“Tây” uống “nước mía siêu sạch” sẽ đau bụng?
Khẳng định của GS.Nguyễn Lân Dũng – Hội Sinh học Việt Nam tại hội thảo Cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt sáng 14/5 khiến người “nghiện” nước mía sẽ phải giật mình.
"Không đếm hết vi khuẩn trong nước mía vỉa hè"
Nước mía vốn là thức uống giải khát phổ biến của người dân trong mùa hè. Với mức giá từ 7.000 – 15.000 đồng/cốc, nước mía “hút” khách hơn các loại nước giải khát khác, kể cả nước đóng chai.
Đánh vào lòng tin người tiêu dùng, vài năm trở lại đây, thương hiệu “nước mía siêu sạch” hầu như các cửa hàng nào vỉa hè nào cũng tận dụng.
Tuy nhiên, theo GS.Nguyễn Lân Dũng - chuyên gia vi sinh vật học, “nước mía siêu sạch” vỉa hè có thể khiến người nước ngoài đau bụng.
Bên lề Hội thảo Cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt, GS.Nguyễn Lân Dũng cho biết, cái yếu của ngành nước giải khát Việt Nam là quy trình sản xuất còn yếu. Trong đó, nổi bật là việc đóng gói sản phẩm.
Nếu như ở nước ngoài, để tiết kiệm chi phí giá thành, các sản phẩm nước ép đồ uống được đóng gói bằng túi giấy vừa vệ sinh vừa rẻ thì ở Việt Nam, được đóng trong chai nhựa. Điều này đã khiến giá thành đội lên khiến người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp cận. Chính vì thế, loại nước ép như nước mía cứ mặc nhiên "sống" ở vỉa hè bụi bặm.
Theo thông tin từ GS.Nguyễn Lân Dũng, phân tích của Hội Sinh học cho thấy, mặc dù nước mía vỉa hè đã được pha loãng 1.000 lần vẫn “không đếm nổi vi khuẩn có hại”.
Nước mía vỉa hè dù pha loãng vấn khong đếm nổi vi khuẩn (ảnh minh họa)
Trả lời việc có hay không có sự nhầm lẫn trong kết quả kiểm nghiệm này bởi trên thực tế số người có phản ứng xấu với nước mía hầu như không có, GS.Dũng cho biết: do người Việt Nam co khả năng miễn dịch rất cao.
“Người Việt Nam có một ưu điểm là miễn dịch rất cao vì đã có con đường hình thành kháng thể từ lâu khi phải tiếp xúc với quá nhiều đồ bẩn”, ông Dũng nói. “Ngày xưa các cụ nói ăn bẩn sống lâu cũng có lý”.
Theo quy trình để có một cốc “nước mía siêu sạch” vỉa hè, mía chặt về trước khi bán cho các cửa hàng thường được ngâm xuống ao hồ. Sau đó, mía được cạo vỏ rồi để xuống nền đất. Khi thực khách yêu cầu, mía sẽ được cho vào máy ép. Nhứng cốc nước mía uống xong sẽ được cho vào xô nước rửa qua loa.
Vị chuyên gia Vi sinh vật học này cho biết, miễn dịch của người Việt rất tốt nên chưa thấy ai kêu “đau bụng” nhưng 3 sinh viên nước ngoài của vị này đã bị cấp cứu sau khi uống chung 1 cốc “nước mía siêu sạch”.
“Người nước ngoài khác chắc chắn cũng bị đau bụng khi uống nước mía tại Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.
Trong khi chưa có quy trình sản xuất nước mía sạch mà vẫn muốn sử dụng, vị Giáo sư này khuyên: nước mía mua về, lọc qua bình lọc nước thông thường. Khối nến lọc trong bình nước có tác dụng giữ lại vi khuẩn bẩn, an toàn tuyệt đối cho người uống nước mía.
Nhiều quảng cáo “lố”
Trên thực tế, hiện tượng quảng cáo “nước mía siêu sạch” ở các cửa hàng vỉa hè cũng giống nhiều doanh nghiệp khác “nổ” về sản phẩm của mình.
GS.Nguyễn Lân Dũng cho biết, rất phi lý khi nhiều doanh nghiệp nước đóng chai trên thị trường quảng cáo là sản xuất theo “công nghệ Hoa Kỳ” hay “khử trùng bằng tia tử ngoại”.
“Tôi không hiểu công nghệ Hoa Kỳ, tia tử ngoại là gì? Với kinh nghiệm ngành hóa – sinh, tôi khẳng định tia tử ngoại chỉ khử trùng được mực nước thấp, nhỏ. Với quy trình sản xuất dây chuyền, công nghệ Hoa Kỳ cũng không tác dụng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay có rất nhiều quảng cáo "nổ" hoặc "dìm" nhau (ảnh minh họa)
Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là quảng cáo kiểu “dìm” nhau đang ngày một phát triển. Trong khi đó, ngày 12/1 Bộ VH-TT&DL đã công bố dự thảo Nghị định về xử phạt trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Theo đó, quảng cáo so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm của mình với doanh nghiệp khác; quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh; quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự... bị phạt 50 triệu đồng (hiện là 30 triệu đồng).
“Nước mắm không có vi khuẩn” nghĩa là nước mắm khác có vi khuẩn. Tuy nhiên, là chuyên gia hóa – sinh, GS.Lân Dũng khẳng định, trong môi trường nhiều muối, nước mắm không bao giờ có vi khuẩn sống.