Lúng túng xử lý hàng giả trên mạng

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Công Thương đang tích cực tìm giải pháp để hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn thương mại điện tử.

Tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tổ chức ngày 26-3 ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, quy mô thị trường này sẽ lên tới 13 tỉ USD.

Lúng túng xử lý hàng giả trên mạng - 1

Nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử hiện rất phức tạp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận công tác quản lý lĩnh vực TMĐT đang gặp không ít khó khăn khi tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với sự phát triển về công nghệ đã khiến những dự báo về TMĐT trở nên lỗi thời. Đặc biệt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT rất nhức nhối, khiến cơ quan quản lý nhà nước đau đầu. Cụ thể, trong năm 2018 cơ quan này đã phối hợp với các địa phương phát hiện, xử lý 250 trường hợp vi phạm về hoạt động TMĐT, trong đó tập trung vào các hành vi như trách nhiệm minh bạch thông tin, quy trình giao dịch, trách nhiệm thực hiện hợp đồng với khách hàng của các sàn TMĐT. "Nghị định 52 của Chính phủ về lĩnh vực TMĐT chưa xử lý được hết về giao dịch thanh toán, minh bạch thông tin, bảo vệ người tiêu dùng. Vì pháp luật chưa điều chỉnh nên chúng tôi cũng lúng túng trong việc xử lý các mô hình mới" - ông Tuấn nhìn nhận.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đang tích cực tìm giải pháp để hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn TMĐT. Trình Chính phủ ban hành các văn bản để quản lý, xử lý vi phạm về hoạt động TMĐT. Đồng thời, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, địa phương để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT, gửi đến đại diện Bộ Công Thương câu hỏi liên quan đến việc hiện nay chưa cấp phép cho các mô hình cho vay trực tuyến không qua ngân hàng. Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng đây là một lĩnh vực khá mới, pháp luật cũng chưa điều chỉnh hết. Hơn nữa, Thông tư 47 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website TMĐT cũng loại các website về lĩnh vực tài chính. "Mảng này có liên quan đến việc quản lý ngành của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Các mô hình cho vay ngang hàng chưa được phân định cụ thể nên chúng tôi chưa thể cấp phép cho mô hình này được" - ông Tuấn nói và cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu về vấn đề này.

Ngoài ra, nhiều diễn giả nhìn nhận sau một giai đoạn bùng nổ, thu hút người tiêu dùng bằng giá cả, các chương trình khuyến mại, chính sách bán hàng,… các sàn TMĐT đang coi lĩnh vực giao hàng là trụ cột để giữ chân khách hàng. Dịch vụ chuyển phát tăng nhanh với tốc độ khoảng 70% trong năm 2018 đã chứng minh điều này. Bởi, TMĐT muốn phát triển mạnh thì khâu giao hàng và thanh toán trực tuyến phải được chú trọng hoàn thiện. Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu VNPost, đánh giá nhiều doanh nghiệp chuyển phát đang "bơi" ra thị trường để phục vụ TMĐT. Ông thừa nhận VNPost đã chuẩn bị kế hoạch phát triển nhưng rất khó để theo kịp thị trường vì sự thay đổi từng ngày của TMĐT. "Dịch vụ chuyển phát liên quan đến vấn đề hạ tầng, con người nên rất khó để bắt kịp. Nếu chỉ riêng về công nghệ thì có thể khắc phục được" - ông Lê nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN