Tăng giá trứng: Người chăn nuôi không được lợi

Như đã thông tin, những ngày gần đây giá trứng gia cầm (gà, vịt) tại TP.HCM và Hà Nội liên tiếp tăng, do công ty C.P tăng giá bán ra. Tuy nhiên, những người chăn nuôi cung cấp trứng cho C.P hầu như không được lợi.

Giá trứng giảm, giá cám lại tăng

Ngày hôm qua (16.1), phóng viên đã đến một số trại gà ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tìm hiểu sự việc và nhận ra: Giá trứng tăng đột biến trong thời gian qua, người chăn nuôi gia công hầu như không được lợi, mà còn khó khăn hơn khi nhân cơ hội này giá cám tại các đại lý đã tăng thêm 6.000 - 7.000 đồng/bao.

Tăng giá trứng: Người chăn nuôi không được lợi - 1

C.P tăng giá bán trứng và thu lợi lớn, nhưng người nuôi gà gia công và bán trứng cho C.P thì không có lợi nhuận nào thêm.

Chị Bùi Thị Tuyết Lan - chủ trại gà ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết, bắt đầu từ ngày 8.12.2012, giá trứng bán ra tăng nhẹ 50 đồng/quả so với hồi đầu tháng, do ảnh hưởng của việc Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (C.P) tăng mạnh giá trứng bán ra trên thị trường. Sau đó, các thương lái tăng nhẹ giá thu mua trứng, từ 50 - 100 đồng/quả tùy loại. Đến khoảng ngày 10.1, khi giá trứng bán ra tại trang trại chị Lan đạt mức 2.200 đồng/quả, thì giá trứng cùng loại của C.P đã ở mức 2.520 đồng/quả. Giá trứng tăng nhưng thực tế người chăn nuôi không tăng thêm lợi nhuận, bởi từ 1.1, C.P tăng giá cám 6.000 - 7.000 đồng/bao.

Sau khi xác định có những bất hợp lý trong việc đội giá trứng lên quá cao của C.P, Sở Công Thương, Sở Tài chính TP.HCM đã yêu cầu đơn vị này phải điều chỉnh, hạ giá bán. Giá thu mua trứng tại các trang trại sáng ngày 16.1 do đó cũng đã giảm 100 đồng/quả, khiến nông dân lo lắng. Chị Lan cho rằng: “Cơ quan chức năng điều chỉnh giá thị trường phải dựa vào giá thực tế tại các trại của nông dân, không thể chỉ dựa vào giá của một đơn vị. Hơn nữa, giá trứng tăng, cơ quan chức năng ra tay hạ giá trứng, trong khi giá cám tăng thì ai chịu?”.

“Việc C.P đưa giá trứng lên trong một thời gian ngắn như thế đúng là rất mất thiện cảm đối với người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Đăng Vang

Cũng tại Đồng Nai, nhiều nông dân nuôi gà gia công, bán trứng cho C.P cho biết, giá trứng bán ra những ngày qua vẫn ở mức 1.500 đồng/quả. Trong khi đó, giá thành sản xuất cũng đã xấp xỉ 1.400 đồng/quả, nếu gặp rủi ro có khi người chăn nuôi còn không có lãi. “Do hợp đồng bán trứng dài hạn với C.P đã có một mức giá cố định, nên khi giá thị trường có nhích lên, chúng tôi vẫn phải bán với giá thấp” - một hộ chăn nuôi ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

C.P khó chi phối thị trường

Trong khi đó, hôm qua (16.1), trao đổi với Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phân tích: Trên thực tế, hiện thị trường trứng chúng ta không phụ thuộc vào công ty nào cả. Bởi theo như số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 cả nước sản xuất được 7,3 tỷ quả trứng gà và vịt, trong đó trứng công nghiệp đạt 2,2 tỷ quả.

Song số liệu của các chuyên gia thì cho rằng, thực tế trứng gà công nghiệp lên tới 3,5- 4 tỷ quả. Trong khi đó, C.P năm qua sản xuất được 8 triệu con gà, còn Japfa và Evimest là 7 triệu con, còn lại các công ty, hộ dân trong nước sản xuất được 2 triệu con. Khi đến 4 tháng tuổi, số này bị hao hụt mất 5% (còn 15,5 triệu con).

Ông Vang cho biết thêm, thực tế trong 8 triệu con gà do C.P sản xuất ra, họ lại bán đi 50%, trừ hao hụt thì chỉ còn 3,6 triệu con gà đẻ. Như vậy, số trứng thực tế do C.P sản xuất ra chỉ đạt 600 triệu quả trên tổng số 7,3 tỷ quả (chiếm khoảng 8%), trong khi theo Luật Cạnh tranh, thị phần của một doanh nghiệp phải đạt trên 30% mới được coi là độc quyền.

“Hiện nay không có công ty nào chi phối được thị trường trứng cả. Song đúng là trứng được bày bán trong các siêu thị chiếm đến 60% là của 3 công ty nước ngoài trên, nhưng người dân chúng ta đâu chỉ có mua trứng ở siêu thị, mà còn mua ở chợ rất nhiều”.

Về việc tăng giá trứng của C.P vừa qua, ông Vang cho rằng: “Với giá 2.300 đồng/quả là họ cũng lãi 800 đồng/quả rồi (giá C.P mua của nông dân chỉ là 1.500 đồng/quả)”. Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), các công ty lớn như C.P, Japfa, Evimest vẫn trụ được trong bối cảnh kinh tế khó khăn do có vốn lớn nên họ có sản phẩm, đẩy giá lên để “điều hành” được thị trường vào thời điểm khan hiếm (gần tết) là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nông dân đang phải bù lỗ

Ông Đặng Đình Tiên - chủ trang trại Tiên Viên ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Thời điểm này, trung bình mỗi ngày trang trại ông đang cung cấp ra thị trường từ 60.000 - 70.000 trứng. “Những ngày gần đây, giá trứng cũng có tăng lên khoảng 300 đồng/quả, hiện đang dao động ở mức 2.600 - 2.700 đồng/quả tuỳ từng đối tượng phục vụ xa hay gần, lấy ít hay nhiều. Thực tế, chúng tôi không tăng giá mạnh như cách gọi của nhiều người là “làm giá” mà chỉ tăng thêm mấy trăm đồng nhỏ để thu lại những khoản lỗ trong năm 2012 và tránh phải phục vụ quá nhiều khách hàng đổ xô về nơi bán trứng rẻ” - ông Tiên nói.

Trên thực tế, theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, số hộ nuôi gia cầm bỏ chuồng hiện cũng chiếm 35- 40%, kéo theo lượng trứng giảm 30%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN