Nóng tuần qua: Sự thật về nguồn gốc nước dừa có giá 20.000 đồng/lít tại Hà Nội
Nước dừa siêu rẻ, bí xanh chất đống không có người mua, thương lái buôn lợn kêu trời vì lỗ,… là những thông tin thị trường nổi bật trong tuần.
Nước dừa siêu rẻ tại Hà Nội có nguồn gốc từ đâu?
Cùng với nhiều loại đồ uống khác, nước dừa là một trong những mặt hàng được săn lùng trong những ngày nóng nực, oi bức tại Hà Nội. Đáng chú ý, thời gian gần đây mặt hàng nước dừa đóng chai được rao bán tràn lan trên chợ mạng với giá rẻ giật mình, chỉ 30-40.000 đồng/ chai 1,5 lít thu hút hàng trăm lượt quan tâm đặt hàng mỗi ngày. Theo người bán, loại dừa này là dừa bánh tẻ được lấy ở Bến Tre và Bình Định, không phải dừa xiêm có vỏ xanh bán cả quả tại các cửa hàng, quán nước nhưng cũng không phải loại quá già, vì già thì lượng cùi không đạt, nước sẽ bị chua, không bán được.
Những chai nước dừa siêu rẻ
Trên các chợ online có hàng trăm người bán nước dừa đóng chai giá rẻ với số lượng lớn mỗi ngày. Người tiêu dùng khi chọn mua loại nước uống trực tiếp này phải hết sức lưu ý chọn những người bán uy tín, chất lượng để tránh mua phải nước dừa bị pha tạp và kém chất lượng.
Bí xanh chất đống ngoài đường không ai mua, nông dân xót xa
Tại Thạch Thành, Thanh Hóa, giá bí xanh chỉ còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn nằm lăn lóc ngoài ruộng không có người mua dù giá rẻ như cho. Không có người thu mua, hàng ngày những hộ dân trồng bí tại đây lựa những quả bí già để cắt và chất đống ngoài vệ đường, một số người mang bí về thái lát rồi đem phơi nắng.
Tại Kim Bôi (Hòa Bình), giá bí xanh cũng xuống thấp chưa từng thấy. Nếu như mọi năm giá bí xanh trung bình khoảng 7.000-8.000 đồng thì người nông dân mới có công, năm nay giá chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Theo thông kê của xã Đú Sáng, tổng diện tích bí xanh của xã là 175 ha. Những ngày này, dọc con đường từ trung tâm xã về các xóm, 2 bên đường bà con chất đầy bí xanh chờ người đến thu mua. Trên cánh đồng, những giàn bí xanh sai trĩu quả đã đến kỳ thu hoạch nhưng người nông dân vẫn chưa thu hái, bởi lẽ, lượng bí đã thu hoạch vẫn chất đống trên đường, mà chưa có người đến thu mua.
Bán cả tạ bí xanh vẫn không mua được một kg thịt lợn
Tại Hà Nội, giá bí xanh bán tại các chợ dân sinh và các siêu thị có giá từ 7.900-10.000 đồng/kg. Dọc tuyến đường Lê Hữu Thọ (Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) đã có một số điểm “giải cứu bí xanh” với giá chỉ 4.000 đồng/kg hoặc 10.000 đồng/ quả, nặng từ 2-3kg, tuy nhiên, lượng người mua cũng không nhiều do trời nắng nóng.
Dụng cụ ép hoa quả bằng tay giá rẻ "sốt xình xịch" trên chợ mạng
Nắm bắt tâm lý ưa “độc lạ” của các chị em, thời gian gần đây trên khắp các chợ mạng, dụng cụ ép hoa quả bằng tay đã tạo nên cơn sốt trong “giới” nội trợ với giá từ 155-250.000 đồng/chiếc. Dụng cụ ép hoa quả bằng tay đã thu hút hầu hết chị em nội trợ bởi những lời quảng cáo rầm rộ trên chợ mạng với các ưu thế như tốc độ ép nhanh, ép kiệt nước, trọng lượng nhẹ và không cần điện…
Theo tìm hiểu của PV, đây không phải là máy ép như quảng cáo mà chỉ là dụng cụ ép trái cây có 3 bộ phận: đòn bẩy, bộ lọc và cữ được liên kết với nhau bằng lẫy, sử dụng nguyên lý đòn bẩy để ép trái cây. Sau khi sử dụng, người dùng chỉ cần nhấc lẫy là có thể tháo rời dụng cụ và vệ sinh dễ dàng.
Máy móc, thiết bị được con người tạo ra nhằm tiết kiệm thời gian và sức lực nhưng với sản phẩm này thì hoàn toàn ngược lại, người tiêu dùng nên thận trọng trước khi xuống tiền đối với sản phẩm này.
Thương lái chợ lợn lớn nhất miền Bắc than lỗ nặng vì ế ẩm
Ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, cho biết hiện giá lợn dù đã giảm mấy phiên gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Giá lợn cao, thời tiết lại nắng nóng nên hàng tiêu thụ rất chậm, nhiều thương lái đã ngừng lấy hàng. Nếu như trước Tết hoặc cùng kỳ năm trước, mỗi ngày hàng về chợ từ 800 đến 1.000 con, giờ đây mỗi ngày lượng lợn đổ về chợ từ 200 - 300 con/ngày, chỉ bằng một phần ba so với trước đây. Hàng về ít, nhưng khách đến mua hàng còn ít hơn nữa.
Giờ đây, lượng lợn giao dịch tại chợ giảm mạnh, phiên giao dịch kết thúc sớm hơn so với trước đây. Khoảng 1 tuần nay không thấy lợn của các công ty lớn như CP, Dabaco xuất hiện tại chợ. Có lẽ 90% hàng từ các công ty ở miền Nam đã ngừng vận chuyển", ông Nguyễn Thế Chinh thông tin.
Không chỉ người tiêu dùng "khốn khổ" vì giá lợn hơi cao kéo theo giá thịt lợn đắt đỏ mà thương lái cũng không có lời, người chăn nuôi lợn cũng gặp khó bởi con giống tăng giá từng ngày.
Mỗi con lợn vận chuyển bị hao 6 -7 kg/con, đồng nghĩa lỗ 6 – 7 giá/con, tính ra có ngày thương lái lỗ tiền triệu do vận chuyển và thời tiết nắng nóng, hàng lại ế ẩm.
Rùng mình nước tinh khiết lấy từ mương nước thải sinh hoạt
Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 4 (Cục Quản lý thị trường Hải Phòng) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình của Công ty TNHH Phúc Hà tại địa chỉ tại thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và phát hiện đơn vị này sử dụng nước từ mương phía sau cơ sở để sản xuất nước uống đóng bình hiệu Vimass Núi Voi.
Theo người dân khu vực thôn Phương Chử Đông, mương nước mà Phúc Hà dùng cho sản xuất nước đóng bình được lấy từ nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh khu vực thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão.
Nước tinh khiết được lấy từ nước thải
Sau khi bơm nước từ mương lên, Phúc Hà xử lý qua các quy trình lọc thô, lọc bằng máy móc rồi đem sản phẩm đóng bình, dán màng co với nhãn hiệu Vimass Núi Voi. Mỗi bình Vimass Núi Voi, Phúc Hà bán giao cho các đại lý với mức 9.000 đồng/bình 20 lít và bán lẻ 13.000 đồng/bình 20 lít.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 bình nước uống, mỗi bình dung tích 20 lít và phân phối cho hàng chục đại lý, cơ quan, doanh nghiệp trường học trên địa bàn với số lượng lớn.
Hiện, đoàn kiểm tra Cục QLTT Hải Phòng đã mời Trung tâm y tế huyện An Lão phối hợp lấy ngẫu nhiên mẫu nước đóng bình đã thành phẩm để kiểm nghiệm theo quy định.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước thông tin lợn sống nhập lậu từ Lào, Campuchia vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Phùng Đức Tiến đã ký công văn...