Myanmar - Đối thủ mới trong XK gạo

Gạo Việt Nam đang phải bán giá thấp mà không ai mua vì các nhà nhập khẩu quay sang mua gạo Myanmar với giá rẻ hơn.

“Cách đây một năm, Ấn Độ và Pakistan là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Giờ mọi chuyện đã khác. Myanmar mới là đối thủ đáng gờm với sự tăng trưởng mạnh về sản lượng xuất khẩu và mức giá thấp nhất thế giới” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cảnh báo.

Nguy cơ mất thị trường, rớt giá

Ông Phong cho hay mới đây Myanmar đã ký một biên bản ghi nhớ cung cấp 500.000 tấn gạo cho Indonesia khi cần thiết và nếu có thặng dư gạo ở Myanmar. Trong khi hồi đầu năm 2013, Indonesia tuyên bố sẽ tự cung tự cấp lương thực, giảm lượng gạo nhập khẩu theo dạng hợp đồng tập trung được thỏa thuận từ chính phủ Indonesia và Việt Nam. Có thông tin Malaysia, Philippines cũng đang đàm phán để mua gạo từ Myanmar vì… giá rẻ.

Không chỉ “đánh chiếm” những “mối ruột” của Việt Nam, Myanmar còn lấn sang nhiều thị trường lớn. Ông Phong cho biết thị trường xuất khẩu gạo chủ lực từ năm 2012 đến nay của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm tới 1/3 lượng gạo xuất khẩu. Nhưng với sức mạnh giá rẻ, Myanmar đang làm thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam, Pakistan, Thái Lan tại Trung Quốc hẹp dần.

Myanmar - Đối thủ mới trong XK gạo - 1

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nếu nhìn giá gạo Myanmar để giảm theo thì không chỉ mất lợi nhuận mà mất luôn vị thế của gạo Việt Nam. Trong ảnh: Bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn, TP.HCM. Ảnh: CTV

Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Myanmar là 300 USD/tấn, gạo 25% tấm hơn 200 USD/tấn. Mức giá quá rẻ. Từ đầu năm đến nay, Myanmar đã bán qua đường tiểu ngạch hơn 630.000 tấn gạo cho khách hàng Trung Quốc với kiểu giao tiền đưa hàng ngay. Điều này làm việc xuất khẩu gạo của Việt Nam sang đây suy giảm, số hợp đồng xuất khẩu bị hủy tương ứng mấy trăm ngàn tấn gạo. Trung Quốc đang dựa vào giá của Myanmar để chờ giá gạo Việt Nam xuống thấp hơn để mua vào. Nhiều doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhân cơ hội này ép giá và DN Việt Nam buộc phải bán giá thấp cho họ vì nhu cầu từ các thị trường khác rất ít.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang tuột dốc với 375 USD/tấn cho gạo 5% tấm, giảm 35 USD/tấn so với mức giá sàn hiệp hội đưa ra hồi tháng 2-2013. Giá thực tế mua vào hiện đã là 385 USD/tấn. “Giá gạo Myanmar quá thấp, các nhà nhập khẩu đang nhào đến mua. Nếu lỡ ký hợp đồng với Việt Nam, họ sẽ lấy cớ này ép bán giá thấp” - ông cho biết.

Gạo cao cấp cũng bị co hẹp

Cũng với một “vũ khí” giá rẻ, Myanmar còn nhanh chóng chen chân vào những thị trường xuất khẩu gạo cao cấp.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết trong năm 2013, Myanmar đã thắng thầu xuất khẩu gạo sang Nhật Bản và dự kiến xuất đợt đầu tiên 5.000 tấn chất lượng cao vào tháng 5-2013 với giá 490 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên Myanmar xuất khẩu gạo sang Nhật Bản và được biết nước này đang đàm phán với cả Hàn Quốc.

GS Võ Tòng Xuân cho hay vốn là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới nên khi kinh tế mở cửa trở lại, Myanmar đủ khả năng nâng cao chất lượng để sản xuất gạo cấp cao. Minh chứng cụ thể là Myanmar đang mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, nhất là Liên minh châu Âu (EU), bên cạnh đó là kế hoạch tới Kuwait, các nước Trung Đông và châu Phi.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà xay xát gạo của Myanmar cho biết nước này sẽ xuất khẩu gạo đồ lần đầu sang Nga với khối lượng 250 tấn. Các nhà máy chế biến gạo đồ xuất khẩu đã được xây dựng tại nhiều thị trấn ở vùng Ayeyarwady và thủ đô Yangoon. Cũng theo hiệp hội này, năm nay Myanmar sẽ xuất gạo sang một số nước nữa như Úc, Ukraine, Bangladesh, Nam Phi, Ấn Độ, Singapore và Malaysia.

Việt Nam cần làm gì?

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Myanmar đã đề ra kế hoạch xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2013 và đến nay đã vượt 600.000 tấn. Sản lượng gạo Myanmar năm 2014 dự báo đạt khoảng 12,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013. Và “lúc này, Myanmar sẽ giảm giá bán thấp hơn nữa, ví dụ gạo 5% tấm xuống dưới mức 300 USD/tấn thì xuất khẩu gạo Việt Nam khó sống. Chỉ còn cách giảm giá xuất khẩu. Không giảm giá thì không thị trường nào mua. Nếu để giá cao chắc chắn tồn kho cao, khi đó giá gạo trong nước còn rớt thê thảm hơn” - ông Tuấn, Công ty Lương thực Thịnh Phát, nhận định.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cũng cho rằng việc DN giảm giá bán là hợp lý để đảm bảo tiêu thụ lúa vừa thu hoạch vụ đông xuân trước khi đón lượng gạo tiếp theo từ vụ thu hoạch hè thu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường để giữ giá. Hiệp hội sẽ nắm lại quyền đàm phán ký hợp đồng tập trung vào thị trường truyền thống để tăng hợp đồng xuất khẩu. Xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng nhưng DN cần chú ý giao dịch, nhận tiền rồi mới giao hàng, tránh nguy cơ hủy hợp đồng, ép giá.

Tuy nhiên, GS Xuân cho rằng: “Nếu nhìn giá Myanmar để giảm theo thì không chỉ mất lợi nhuận mà mất luôn vị thế của gạo Việt Nam. Gạo Myanmar giá rẻ nhưng chất lượng lẫn sản lượng rất thấp không thể so bì với gạo Việt Nam. Các nhà nhập khẩu chỉ “dọa” để ép giảm giá, nếu cứ thuận theo thì giá xuất khẩu sẽ rớt xuống nữa. DN kêu lỗ thì chẳng biết có lỗ thật không nhưng giá lúa gạo trong nước đang giảm, nông dân lỗ là rõ nhất. Vì vậy DN đẩy giá lên, không phải sợ bị ép giá, nhà nhập khẩu có mua gạo của Myanmar cũng chỉ một lượng nhỏ rồi hết!”.

Về lâu dài, khi sức mạnh Myanmar càng lớn, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng DN Việt Nam cần chiến lược phát triển các loại gạo đặc sản thế mạnh để tạo phân khúc thị trường có lợi cho mình. Chất lượng gạo phải là yếu tố chính để mở rộng xuất khẩu vào thị trường mới và thị trường khó tính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Minh Long (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN