Tây Nguyên: Tiêu chết như ngả rạ, từ tỷ phú bỗng thành... trắng tay

Sự kiện: Kinh Doanh

Chỉ vài tháng nữa là đến vụ thu hoạch, nhưng hàng ngàn nông dân Tây Nguyên phải cay đắng nhìn vườn tiêu của mình chết trụi. Đây là hậu quả đã được báo trước của việc ồ ạt mở rộng diện tích tiêu.

Hàng tỷ đồng tiêu tan trong chớp mắt

Cách đây 3 năm, ông Vũ Đăng Khoa (thôn 16, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông) vay 1 tỷ đồng cùng với 2 tỷ gia đình đang có để mua gần 3ha tiêu. Năm ngoái, vườn tiêu chỉ mới cho thu bói nên gần như ông Khoa chưa thu hồi được đồng vốn nào. Năm nay, khi vườn tiêu đang xanh tốt và chuẩn bị cho thu hoạch chính vào sau Tết Nguyên đán tới thì bỗng nhiên chết trụi.

"Từ đầu tháng 10, vườn đang xanh tốt bỗng xuất hiện một số cây chết rải rác. Ngay sau đó không lâu, tình trạng này lan nhanh, chỉ hơn 1 tháng đã có 2.700 gốc tiêu chết trụi. Tôi gần như chỉ biết đứng nhìn chúng chết mà không thể can thiệp được"- ông Khoa khổ sở nói.

Tây Nguyên: Tiêu chết như ngả rạ, từ tỷ phú bỗng thành... trắng tay - 1

Vườn tiêu trị giá 3 tỷ đồng của ông Khoa đã chết gần hết sau khoảng 1 tháng. Ảnh: D.H

Cũng chỉ trong vòng một tháng qua, vườn tiêu của gia đình anh Đoàn Đình Bắc (xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, Đăk Nông) đã chết trụi gần 7.000 gốc. "Mùa mưa vừa kết thúc là vườn tiêu bắt đầu chết và sau đó chết hàng loạt. Khi phát hiện cây tiêu có hiện tượng vàng lá, gia đình đã mời kỹ sư ngoài huyện vào tư vấn và đổ 3 lần thuốc, mỗi lần tốn gần 20 triệu đồng nhưng không thể cứu vãn"- anh Bắc cho biết.

"Nếu vườn tiêu không chết thì năm nay, tôi có thể thu về chừng 1 tỷ đồng. Thế nhưng bây giờ xem như mất cả chì lẫn chài. Tổng thiệt hại ước tính lên khoảng 4 tỷ đồng” - anh Bắc buồn bã nói.

Hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện như Tuy Đức, Đăk Song, Đăk G'Long, Đăk R'Lấp… cũng lâm vào tình cảnh trắng tay vì cây "vàng đen" bỗng dưng lăn ra chết trụi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện đã có khoảng hơn 1.000ha hồ tiêu bị chết trắng cùng gần 3.000ha khác đang bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Đặc biệt tại huyện Đăk Song - nơi mà hàng ngàn nông dân đã giàu lên nhờ cây tiêu giờ đã có đến hơn 500ha tiêu bị chết và hơn 1.600ha đang bị nhiễm bệnh. Tại huyện Tuy Đức, cũng đã có đến 300ha tiêu bị chết trắng. Thế nhưng, theo dự báo, tình trạng tiêu chết còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Tây Nguyên: Tiêu chết như ngả rạ, từ tỷ phú bỗng thành... trắng tay - 2

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện đã có khoảng hơn 1.000ha hồ tiêu bị chết trắng cùng gần 3.000ha khác đang bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm.

"Đau đớn nhất là nhìn tài sản của mình tiêu tan từng ngày mà không thể làm gì được. Giờ 1 tỷ đồng vay ngân hàng đang đến kỳ đáo hạn chưa biết lấy gì để trả?".

Anh Đoàn Đình Bắc

Theo ông Lê Trọng Yên- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông, nguyên nhân dẫn đến  tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt một phần do thời tiết diễn biến bất thường, mưa quá nhiều làm dịch hại phát triển, trong đó có các bệnh hại rễ do nấm và tuyến trùng gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm.

Bên cạnh đó, việc sản xuất theo phong trào của bà con nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chỉ cần có tác nhân là dịch bệnh bùng phát.

Đã được cảnh báo (?)

Những năm trước đây, khi giá hồ tiêu liên tục tăng từ 150.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg, diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng một cách chóng mặt. Điều đáng lo ngại là nông dân bất chấp các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng… bỏ tiền tỷ để đầu tư vào cây tiêu với tâm lý chỉ cần thu được vài vụ là đã có lãi sau đó nếu cây tiêu có chết cũng không vấn đề.

Thậm chí, ở một số vùng trũng tiềm ẩn nguy cơ làm cây tiêu ngập úng chết, nông dân vẫn đầu tư trồng tiêu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đầu tư trồng mới 1ha tiêu, người dân phải mất khoảng hơn nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, trước mức giá "trên trời" của hồ tiêu, nhiều người đã chấp nhận rủi ro, vay mượn số tiền lớn để "đánh bạc" với trời.

Bà Nguyễn Thị Sim (thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) nói với chúng tôi: "Sau khi hàng trăm trụ tiêu chết trắng, số tiền nợ của bà cũng ngày càng tăng lên. Tưởng sẽ đổi đời được từ cây tiêu nhưng không ngờ giờ mấy trăm triệu đồng không làm sao trả nổi. Lúc đầu tư, gia đình chỉ nghĩ chỉ cần thu hoạch được vài năm là có lãi, nên mới làm liều".

Cũng ở xã Ea Ô, nơi mà ngành nông nghiệp huyện cảnh báo không thể phát triển cây tiêu do đây là vùng trũng thấp, úng nước thế nhưng cũng với suy nghĩ như bà Sim, nông dân vẫn bất chấp vay tiền để trồng. Và chỉ sau một đợt bị ngập úng, hàng trăm ha tiêu tại đây đã chết trắng.

Tại Đăk Nông, nơi cây tiêu đang chết hàng loạt, hiện đã có 35.000ha tiêu. Trong khi đó, theo quy hoạch của tỉnh này đến năm 2020, diện tích tiêu của tỉnh chỉ khoảng 10.000ha. Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh này cho biết, chỉ từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm khoảng 20.000ha tiêu được trồng mới. Trong khi đó, nhiều diện tích trồng mới không kiểm soát được chất lượng giống, xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng, do đó luôn tiềm ẩn dịch bệnh lây lan, dẫn đến nguy cơ nhiều vườn tiêu chết hàng loạt.

Thêm nữa, việc phát triển sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chưa bền vững, nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng để tăng năng suất, sản lượng, gây ra nhiều tác động tiêu cực trong sản xuất.

Toàn vùng Tây Nguyên, cách đây 2 năm diện tích tiêu chỉ chừng hơn 50.000ha nhưng hiện nay con số này đã lên đến hơn 90.000ha. Đặc biệt là từ năm 2016, khi giá hồ tiêu đạt 220.000 đồng/kg, diện tích tiêu phát triển đến mức chóng mặt.

Thời điểm này, tại các diễn đàn và trên báo chí, các chuyên gia nông nghiệp đã cảnh báo, việc diện tích tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh sẽ đem lại nhiều hệ lụy nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch của các loại cây trồng khác, những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Điều này dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh.

Đáng lo ngại là với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu xảy ra là cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá cả giảm, khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Ở các địa phương, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho nông dân những hệ lụy có thể xảy ra nếu tiếp tục mở rộng diện tích cây tiêu. Thế nhưng gần như đối với nông dân, những cảnh báo này không có ý nghĩa.

Người dân trồng theo tâm lý đám đông

“Tại Gia Lai, tính đến hết năm 2017, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 16.000 ha, vượt quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2020 khoảng 6.000ha. Cây tiêu là cây trồng chủ lực góp phần tăng thu nhập cho người dân, tăng xuất khẩu cho địa phương. Còn việc phá vỡ quy hoạch là do người dân tự phát trồng ồ ạt theo “tâm lý đám đông”, không chú trọng phát triển bền vững”.

Ông Hà Ngọc Uyển – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai

Chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác

“Trước tình hình hiện nay, giải pháp để hạn chế thiệt hại và ổn định đời sống của người dân là cần có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để ổn định đời sống cho người dân. Đối với các vùng đã xảy ra “dịch bệnh” thì không tiếp tục trồng hồ tiêu nữa mà chuyển sang các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho người dân từ các loại cây trồng, mô hình hiệu quả, kỹ thuật chăm sóc… cho đến thông tin thị trường giúp bà con chủ động trong sản xuất.

Về lâu dài, chính quyền địa phương và các ngành nông nghiệp, tài chính, công thương… cần có cơ chế hợp lý giúp dân vùng hồ tiêu bị dịch bệnh tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương. Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp cần có quy hoạch vùng hợp lý, tránh phát triển tràn lan, tự phát”.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai)

Bài học đắt giá cho nông dân

“Ngoài thời tiết bất thường, mùa mưa kéo dài và lượng mưa lớn làm tiêu nhiễm bệnh thì giá tiêu giảm mạnh cũng khiến nhiều hộ dân giảm đầu tư chăm sóc nên sức kháng bệnh của cây yếu đi. Không chỉ ở vụ này mà trong vụ tới, chất lượng hồ tiêu cũng sẽ bị giảm sút.

Nông dân đang gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề, song đây sẽ là bài học đắt giá cho người dân, từ đó có sự tính toán kỹ hơn trong việc phát triển cây trồng trong tương lai. Việc bị mất một số diện tích chưa hẳn là hoạ mà có thể nhờ đó giá cả tăng lên, nông dân vẫn có cơ hội để làm giàu”.

Ông Nguyễn Nho Lý - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đăk Song

Lê Kiến – Duy Hậu (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Hậu ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN