Thị trường ô tô ế ẩm

Sức mua giảm mạnh do kinh tế khó khăn cùng thuế, phí và lãi suất cao là những gánh nặng nhấn chìm thị trường ô tô Việt Nam.

Không nằm ngoài số phận của các ngành sản xuất khác trong thời kỳ kinh tế suy giảm, công nghiệp ô tô cũng đang trong thảm cảnh doanh số bán hàng giảm thê thảm, lượng tồn kho tăng cao, công nhân phải làm việc bán thời gian vì nhà máy thu hẹp dần sản xuất.

Tụt dốc không phanh

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4-2012, sản lượng bán hàng của các thành viên chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng 3 và giảm 46% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, ô tô con giảm tới gần một nửa (49%), xe tải giảm 36%. “Lại thêm một tháng thất vọng của ngành ô tô Việt Nam với sản lượng bán hàng chỉ dưới 7.000 xe” - VAMA nhận định.

Trước đó, sản lượng tiêu thụ ô tô của VAMA trong 2 tháng đầu năm đều rất thấp, lần lượt là 4.277 và 6.116 chiếc/tháng (giảm 60% và 25% so với cùng kỳ) và đến tháng 3 tăng được lên 7.525 chiếc (tăng 22% so với tháng liền trước nhưng vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2011).

Dựa theo số liệu bán hàng thực tế của tháng 4-2012, VAMA đã phải điều chỉnh dự báo triển vọng thị trường tiêu thụ ô tô cả năm 2012 (tính toán theo hệ số điều chỉnh theo mùa) giảm chỉ còn 81.000 chiếc thay vì con số 130.000 - 140.000 đưa ra từ đầu năm.

Hiện Trường Hải Auto đã phải giảm 50% công suất nhà máy lắp ráp xe du lịch. GM Motor Việt Nam, Ford Việt Nam cũng phải tạm ngừng sản xuất có thời hạn. Một số doanh nghiệp ô tô cho công nhân làm việc chỉ 14 ngày/tháng, còn lại là nghỉ không lương. Trong khi đó, các mẫu xe mới vẫn không ngừng được đưa về Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng phản ánh sức mua rất yếu của thị trường ô tô. Tính đến hết quý I/2012, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ đạt 15.200 chiếc, trong đó có 11.800 xe chở khách và 3.400 xe tải, giảm lần lượt 16,5% và 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung cả ô tô và xe máy, chỉ số tồn kho của 2 mặt hàng này trong quý I lên đến 38,7% trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng chưa đến 5%. Đây là một con số “thê thảm” nếu so sánh với mức tăng 138,7% của chỉ số tiêu thụ ô tô trong năm 2011 so với năm 2010.

Thị trường ô tô ế ẩm - 1

Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến các cửa hàng ô tô giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái

Ngân sách thất thu nặng

Trong khi chiếc ô tô cá nhân lâu nay vẫn là khát khao “lên đời” của không ít người dân thì việc tiêu thụ giảm là một nghịch lý, đặc biệt là thị trường này đã từng tăng trưởng rất tốt trong bối cảnh giá tăng nhưng sức mua vẫn không giảm.

Cũng theo VAMA, thị trường ô tô đang đóng băng do lệ phí trước bạ đánh vào ô tô tại các TP lớn rất cao, ở mức 15%-20% tại TPHCM và Hà Nội. Nhiều loại phí mới do Bộ GTVT đề xuất có thể được thu trong thời gian tới cũng làm nản lòng những người đang phấn đấu mua xe riêng. Bên cạnh đó, vay vốn mua ô tô cũng phải chịu lãi suất 18%-20%/năm là mức quá cao.

Thị trường ô tô sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, của người lao động mà còn tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách. Theo tính toán của VAMA, sản lượng xe tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm giảm 21.331 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính trung bình 500 triệu đồng/chiếc thì Nhà nước đã bị thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng tiền thuế trong năm 2012.

Đó là tính toán của nhà sản xuất, còn theo Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ đạt 8.155 chiếc các loại với kim ngạch hơn 151 triệu USD. Tính riêng trong quý I, giá trị ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 51% đã có tác động làm giảm thu ngân sách khoảng 4.360 tỉ đồng.

Bế tắc lối ra

Theo một chuyên gia trong ngành, lối ra cho thị trường ô tô chưa thấy vì doanh nghiệp ô tô không phải đối tượng được “cứu” trong gói hỗ trợ thuế có giá trị 29.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Để tự cứu, các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất, giảm mạnh giá bán, hỗ trợ thuế, phí trước bạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN