Sức mua cạn kiệt, giảm phát hiện hữu

Không còn là lo ngại, giảm phát giờ đang là tình trạng hiện hữu, thách thức cả nền kinh tế và doanh nghiệp.

Dự báo CPI giảm 3 tháng nữa

Giảm phát thể hiện trên các con số hiện hữu sau khi một số địa phương công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7.2012 tiếp tục bị âm. Tháng trước, sau khi CPI lần đầu tiên giảm sau 38 tháng liên tục tăng, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế. Nhưng đến tháng 7 này, CPI tiếp tục giảm, trong đó CPI của Hà Nội và TP.HCM giảm lần lượt 0,29% và 0,57% so với tháng trước đi kèm với hiện tượng chỉ số tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao, sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục đình đốn và sức mua của người dân dần cạn kiệt.

Tại các chợ, hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đều cho biết, tuy giá giảm, nhưng hầu như không phải do các đầu mối giảm giá mà do ế ẩm, chủ doanh nghiệp buộc phải hạ giá để hy vọng đẩy sức mua. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, doanh số bán hàng của các siêu thị vẫn đang giảm 15 - 20%. Ông Nguyễn Thành Long- đại diện một công ty sản xuất nước ngọt khẳng định, giảm phát càng dồn doanh nghiệp vào bước đường cùng nhanh hơn. Trước đây đình đốn, doanh nghiệp vẫn sản xuất để cầm cự, nhưng giờ, giảm phát mười mươi, doanh nghiệp không còn "ngắc ngoải” mà đang "giãy đành đạch”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo, giảm phát có thể làm một lớp dân số gặp phải nhiều khó khăn hơn. Điều này sẽ bất lợi cho những người sống chỉ dựa vào nguồn thu nhập cố định của mình như: Hưu trí, công nhân viên chức… Một số chuyên gia đã dự đoán CPI sẽ còn tiếp tục giảm trong 3 tháng nữa và có thể đạt mức đáy vào tháng 9 tới, do vậy lạm phát cả năm chỉ khoảng trên dưới 5%.

Sức mua cạn kiệt, giảm phát hiện hữu - 1

Các siêu thị đua nhau khuyến mãi vẫn không hút khách

Kích cầu chưa hiệu quả

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương (tính đến tháng 6.2012), lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó tồn kho ngành xi măng tăng 29,3%; ngành bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; đồ uống không cồn tăng 23,8%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%... Cũng theo thống kê của Bộ, so với cùng kỳ năm 2011, sức mua của ngành cơ khí, điện, điện tử đang giảm mạnh, như điều hòa nhiệt độ giảm tới 81%...

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, so với cùng kỳ năm 2011, sức mua của ngành cơ khí, điện, điện tử đang giảm mạnh, như điều hòa nhiệt độ giảm tới 81%...

Thông tin trên báo chí gần đây phản ánh một thực tế, hầu hết các mặt hàng từ tiêu dùng đến xa xỉ đều rơi vào tình trạng tiêu thụ kém và không hề có dấu hiệu hy vọng được cải thiện trong trước mắt.

Vàng là một minh chứng khi mà trước đây nó luôn là thứ được người tiêu dùng lựa chọn để “trú ẩn”, hạn chế ăn, tiêu để “giữ” vàng, giờ không còn sức hút.

Với mặt hàng xe máy cũng vậy. Giữa tháng 5, Honda Việt Nam "tung chiêu" tặng phiếu quà tặng trị giá 888.000 đồng khi mua xe máy do Honda Việt Nam sản xuất. Mới đây nhất, doanh nghiệp này tiếp tục tặng phiếu quà trị giá 888.000 đồng cho khách, kéo dài đến tận 15.9.2012. Thế nhưng, sức mua của khách hàng vẫn ì ạch. Một chủ cửa hàng xe máy trên phố Huế (Hà Nội) cho biết: Trước đây, chúng tôi mỗi tháng tiêu thụ 400 xe thì từ đầu năm đến nay cứ sụt dần, đến nay chỉ còn dưới 100 xe/tháng. Thị trường xe máy tiêu thụ ước giảm tới 40% so với đầu năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hằng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN