân lợn, tai lợn, đuôi lợn từ Mỹ giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.

Chân giò cắt khúc từ Úc giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.

Phụ phẩm lợn đông lạnh có xương-xương sườn lợn (FROZEN PORK RIBLETS) hiệu Skiba từ Ba Lan giá 1 USD/kg (CIF, cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu), tương đương 23.238 đồng/kg.

Lô thịt heo Mỹ ”khổng lồ” giá 26.000 đồng/kg

Nhiều ý kiến dự báo lô hàng thịt heo từ Mỹ vừa bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu sẽ chuyển hướng tràn vào thị trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN