Nông dân trồng hành Ninh Thuận lao đao vì... thương lái "ngó lơ"

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều tháng nay, người dân trồng hành tím tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang lao đao vì hành rớt giá mạnh. Cùng kỳ năm ngoái, giá hành bán ra từ 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá hành chỉ dao động từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/kg. Thậm chí, thương lái còn “lơ” không thèm thu mua hành.

Ngày 18/9, PV báo Người Đưa Tin đã đến xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), nơi chuyên canh trồng hành tím lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận, để ghi nhận thực tế tình hình sản xuất của bà con nơi đây. Được biết, xã Nhơn Hải có hơn 40 ha trồng hành tím, mỗi năm người dân sản xuất được hai vụ chính.

Nông dân trồng hành Ninh Thuận lao đao vì... thương lái "ngó lơ" - 1

Ông Phạm Hải (ngụ thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) buồn bã bên 4 sào hành tím đang trong thời kỳ thu hoạch  (Ảnh: Duy Quan)

Vụ hành năm 2018, do ảnh hưởng của hạn hán nên xã Nhơn Hải chỉ xuống giống 40 ha trên tổng số 160 ha. Đến thời điểm hiện tại, hành đã được hơn 50 ngày tuổi. Nhưng, hiện nay hầu hết các hộ trồng hành đang rất lo lắng vì giá rớt thê thảm và thương lái lại "lơ" không muốn thu mua hành tím như những năm trước.

Theo nhiều bà con có kinh nghiệm trồng hành ở đây cho biết, bình quân mỗi sào trồng hành, mỗi nông dân đầu tư 350 kg giống, năng suất bình quân khoảng 1,8 tấn/sào/vụ.

Chỉ tay về phía ruộng hành tím đang ngã bẹp, ông Phạm Hải (ngụ thôn Mỹ Tường 1) cho biết: “Trong vụ hành này, gia đình tôi trồng 4 sào (4.000m2), chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng. Nhưng, bây giờ giá rớt chỉ còn 12.000 đồng/kg, nên chấp nhận thua lỗ và chỉ còn cách nhổ hành để lấy giống trồng vụ tiếp theo vào tháng 11 sắp tới”.

Nông dân trồng hành Ninh Thuận lao đao vì... thương lái "ngó lơ" - 2

Nhiều diện tích hành của bà con đến ngày thu hoạch nhưng do không tìm được đầu ra nên đang dần chết khô. (Ảnh: Duy Quan)

Cách ruộng hành của gia đình ông Hải khoảng 500 mét, là ruộng hành đang thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Hữu Phong (ngụ thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải). Từ đầu vụ, gia đình ông Phong đã đầu tư 20 triệu đồng trồng 1,4 sào hành. Đến nay, đã thu hoạch được một 1/2 diện tích. Tuy nhiên, do giá hành bị sụt giảm, nên ông Phong đã quyết định nhổ hành để cất giữ, đợi thị trường tăng giá mới bán.

Ông Phong buồn bã nói: “Năm nay, hành rớt giá thê thảm quá. Giá hành tươi và hành củ giống năm nay chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Do gia đình đã chủ động được nguồn giống sản xuất cho vụ lần này nên ít thua lỗ. Giờ chỉ mong thu hồi vốn để đầu tư cho vụ sau".

Nhiều nông dân cho biết, mùa thu hoạch năm trước, thương lái thu mua hành khô làm giống với giá từ 60.000 đồng/kg, năm nay giảm xuống chỉ 14.000 đồng/kg. Hành ăn tươi mới nhổ tại vườn là 30.000 đồng/kg, năm nay thương lái chỉ thu mua hành tươi (loại 1) vừa nhổ lên tại vườn từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg. Thấp hơn 50% so với vụ trước, sau khi trừ các chi phí cộng với công chăm sóc, nông dân lỗ hàng chục triệu đồng/sào.

Nông dân trồng hành Ninh Thuận lao đao vì... thương lái "ngó lơ" - 3

Nông dân tại xã Nhơn Hải tranh thủ thu hoạch hành để khỏi bị mưa làm hư hại. (Ảnh: Duy Quan)

Hành là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Hải, năm nay, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên niên vụ hành năm nay các hộ chỉ xuống giống gần 40 ha. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng giá ngày càng càng giảm nhiều, người trồng hành gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, không chỉ có cây hành, nhiều loại cây hoa màu khác như ớt, ngò… cũng bị rớt giá thê thảm.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Đồng Linh, chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến giá hành tím bị rớt thê thảm là do vài năm gần đây, nông dân ở các tỉnh khác đã chủ động được nguồn giống, nên không mua giống hành ở xã Nhơn Hải để sản xuất nữa. Giá thấp và thương lái tại địa phương "ngó lơ" không thu mua, nên các hộ trồng rất vất vả đi tìm nơi tiêu thụ".

"Trước những khó khăn mà bà con đang gặp phải, UBND xã đã khuyến cáo các hộ tổ chức lại sản xuất cho hợp lý, trong đó, tập trung vào trồng vụ chính (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), thu hẹp diện tích sản xuất theo nhu cầu của thị trường để gia tăng giá trị kinh tế trên đất sản xuất. Mong các ngành các cấp trên quan tâm tìm đầu ra cho bà con được an tâm sản xuất vụ tiếp theo", ông Linh cho biết thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Quan ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN