Ngô ngọt bị “chụp mũ” biến đổi gen

Sự kiện: Kinh Doanh

Gần đây, trên mạng xã hội tràn lan thông tin thất thiệt về ngô ngọt biến đổi gen tại Việt Nam.

Gần đây, trên mạng xã hội tràn lan thông tin thất thiệt về ngô ngọt (hay còn gọi là ngô Mỹ) biến đổi gen tại Việt Nam. Theo đó, loại thực phẩm quen thuộc này còn được gắn mác “hiểm họa gây ung thư” khiến không ít bà nội trợ hoang mang, thậm chí kêu gọi tẩy chay.

Giá ngô ngọt giảm mạnh, người trồng lao đao

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Minh Nguyệt, phường Minh Khai, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Mấy hôm nay đọc được tin ngô ngọt biến đổi gen mà hãi quá, không dám mua nữa. Lâu nay gia đình mình rất hay mua về luộc ăn hay chế biến thành bánh, sữa ngô, xôi ngô... Nếu cứ như trên mạng viết thì không biết ăn có làm sao không?”.

Trong khi đó, chị Ngụy Thị Kim Tuyến, đại lý chuyên bán buôn, bán lẻ ngô ngọt tại Vĩnh Yên,Vĩnh Phúc cho hay: Trước khi có tin đồn về ngô ngọt biến đổi gen, mỗi ngày chị bán ra thị trường các tỉnh từ 80 bao (mỗi bao 40kg). Tuy nhiên, hiện tại, lượng bán đã giảm nhiều. Chị Tuyến nói: “Nhiều khách cũng gọi về cho tôi bảo họ vừa ăn, vừa lo. Chính ở Vĩnh Phúc, đất trồng ngô ngọt thì dân vẫn ăn bình thường, nhưng tại những tỉnh như: Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên... lượng mua đã giảm hơn một nửa”.

Ngô ngọt bị “chụp mũ” biến đổi gen - 1

Không có ngô ngọt biến đổi gen ở Việt Nam

Cùng với đó, chị Tuyến lo lắng cho biết, giá ngô ngọt hiện đã giảm đáng kể. Cụ thể, giá ngô ngọt trên thị trường loại 1 cao nhất cũng chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg, trong khi trước đó vào khoảng 15 nghìn đồng/kg. “Người bán thì giá cả lên xuống phải chấp nhận nhưng khổ nhất vẫn là người dân trồng. Vụ vừa rồi thời tiết không thuận lợi, ngô không thụ phấn được nên bắp cũng xấu, kết hợp với tin đồn này giá bán tại nhà vườn lại càng thê thảm hơn...”, chị Tuyến buồn bã.

Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen

Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS. TS. Nguyễn Lân Dũng đã bác bỏ thông tin ngô ngọt biến đổi gen. “Ngô ngọt không phải sản phẩm biến đổi gen. Hiện ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT mới chỉ cấp phép trồng hai giống ngô biến đổi gen đó là ngô biến chống sâu và diệt cỏ. Cả hai loại này thường chỉ được dùng trong thức ăn chăn nuôi”, ông Dũng cho biết.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đang có khoảng 50 giống ngô các loại, trong đó có 16 giống ngô biến đổi gen đã được công nhận. Các gen được chuyển gồm gen kháng sâu bọ cánh vảy (sâu đục thân, đục bắp, đục cờ) và gen kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. Tuy nhiên, diện tích ngô biến đổi gen hiện mới chiếm khoảng 8% tổng diện tích ngô trồng trên cả nước.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) khẳng định, thông tin ngô ngọt biến đổi gen là tin đồn sai lệch, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nông dân trồng ngô trên địa bàn. Theo bà Thoa, ngô ngọt được trồng khá phổ biến tại các khu vực đất bãi của Hà Nội như Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm… song toàn bộ đều không phải là sản phẩm biến đổi gen. Bà Thoa khẳng định: “Không riêng Hà Nội mà các địa phương hiện nay cũng chỉ sản xuất ngô biến đổi gen trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, không có giống ngô ngọt”.

Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, không chỉ riêng ngô ngọt, mà hàng loạt các sản phẩm lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen… thời gian qua cũng bị gắn mác biến đổi gen. “Những tin đồn, thông tin thiếu sát thực về sản phẩm biến đổi gen đang khiến người tiêu dùng hoang mang, thậm chí quay lưng với nhiều nông sản. Thực chất các loại quả có màu sắc lạ như cà chua đen, ổi tím, su hào tím… chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống, chọn lọc những đặc tính ưu việt để kích thích giác quan của người tiêu dùng. Chính vì thế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng”, ông Hàm nói và cho biết thêm, muốn trồng thực phẩm biến đổi gen không hề đơn giản. Người nông dân không tự mạo hiểm đưa giống cây trồng biến đổi gen không được phép sử dụng vào sản xuất, vì đây là cả một quy trình tốn kém và được nhiều cơ quan Nhà nước giám sát chặt chẽ… Để nhân rộng và đưa vào sản xuất đòi hỏi khoảng thời gian nghiên cứu 3 - 5 năm và chi phí cao nên bản thân người nông dân cũng không hề mặn mà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN