Sóc Trăng: Ồ ạt trồng dừa lấy cổ hũ
Nhiều nhà vườn ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng tin vào lời thương lái đã ồ ạt, đua nhau trồng dừa chỉ để lấy... cổ hũ.
Bỏ nhãn trồng dừa
Ngày 14.8, chúng tôi có mặt ở các xã An Lạc Tây, An Mỹ, Thới An Hội, Phong Nẫm… huyện Kế Sách thì thấy nhiều nhà vườn tỏ ra hết sức lạc quan, phấn khởi, hy vọng vài ba năm nữa họ sẽ được “đổi đời” nhờ vào số tiền bán cổ hũ dừa (CHD - phần lõi non của ngọn dừa).
Theo tìm hiểu của phóng viên , một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều nhà vườn ở huyện Kế Sách từ bỏ cây nhãn để chuyển hướng sang trồng dừa là thời gian gần đây có quá nhiều thương lái lùng sục khắp nhà vườn của nông dân thu gom mua CHD với giá cao ngất ngưởng.
Không những vậy, số thương lái này còn hùng hồn cho nông dân biết hiện nay CHD trên thị trường hiện cung không đủ cầu, có bao nhiêu họ cũng thu gom hết. Nhiều thương lái còn “khuyến mãi” dừa giống cho bà con trồng không thu tiền, hứa hẹn 3 – 4 năm sau sẽ quay lại thu mua CHD.
Thương lái thu mua cổ hũ dừa trong dân.
Ông Sáu Đệ ở xã An Lạc Tây cho biết: “Vùng này, từ xưa tới giờ bà con chủ yếu trồng nhãn là chính. Do giá nhãn thời gian qua không ổn định, kèm theo đó là tình hình dịch bệnh phức tạp, khâu chăm sóc lại cực nhọc khiến cho nhà vườn nản lòng. Từ đó, những người cung cấp giống dừa “bắt” đúng mạch khiến nhiều người xiêu lòng tin theo”. Tính đến nay, chỉ riêng trên địa bàn xã An Lạc Tây số lượng dừa giống được người dân trồng lên đến hàng chục ngàn cây, dừa được trồng với mật độ đông ken, dày đặc khoảng từ 200 – 500 cây/công.
Coi chừng “mắc bẫy”
Nhiều nhà vườn cho biết, họ được người cung cấp giống hứa hẹn rằng sau 3 – 4 năm sẽ quay lại thu mua toàn bộ số CHD với giá cao. Tuy nhiên, cam kết này chỉ được hứa bằng miệng hoàn toàn không có một hợp đồng nào ràng buộc giữa người trồng và người cung cấp giống. Theo cách tính của bà con, nếu mọi chuyện đúng như “hợp đồng”, sau 3 – 4 năm trồng mỗi CHD sẽ bán được chí ít với giá 100.000 đồng, thì một công dừa sẽ thu được lợi nhuận khoảng 45 triệu đồng.
Có một điều nghịch lý hiện nay là, trong khi những nhà vườn vừa mới chuyển sang trồng dừa hy vọng được “lên đời”, thì hiện tại nhiều nhà vườn trồng dừa lâu năm ở huyện Kế Sách lại rơi vào hoàn cảnh đang bị thương lái “neo giá” trong việc thu mua CHD.
Ông Đinh Phước Đệ vừa bán cho thương lái xong vườn dừa chua chát nói: “Hiện nay, mỗi CHD thương lái vào tận vườn đốn chỉ mua với giá rẻ bèo 30.000 đồng/cây. Sau 4 năm trồng, tổng cộng 200 cây dừa gia đình thu về chưa được 10 triệu đồng”.
Còn anh Nguyễn Văn Công ở tận Đại Ngãi, Sóc Trăng mấy ngày qua chạy đôn chạy đáo tìm thương lái để bán 150 cây dừa nhưng do giá thành quá rẻ buộc lòng anh bấm bụng không bán, chờ giá lên.
Anh Phan Hữu Duyên -một thương lái chuyên thu mua CHD cho biết: “Bình quân mỗi ngày anh thu mua khoảng 100 CHD, sau đó vận chuyển lên tận Thủ Đức, TP.HCM cân ký bán cho bạn hàng. Do hiện nay nhu cầu tiêu thụ bị chậm lại nên CHD giá sụt thấp nhất từ trước đến nay”.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Kế Sách Phạm Văn Tân cho biết: “Trước mắt chúng tôi đã khuyến cáo, tuyên truyền cho bà con không nên tin vào việc “cam kết” của những người cung cấp giống mà chuyển sang trồng dừa lấy cổ hũ ồ ạt. Hiện Phòng NNPTNT huyện đang điều tra, thống kê diện tích và số hộ dân tham gia vào việc trồng dừa lấy cổ hũ”.
“Bà con trồng dừa với mật độ rất dày, cách làm này về sau sẽ gây ra hậu quả khó lường là dễ phát sinh sâu bệnh; độ màu mỡ của đất sẽ ngày càng cạn kiệt”. Ông Phạm Văn Tân |