Nhiều cây xăng ở TP.HCM ngừng bán, có nơi chỉ bán... 30.000 đồng
Cục quản lý thị trường các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương... tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu.
Khảo sát của PV Báo Pháp Luật TP.HCM vào ngày 15-2 tại 8 cửa hàng xăng dầu ở quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Quận 12 cho thấy: hai cửa hàng ngừng bán xăng, dầu và có nhân viên thông báo cho khách chứ không còn treo bảng hay rào chắn trước cửa hàng; một cửa hàng vẫn bán xăng bình thường, nhưng treo bảng tạm hết dầu; một cửa hàng chỉ bán giới hạn 30.000 đồng/khách.
Cụ thể, vào khoảng 14h30 ngày 15-2, tại cây xăng trên đường Nguyễn Oanh thuộc quận Gò Vấp, nhiều người dân vừa chạy xe vào để đổ xăng thì được nhân viên thông báo "hết xăng".
Vừa điều khiển xe ba bánh rời khỏi cửa hàng xăng, ông Sinh kể khi mình vào đổ xăng nhân viên phất tay bảo hết xăng rồi. "Mình đang có việc nên đi thôi, không đổ cây xăng này thì đổ cây xăng khác".
Tương tự, tại một cửa hàng xăng trên đường Hà Huy Giáp quận 12, nhiều khách hàng chạy vào cây xăng cũng được thông báo chỉ còn dầu D0 nên đành tìm cửa hàng khác.
Đây là cửa hàng xăng nằm trong danh sách bảy cửa hàng xăng được lực lượng chức năng TP.HCM cho biết tạm ngừng bán xăng A95 (ngày 10-2) và đã hoạt động lại từ sáng 11-2. Theo khảo sát của PV ngày 12-2, cửa hàng đã bán lại bình thường. Ngày 14-2 được lực lượng chức năng TP.HCM cho biết bảy cửa hàng từng ngừng bán xăng A95 đã hoạt động bình thường.
Đáng chú ý vào khoảng 16 giờ chiều, nhiều người dân vừa rẽ vào một cửa hàng xăng trên đường Hà Huy Giáp đã nghe nhân viên vừa giơ ba ngón tay và nói "hết xăng, đổ chữa cháy thôi" và chỉ đổ cho mỗi khách 30.000 đồng
Một người dân sinh sống ở khu vực này bức xúc cho biết, cây xăng này hôm nay chỉ cho đổ 30.000 đồng, mấy bữa trước cho đổ 40.000 đồng. Còn đi nơi khác có thể đổ đầy bình.
Dự báo nguồn cung xăng dầu khó khăn
Theo Tổng Cục quản lý thị trường, ngày 15-2, tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn lực lượng tháng 2, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ đạo trong tháng 2 và Quý I-2022, toàn lực lượng sẽ tập trung kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu.
"Dự báo, từ nay đến tháng 4, tháng 5/2021, tình hình nguồn cung xăng dầu sẽ còn khó khăn. Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, thấy cửa hàng kinh doanh xăng dầu nào đóng cửa, lập tức vào kiểm tra ngay. Điều tra rõ nguyên nhân vì sao đóng cửa, vì sao không bán hàng", ông Linh nói.
Song song đó, Tổng Cục trưởng thẳng thắn phê bình một số Cục QLTT địa phương triển khai các chỉ đạo, các văn bản của Bộ, của Tổng cục còn chậm, chưa thực sự sâu sát với công tác kiểm tra mặt hàng này. Trong điều hành xăng dầu, trách nhiệm của lực lượng QLTT là chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
"Bên cạnh một số đơn vị nghiêm túc triển khai thì còn một số đơn vị triển khai hời hợt. Nguyên nhân là gì? Do bao che hay không chỉ đạo được…", ông Linh đặt vấn đề.
Ông đề nghị thời gian tới, Cục QLTT các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Tổng cục QLTT, tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân và cho phát triển kinh tế.
Một số hình ảnh ghi nhận trưa ngày 15-2:
Khoảng 14 giờ 30 một cây xăng trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp nhập hàng, tạm nghỉ bán.
Người trông coi cửa hàng xăng trên đường Nguyễn Oanh ngồi phất tay thông báo với khách hết xăng.
Cửa hàng xăng trên đường Hà Huy Giáp quận 12 từng tạm ngừng bán xăng A95 ngày 10-2.
Khoảng 16 giờ cửa hàng xăng này thông báo chỉ bán 30.000 đồng/khách.
Sáng 14-2 cửa xăng quận Tân Bình treo bảng hết dầu, chiều ngày 15-2 cửa hàng này vẫn treo bảng hết dầu.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran.