Sữa lại đua tăng giá

Sáu tháng đầu năm, giá sữa nguyên liệu giảm rất mạnh nhưng không doanh nghiệp sữa nào giảm giá, nay giá nguyên liệu mới nhích lên là đua nhau đòi tăng giá

Sau một thời gian dài yên ắng, cuối tháng 9 đầu tháng 10, một số công ty sữa đã bắt đầu tăng giá bán trở lại đối với nhiều mặt hàng. Một số công ty khác cũng đang cân nhắc điều chỉnh giá trong nay mai.

Điệp khúc chi phí đầu vào tăng

Công ty Friesland Campina Việt Nam vừa điều chỉnh giá tăng 3,8% - 5% đối với một số mặt hàng sữa. Theo đó, sữa tiệt trùng Cô Gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít tăng giá 3,8% (lên mức 24.200 đồng/hộp), Ovaltine hộp giấy loại 285 g cũng tăng 3,8% (từ 33.700 đồng/hộp lên 35.000 đồng/hộp), Ovaltine hũ 400 g tăng giá 5% (từ 48.500 đồng lên 51.000 đồng/hũ).

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, đại diện FrieslandCampina Việt Nam, giải thích đây là những mặt hàng nằm ngoài danh mục quản lý giá của Bộ Tài chính và cũng đã giữ giá trong một thời gian dài. Hiện giá bán không phù hợp với giá thành nên phải điều chỉnh, những mặt hàng còn lại công ty đang cố gắng giữ giá.

Trước đó, từ ngày 24-9, Công ty Abbott tung ra một số mẫu sản phẩm mới có bổ sung dưỡng chất, tăng giá khoảng 10% so với giá cũ. Một số sản phẩm không chỉ tăng giá mà còn giảm trọng lượng 100 g/hộp. Sữa bột Gain IQ từ 126.500 đồng lên 136.700 đồng/hộp 400 g, Similac Gian IQ từ 229.500 đồng lên 252.400 đồng/hộp 400 g, Grow Vanilla từ 121.000 đồng lên 133.000 đồng/hộp 400 g…

Giải thích việc tăng giá sữa lần này, phó tổng giám đốc một công ty sữa tại TPHCM cho rằng hiện giá nguyên liệu sữa trên thế giới đã tăng 5% so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ. Mặt khác, còn có tác động của việc tăng giá xăng dầu thời gian qua, giá các loại bao bì, nguyên liệu đầu vào khác, chi phí vận chuyển… đều tăng. “Chúng tôi đang tính toán lại các chi phí, dự kiến sẽ tăng giá khoảng 5% - 7% đối với khoảng 70% mặt hàng của công ty. Quyết định tăng giá thời điểm này chắc chắn ảnh hưởng đến sức mua nhưng không thể không tăng”- vị này cho hay.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng thừa nhận hiện nay, nhà phân phối đã gửi thông báo tăng giá từ 5%-7% đối với một số nhóm hàng, trong đó có cả mặt hàng sữa. Nguyên nhân tăng giá được họ giải thích là do chi phí đầu vào tăng, bao gồm tiền công, tiền lương, chi phí vận chuyển…

Sữa lại đua tăng giá - 1
Lâu nay, giá sữa thường chỉ tăng, ít khi giảm, ngay cả khi giá nguyên liệu giảm mạnh.

Chỉ biết tăng, chưa hề giảm

Theo số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới chỉ tăng nhẹ từ 2 tháng trở lại đây do sản lượng sữa tiếp tục giảm theo mùa. Tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy tháng 8 tăng 150-300 USD/tấn so với tháng 7; giá sữa nguyên kem tăng 50-75 USD/tấn. Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy lại giảm 100 USD/tấn, giá sữa nguyên kem tăng 25-50 USD/tấn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho biết hiện chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá sữa trong tháng 10. Tuy nhiên, ông cho biết theo quy định hiện hành, chỉ sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi mới phải đăng ký giá bán. Đối với các mặt hàng sữa nước, doanh nghiệp tự quyết định giá bán nhưng sẽ được các sở tài chính giám sát, can thiệp khi có hiện tượng tăng giá bất thường.

Nghịch lý của thị trường sữa là trong 6 tháng đầu năm 2012, mặc dù sữa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm rất mạnh, từ 750 - 1.288 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011 nhưng gần như không có doanh nghiệp sữa nào điều chỉnh giảm giá, thậm chí vẫn có tới 3 doanh nghiệp tăng giá bán sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức tăng từ 9%-15%. Nay giá thế giới mới nhích lên chút ít, nhiều hãng sữa đã tính toán tăng giá.

Âm thầm tăng giá

Theo một số đại lý sữa, trước đây, khi tăng giá sữa, các hãng thường thông báo trước cho các đại lý nhưng thời gian gần đây, một số hãng sữa chỉ âm thầm điều chỉnh tăng giá mà không báo trước.

Chị Trần Minh Thi, chủ một chuỗi siêu thị mini trên địa bàn quận 12 - TPHCM, còn cho hay: Do sữa là mặt hàng nhạy cảm, được chú ý nhiều nên thay vì tăng giá trực tiếp, một số hãng áp dụng hình thức đổi mẫu mã, ra sản phẩm mới, bổ sung chất… để tăng giá một cách kín đáo. Trong khoảng thời gian từ lúc hãng thông báo ra sản phẩm mới đến lúc áp dụng giá mới thường bị “đứt” hàng (hãng báo hết hàng, không giao hàng cho đại lý).

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân - Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN