Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường: Giá xăng tăng vọt, dân gánh thêm 3,4 lần

Sự kiện: Giá xăng

"Nếu tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên gấp đôi sẽ khiến giá xăng tăng cao từ đó tác động đến một loạt các lĩnh vực, ngành nghề và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải còng lưng gánh, không chỉ gánh thêm 1 mà thêm 3-4 lần..."

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ với PV Báo điện tử Infonet khi nói đến đề xuất của Bộ Tài chính tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường lên từ 4.000 lên 8.000 đồng mỗi lít xăng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý.

Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường: Giá xăng tăng vọt, dân gánh thêm 3,4 lần - 1

TS. Lưu Bích Hồ (Ảnh: VNN)

Bộ Tài chính đang “bí”?

Thưa ông, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính có đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần 8.000 đồng/lít. Theo ông, đề xuất này của Bộ Tài chính có hợp lý không?

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi nghĩ, Bộ Tài chính đề xuất mức tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng cao gấp đôi có thể là do Bộ Tài chính đang “bí” và thiếu nguồn thu chăng?.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là Bộ Tài chính có thể đưa ra khung giá này hoặc cũng có thể cao hơn với điều kiện phải hợp lý.

Nói tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thì dứt khoát phải tập trung hơn vào việc sử dụng để bảo vệ môi trường do sử dụng xăng dầu gây ra. Bởi lẽ việc sử dụng xăng làm nguyên liệu như đốt xăng… sẽ gây ô nhiễm môi trường cho nên bắt buộc phải dùng số tiền đó để bảo vệ môi trường, tập trung cho bảo vệ môi trường  mới hợp lý.

Thế nhưng, nếu dùng số tiền từ tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm mục đích tăng nguồn thu thuế, thì việc điều chỉnh tăng cũng phải có chừng mực. Nghĩa là việc điều chỉnh tăng phải có mục đích rõ ràng để ai cũng chấp nhận, thấy tâm phục khẩu phục.

Đầu năm 2015, Bộ Tài chính cũng đã quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá rằng, con số này trên thực tế chưa tương xứng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi được biết thì lâu nay, việc dùng thuế bảo vệ môi trường vào mặt hàng xăng chưa tương xứng.

Bằng chứng là hiện nay, môi trường ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng mà một trong những nguyên nhân chính đến từ xăng dầu. Nhưng hiện chưa có cách gì để hạn chế được. Một trong những giải pháp để giảm bớt ô nhiễm là trồng nhiều cây xanh thì hiện nay vẫn chưa làm tốt.

Trong khi đó, các biện pháp làm sạch hơn môi trường cũng chưa có do đó, tôi nghĩ con số thuế bảo vệ môi trường lên xăng hiện còn chưa sử dụng hiệu quả thì việc tăng lên gấp đôi như dự thảo Bộ Tài chính đưa ra là không hợp lý lắm.

Vậy theo ông, việc tăng thuế bảo về môi trường lên mặt hàng xăng liệu có lợi cho hoạt động thu ngân sách hay không?

TS. Lưu Bích Hồ: Cá nhân tôi nghĩ, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng cao gấp đôi đương nhiên là có lợi cho ngân sách Nhà nước.

Theo  báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.

Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thì mức đóng góp của xăng dầu sẽ tăng lên đến khoảng 14- 15% tổng thu ngân sách.

Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường: Giá xăng tăng vọt, dân gánh thêm 3,4 lần - 2

Hiện nay giá mỗi lít xăng là 17.594 đồng thì người tiêu dùng đã phải gánh khoảng hơn 30% từ các loại thuế, phí.

Xăng tăng giá, người dân cõng trên lưng nhiều gánh nặng?

Theo như lý do mà Bộ Tài chính đưa ra cho rằng, việc tăng khung thuế bảo vệ mội trường lên 8.000 đồng mỗi lít xăng nhằm hạn chế tiêu thụ xăng, đồng thời để bù các khoản thu từ các hiệp định thương mại. Vậy, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Lưu Bích Hồ: Tôi nghĩ lý do này cũng có lý vì hiện nay người dân đang e ngại chưa dùng xăng sinh học nhiều nên có thể, Bộ Tài chính đưa ra cách này để người dân hạn chế sử dụng xăng 92, thay vào đó sẽ sử dụng loại xăng sinh học E5. Tuy nhiên, nếu đúng là như vậy thì Bộ Tài chính cũng phải tính toán kỹ càng và cụ thể hơn nữa cho hiệu quả.

Khi các Hiệp định thương mại tự do FTAs và một số hiệp định nữa nếu Việt Nam tham gia thì buộc phải giảm thuế, không chỉ giảm mà còn phải giảm nhiều, giảm sâu nên phải bằng cách bù vào việc tăng từ thuế bảo vệ môi trường lên xăng. Tuy nhiên, vấn đề này không có trong yêu cầu của hiệp định.

Vậy theo ông, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến đời sống?

TS. Lưu Bích Hồ: Hiện nay giá mỗi lít xăng là 17.594 đồng thì người tiêu dùng đã phải gánh khoảng hơn 30% từ các loại thuế, phí. Tôi nghĩ mức này đã tương đối cao rồi, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên giá xăng gấp đôi thì người tiêu dùng chính là đối tượng bị gánh nặng đè lên lưng lớn nhất.

Nếu giá xăng dầu tăng lên gấp đôi thì chẳng khác nào tăng khó khăn lên vai người dân. Ngoài ra, đối với các ngành sản xuất, ngành vận tải cũng phải gánh chịu nhiều sức ép từ việc tăng giá vận chuyển, đẩy chi phí đầu vào tăng, từ đó giá thành cũng bị điều chỉnh lên và sản phẩm đến tay người dân đã bị “đội” giá  lên cao.

Tăng lên gấp đôi là sốc quá. Người dân vừa phải mua xăng giá cao, sau đó lại phải tiếp tục mua sản phẩm giá cao nữa, và rồi dùng các dịch vụ từ vận tải,  y tế…. cũng với giá cao. Cuối cùng, người dân phải cõng gánh nặng thuế đến 2, thậm chí 3-4 lần.

Xin cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến (Infonet)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN