Những bí mật của nghề "chém gió" ra tiền tỷ

Nghề môi giới mua bán ô tô cũ cũng mang nhiều tai tiếng. Bởi hầu hết mọi người vẫn coi đây là nghề “chém gió ăn tiền” nên khi rao bán xe, mọi người đều kèm theo câu “không tiếp thợ”.

Là người có kinh nghiệm buôn bán xe cũ, Lê Tuấn ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết có tháng thu nhập của anh lên tới gần trăm triệu. 

Năm 2011 anh Tuấn  kinh doanh phụ tùng ô tô rồi chuyển sang làm nội thất. Năm 2012, nhận thấy thị trường ô tô cũ khá hấp dẫn, cuối cùng anh quyết theo đuổi nghề môi giới ô tô cũ. Có kiến thức về xe cộ, lại có tài ăn nói nên nghề này đem lại cho anh mức thu nhập khá.

Ban đầu anh cũng làm việc tại các showroom ô tô. Sau một thời gian khi có nhiều mối quan hệ, kinh nghiệm, anh bắt đầu đứng ra độc lập kinh doanh.

Những bí mật của nghề "chém gió" ra tiền tỷ - 1

Mỗi chiếc xe dân buôn bán xe cũ có thể lãi hàng chục triệu đồng

Anh Tuấn cho hay, thông thường nếu làm ở showroom, bán một chiếc xe mới chỉ có hoa hồng từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Nếu làm ở các showroom xe cũ tiền hoa hồng từ 2-5 triệu tùy vào giá trị của chiếc xe. Còn nếu độc lập kinh doanh, chi phí đầu tư lớn hơn nhưng một chiếc xe có giá khoảng 300 triệu có thể đút túi 10 triệu, xe 300- 700 triệu được 10- 20 triệu, xe trên 1 tỷ kiếm được từ 20- 30 triệu đồng trở lên.

“Làm nghề này, tháng thấp nhất tôi cũng bán được khoảng 3-4 xe, còn tháng cao nhất tầm chục xe. Nếu tự bỏ vốn ra để kinh doanh thì mỗi tháng thu nhập trăm triệu không phải là khó. Hoặc không cần bỏ vốn đầu tư mà chỉ chuyên môi giới cũng kiếm được từ 3-5 triệu/xe. Trung bình mỗi tháng thu nhập từ 25- 30 triệu đồng. Với những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì mức thu nhập còn cao hơn nhiều”, anh Tuấn tiết lộ.

Đánh giá về thị trường ô tô cũ, anh Giáp chủ một salon ô tô cũ trên đường Khuất Duy Tiến cho rằng, xe cũ vẫn có những lợi thế về giá nên dù sao vẫn rất hút khách. Trung bình mỗi tháng showroom ô tô của anh cũng bán được khoảng 15 chiếc xe. Trong đó các dòng xe tầm trung, khoảng 500 triệu được nhiều người xem mua.

Tuy nhiên, thị trường ô tô cũ ấm hơn, showroom ô tô mọc lên như nấm cùng với đội quân môi giới đông đảo khiến cuộc cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Chính vì thế mỗi chiếc xe có giá khoảng 1 tỷ thì chỉ cần có lãi từ 20 đến 25 triệu đồng là anh bán ngay.

Theo anh Tuấn, những người kinh doanh độc lập như anh với nhiều hình thức như môi giới, bán qua tay, "luộc xe"... thường đút túi từ 5 triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi chiếc. Chẳng hạn khi môi giới thành công, người bán và người mua đều trích cho anh một ít gọi là tiền công, tiền lộc. 

Với hình thức "luộc xe", nghĩa là dân buôn này bán cho dân buôn khác, khi có lời sẽ bán ngay. Giá bán ra sẽ rẻ hơn bán cho khách khoảng 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều chiếc xe có giá trị lớn, lên đến gần tỷ đồng thì anh phải hùn vốn với vài người bạn. Sau khi “ôm” sẽ đầu tư thêm khoảng 4-5 triệu làm lại nội thất để xe mới và sạch đẹp hơn. Mặc dù chi phí khá lớn nhưng đầu tư kiểu này dễ bán và lời lãi vô cùng.

Tuy nhiên làm nghề môi giới hay còn gọi là “cò” cũng mang nhiều điều tiếng. Bởi theo anh, hầu hết mọi người vẫn coi đây là nghề “chém gió ăn tiền”, nghề "buôn nước bọt". Vì thế mà nhiều người khi rao bán xe đều kèm theo câu “không tiếp thợ”, “miễn trung gian”.

“Ai cũng muốn mua xe chính chủ với giá rẻ nhưng công cuộc tìm kiếm sẽ không hề đơn giản. Bản thân những người làm môi giới phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để đi lùng xe, xem ở đâu có người mua, người bán và phải có kiến thức, kinh nghiệm rất chắc về xe. Chính vì thế mà trong các giao dịch vẫn cần sự xuất hiện của dân môi giới”, anh Tuấn thẳng thắn nói.

Hơn nữa, bỏ một món tiền lớn từ hàng trăm triệu đến hơn tỷ đồng để quyết định mua cái gì đó, người mua sẽ rất kỹ tính. Không ai đi mua xe của một người chẳng biết gì về xe.

“Là người môi giới, buôn bán ô tô cũ nhìn là phải biết xe có hư hỏng, có tai nạn, có bóp méo, thay lốp, thay vành hay chưa, đi được bao nhiêu km, thay biển chưa, đổi bao nhiêu chủ rồi…Điều quan trọng nhất của những người làm nghề buôn bán xe cũ là phải biết thương thảo và định giá chuẩn xe. Định giá tốt mới giao dịch được với mức giá rẻ, có lãi. Nguy hiểm ở chỗ, nếu không biết định giá thì không những không có lời mà còn ôm nợ như chơi”, anh Tuấn cho biết.

Theo anh Tuấn, hiện nay nguồn xe thì rất nhiều nhưng quan trọng phải tìm được khách mua. Nhất là nghề này luôn có sẵn một đội quân săn lùng rất đông đảo, cuộc cạnh tranh diễn ra cũng vô cùng khắc nghiệt.

“Nghề này cũng như đi câu, lúc có lúc không. Suốt ngày ngồi café, thậm chí có ngày ngày ngồi 4-5 lần nhưng nhiều khi cả tuần vẫn không bán được xe nào”, anh Tuấn nói.

Để trụ lại được với nghề, người môi giới, buôn xe cũ phải xây dựng mối quan hệ. Không chỉ là mối quan hệ với những người trong nghề, bạn bè mà theo như cách nói của anh thì “phải biết PR cho bản thân”. Để có được điều đó, anh Tuấn phải đầu tư cả thời gian và tiền bạc để tạo quan hệ với cả những người nổi tiếng, những người trong giới nghệ thuật và những khách hàng tiềm năng để cho mọi người biết mình là dân mua bán xe.

Anh Tuấn cũng tiết lộ, hiện nay các chủ showroom và những người mua bán xe cũ như anh rất thích mua xe ở các tỉnh lẻ do nguồn cung nhiều, dễ kiếm, giá mua rẻ hơn và dễ dàng tiêu thụ ở Hà Nội. Ngoài ra các tỉnh cũng là thị trường tiêu thụ xe hấp dẫn. Mỗi lần về quê anh thường tự lái xe về. Không ít lần như thế, anh đã bán không ít chiếc xe có giá trị từ 500- 800 triệu đồng.

Theo anh Tuấn, bất cứ ai làm nghề môi giới đều mong muốn mua được giá rẻ và bán lại với giá cao. Nhưng làm nghề gì cũng cần phải tạo uy tín, không thể nói 1 thành 10, chỉ chăm chăm để thu lợi nhuận, hưởng chênh lệch cao.

“Cách đây khoảng vài tuần vừa có hai vụ mua xe nhập khẩu ở đường Phạm Hùng, cửa hàng bán xe cho khách hàng xong đổi hết phụ tùng đến khi khách về đi vào hãng mới biết. Với kiểu kiểu làm ăn chộp giật này rồi sớm muộn cũng bị tẩy chay”, anh Tuấn chia sẻ.

Tất nhiên anh Tuấn cũng thừa nhận vẫn có không ít thợ xe, dân buôn bán xe cũ chuyên mua xe tai nạn, phục hồi, bán lại. Những chiếc xe tai nạn vẫn được lùng mua vì dễ ép giá, sau khi tút tát lại gặp phải khách “gà” thì lời lãi khủng. Chính vì thế mà người mua nên tìm đến những nơi tin tưởng, những showroom uy tín để mua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN