Phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai Trung Quốc

Thông thường từ tháng 7, thương lái nhập khoai tây Trung Quốc về Đà Lạt để mông má (phủ đất đỏ xung quanh củ khoai) giả làm khoai Đà Lạt rồi đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao gấp nhiều lần để thu lợi.

Thế nhưng năm nay, mới giữa tháng 6, khoai tây Trung Quốc đã ồ ạt đổ về Đà Lạt, riêng chợ nông sản thành phố đã có hơn 60 tấn. “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa ngăn chặn được”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn nói.

Giá 1 kg khoai tây Trung Quốc nhập Việt Nam chỉ có vài ngàn đồng, thế nhưng sau khi đội lốt hàng Đà Lạt, giá được đẩy lên gấp 3- 4 lần, xấp xỉ hoặc ngang bằng giá khoai Đà Lạt. Trong khi đó chất lượng thấp hơn hẳn khoai Đà Lạt và tiềm ẩn nguy cơ bị mất an toàn.

Phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai Trung Quốc - 1

Khoai tây Đà Lạt chính hiệu

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu từ các lô khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm tra. Kết quả, đa số có dư lượng thuốc BVTV cao, xấp xỉ hoặc vượt mức an toàn.

Khoai Trung Quốc cũng có 2 loại là vỏ vàng và vỏ hồng như khoai Đà Lạt, được bày bán ở hầu khắp các chợ nhưng tiểu thương lại khẳng định đó là khoai Đà Lạt. Để giúp người tiêu dùng tránh nhầm lẫn, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc.

Theo đó, củ khoai tây Trung Quốc to, thon dài, cỡ củ khá đồng đều, vỏ dày (nên ít bị sứt sẹo) bóng đẹp, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to. Trong khi khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, thường có hình bầu dục hoặc tròn, cỡ củ khá chênh lệch, vỏ mỏng (nên dễ bị trầy xước, bong tróc), mắt củ ít và nhỏ.

Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai sẽ thấy khoai Đà Lạt khô, còn khoai tây Trung Quốc nhiều nước. Khi chiên, khoai Trung Quốc dễ bị nát, ăn dẻo, không bùi. Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột nên khi chế biến khó bị nát, ăn rất bùi, bở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN