Nhãn lồng Hưng Yên: Chưa xuất khẩu cũng không lo ế

Sự kiện: Hưng Yên

“Với sản lượng nhãn thu hoạch hàng năm khoảng trên dưới 35.000 tấn, nếu có xuất khẩu được sang thị trường Mỹ thì sẽ được giá cao và ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu trước mắt không xuất khẩu được chỉ bán trong nước cũng không lo ế” – bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên khẳng định.

Vẫn đủ cung cấp cho thị trường nội địa

Bà Chải cho biết: Hiện nay, diện tích trồng nhãn quy mô tập trung khoảng 2.000ha (chủ yếu là vườn chuyển đổi từ trồng lúa, rau màu hiệu quả thấp), tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và TP.Hưng Yên với sản lượng hàng năm từ 35.500 - 40.000 tấn, cho giá trị thu nhập từ 400 -500 tỷ đồng/năm.

Nhãn lồng Hưng Yên: Chưa xuất khẩu cũng không lo ế - 1

Ông Đình Văn Mau ở thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chăm sóc nhãn tại vườn của gia đình.  Ảnh:  T.Q

Cũng theo bà Chải, từ năm 2003, tỉnh đã xây dựng dự án tuyển chọn, công nhận 21 cây nhãn đầu dòng và 13 cây đạt tiêu chuẩn dùng để nhân giống. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng các mô hình thâm canh cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nâng cao sản lượng hơn so với sản xuất đại trà từ 8-15%, giá trị thu nhập đạt trên 400 triệu đồng/ha (tăng từ 67-120 triệu đồng/ha).

Bà Chải cho biết thêm, để tìm đầu ra, trong những năm qua, Sở đã hỗ trợ thành lập 3 hợp tác xã chuyện dịch vụ sản xuất, kinh doanh về nhãn để từng bước hình thành hệ thống tiêu thụ mới vào thị trường cao hơn như siêu thị, quầy hoa quả, an toàn, nhà hàng… Đến nay, hàng năm 3 đơn vị này đã tiêu thụ được trên 100 tấn sản phẩm vào các nhóm thị trường này.

“Theo quy hoạch bền vững trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, diện tích nhãn của Hưng Yên sẽ giữ ổn định khoảng 3.000ha, tương đương với sản lượng đạt trên dưới 40.000 tấn/năm. Với sản lượng như trên nếu chưa xuất khẩu được sang các thị trường mới mở như Mỹ, Australia…, thì vẫn đủ cung cấp cho thị trường nội địa với giá tốt từ 20.000-60.000 đồng/kg, không lo ế” – bà Chải khẳng định.

Cùng với Hưng Yên, trong tháng 3.2015 vừa qua, Hà Nội là địa phương thứ 2 được Cục BVTV cấp 2 mã vùng nhãn xuất khẩu đi Mỹ nằm ở huyện Hoài Đức gồm xã Song Phương (diện tích 10ha) và An Thượng (gần 8ha). Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Việc Mỹ chấp nhận mặt hàng nhãn của Hà Nội là tín hiệu vui, nhưng chúng tôi cũng phải xác định rằng, việc xuất khẩu sang thị trường này dù được giá cao, ổn định nhưng khó khăn nhất vẫn là việc thay đổi thói quen sản xuất của người dân. Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn đưa vào Mỹ với sản lượng nhiều thì chưa làm được ngay mà phải làm dần theo quá trình mới được.

Có nhiều lợi thế

Các vùng nhãn đã tồn tại lâu đời, khi tiến hành xây dựng vùng xuất khẩu thì không chỉ để có sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu mà quan trọng hơn là nhằm giúp người dân bảo đảm được sức khỏe và nâng cao được sản lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm của mình làm ra. 
Ông Lê Nhật Thành

Trao đổi với NTNN, ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV, Bộ NNPTNT) cho biết: “Theo thống kê, đến nay diện tích trồng nhãn của nước ta đạt khoảng trên dưới 100.000ha, với sản lượng ước đạt tới 500.000 tấn, tập trung ở nhiều tỉnh nhưng chủ yếu vẫn là Hưng Yên, Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.

Cũng theo ông Thành, không khó khăn như xuất khẩu vải thiều, mặt hàng nhãn quả của nước ta đang có rất nhiều lợi thế về mặt xuất khẩu, nhất là sang các thị trường mới mở như Mỹ. “Bằng chứng là tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ được khoảng 20 lô nhãn (khoảng 100 tấn), và sản phẩm nhãn được người tiêu dùng Mỹ rất thích bởi có chất lượng ngon, dễ ăn hơn nhãn của các nước khác” – ông Thành nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được Mỹ chấp nhận cho xuất khẩu nhãn, hiện trung bình mỗi ngày Công ty TNHH Ánh Dương Sao xuất khẩu 1 lô khoảng 2 - 5 tấn nhãn (miền Nam) sang thị trường Mỹ. Ông Phạm Nhật Tú – Giám đốc công ty cho biết: Đến giờ nhãn phía Nam vẫn được thị trường Mỹ đánh giá tốt về tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như chất lượng dinh dưỡng nên công ty mang hàng sang vẫn dễ bán. “Nhãn phía Bắc dù được các cơ quan hữu quan của Việt Nam đánh giá có chất lượng ngon hơn nhãn phía Nam nhưng chúng tôi chưa bán thử nghiệm lô nào sang Mỹ nên khó có thể nói trước được điều gì. Chờ đến vụ thu hoạch tới, nếu sản phẩm được các cơ quan Mỹ sang kiểm tra, đánh giá tốt chúng tôi sẽ xuất thử nghiệm vài lô để thăm dò thị trường” – ông Tú khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang ([Tên nguồn])
Hưng Yên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN