Lợi ích nhóm chi phối giá xăng dầu?
TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề có thể có lợi ích nhóm giữa các doanh nghiệp và một số cá nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch trong giá thành xăng dầu
Ngay cả khi Nhà nước bao cấp hoàn toàn giá xăng hay đến khi thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì giá xăng dầu Việt Nam hầu như chưa bao giờ tăng, giảm đúng nhịp của thế giới.
Giá xăng dầu Việt Nam hầu như chưa bao giờ tăng, giảm đúng nhịp của thế giới. Ảnh: TẤN THẠNH
Một mình một chợ
Trong khi Trung Quốc đang trên đà tự do hóa việc định giá nhiên liệu, Malaysia và Ấn Độ đã thả nổi từ vài năm nay, Singapore luôn cho phép các công ty tự định giá bán thì Việt Nam lại điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc “giá bán thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” theo tinh thần Nghị định 84.
Trên thực tế vận hành, cơ chế này từ lâu đã bộc lộ nhiều bất cập và doanh nghiệp (DN) cũng như nhà quản lý vẫn luôn “bám” vào nghị định này như một “lá chắn” cho sự độc quyền về giá. Thậm chí, không ít lần đại diện Bộ Công Thương còn khẳng định giá xăng dầu trong nước phải tuân theo Nghị định 84, tức là chỉ phản ánh xu hướng giá thế giới chứ không phải phản ứng tức thời với giá thế giới.
Thống kê lại thời điểm năm 2004 khi Nghị định 84 chưa ra đời, giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước đã 4 lần phải điều chỉnh tăng nhưng trong năm này, ngân sách Nhà nước vẫn giảm thu khoảng 4.500 tỉ đồng do giảm thuế nhập khẩu xăng dầu; ngoài ra, để kìm hãm tốc độ tăng giá, Nhà nước phải bù lỗ 5.700 tỉ đồng. Như vậy, tổng thâm hụt ngân sách Nhà nước do phải bao cấp giá xăng dầu thời điểm này là trên 10.000 tỉ đồng.
Đến khi Nghị định 84 ra đời, công cụ thuế để điều hành giá được sử dụng linh hoạt hơn nhằm bình ổn giá thành. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá chính cơ chế điều hành này khiến giá xăng dầu bị nhiễu loạn, Nhà nước phải hỗ trợ về giá mà người tiêu dùng vẫn bị thiệt thòi.
Dẫn chứng cụ thể trong giai đoạn từ đầu năm 2011 đến tháng 5-2012, giá xăng trong nước tăng 4 lần với tổng mức tăng là 8.000 đồng và giảm 2 lần tổng cộng 1.000 đồng, tức là đã tăng lên 7.000 đồng. Trong khi đó, trong thời điểm giá xăng thế giới tăng cao thì Nhà nước phải cắt giảm thuế nhập khẩu để giảm gánh nặng tăng giá xăng dầu với người dân, kéo theo thâm hụt ngân sách.
“Nghị định 84 chỉ có lợi cho các DN xăng dầu, còn người tiêu dùng trong tình trạng mù thông tin, không giám sát được giá thành vì tại thời điểm này có thể DN và cơ quan quản lý tính giá kiểu này nhưng thời điểm khác lại tính kiểu khác” - chuyên gia kinh tế , TS Lê Đăng Doanh bình luận.
Doanh nghiệp ngày càng lãi
Trung bình giá xăng dầu thế giới vào thời điểm năm 2008 là 94,629 USD/thùng và giá xăng bán lẻ bình quân trong nước là 15.125 đồng/lít. Trong khi đó, đến thời điểm ngày 18-12-2012, giá xăng đã ở mức 23.150 đồng/lít, trong khi chốt phiên giao dịch ngày 31-12-2012, giá dầu thô ngọt, nhẹ thế giới mới ở mức 91,82 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York.
Như vậy, nếu tính đến yếu tố tỉ giá thì rõ ràng có sự không minh bạch trong giá bán lẻ xăng dầu và DN ngày càng hưởng lợi nhiều hơn từ mặt hàng thiết yếu này. Cụ thể, tỉ giá USD thời điểm năm 2008 dao động trong khoảng 16.517 đồng/USD, giá xăng thế giới 94,629 USD/thùng thì giá bán lẻ trong nước là 9.500 đồng/lít. Đến thời điểm cuối năm 2012, tỉ giá USD trong khoảng 20.828 đồng/USD (gấp 1,26 lần so với năm 2008), giá xăng thế giới là 91,82 USD/thùng (thấp hơn giá thành năm 2008 khoảng 3 USD) thì giá bán lẻ trong nước là 23.150 đồng, đã gấp tới 2,4 lần so với năm 2008.
Nếu trừ đi thuế nhập khẩu xăng dầu chênh lệch ở 2 thời điểm tính toán là khoảng 12% (thuế nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng đầu năm 2008 là 0%, trong khi năm 2012 là 12%) thì giá xăng dầu vẫn tăng lên gấp đôi.
Bình luận về những số liệu này, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng DN tính toán giá cơ sở thì bắt buộc phải dựa trên các yếu tố giá thành đầu vào, thuế, phí, lợi nhuận định mức cho phép… Theo ông Doanh, không thể nào giá xăng lại được phép đội lên gấp hơn 2 lần nếu chi phí đầu vào tăng không đáng kể.
“Tôi nghi ngờ có nhiều điểm không minh bạch trong tính toán giá thành của các DN. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về việc DN “đá quả bóng” sang đại lý bằng cách nâng cao chiết khấu hoa hồng để cộng vào chi phí giá xăng rồi sau đó đại lý sẽ “lại quả” cho DN” - ông Doanh băn khoăn.
Ông Doanh cũng đặt vấn đề có thể có lợi ích nhóm giữa các DN dẫn đến sự nhập nhằng, thiếu minh bạch trong giá thành. “Do kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện nên từ trước đến nay DN luôn có vị thế độc quyền, thống lĩnh. Đơn giản như giá xăng cơ sở được tính toán trên những thông số đầu vào như thế nào hầu như không được công khai. Có thể có lợi ích nhóm ở đây” - TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Nghị định 84 ra đời hầu như ít có giá trị thiết thực khi giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tiến tới giá thị trường và Nhà nước vẫn phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ về giá như thuế, quỹ bình ổn… trong điều kiện ngân sách ngày càng thâm hụt.