Loài lan kiêu sa nơi núi rừng Đà Nẵng cho thu nhập 30 triệu/tháng

Sự kiện: Kinh Doanh

Đưa loài lan kiêu sa nguồn gốc Thái Lan về đất xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1965, ở thôn Lộc Mỹ) cũng không ngờ có ngày loài hoa này đã giúp gia đình đổi đời. Núi rừng Hòa Bắc bây giờ như rực rỡ hơn bởi những luống hoa lan đủ màu sắc bung nở mỗi ngày.

Dồn hết vốn liếng trồng lan

Là một trong những người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã miền núi của Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thạnh đã gặt hái được khá nhiều thành công. Cũng nhờ trồng loại hoa lan này mà gia đình ông có thu nhập ổn định, bình quân mỗi tháng hơn 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thạnh được xem là một trong những người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã Hòa Bắc của Đà Nẵng.   Ảnh: Diệu Bình.

Ông Nguyễn Văn Thạnh được xem là một trong những người tiên phong đưa loài phong lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã Hòa Bắc của Đà Nẵng.   Ảnh: Diệu Bình.

Từ 500 nhánh lan ban đầu, ông Thạnh nhân lên 10.000 nhánh và từ 2.000m2 diện tích ban đầu, bây giờ khu vườn lan tăng lên 4.000m2. Mỗi tháng ông Thạnh cắt được 7-8 lần để cung cấp hoa cho thị trường, trung bình doanh thu đạt trên 30 triệu đồng/tháng, thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Tìm đến vườn hoa của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạnh và bà Lê Ngọc Hà vào một ngày tháng Bảy oi bức, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi ngay trên mảnh đất vốn nổi tiếng khắc nghiệt lại xuất hiện vườn hoa lan khá đẹp và đang khoe sắc ngay bên thượng nguồn dòng sông Cu Đê, xã Hòa Bắc. Những luống lan được trồng thẳng tắp, bố trí khoa học, từng bông hoa rực rỡ sắc màu khiến không gian càng thêm sinh động. Nhìn vườn lan này mới thấy những nỗ lực, tâm huyết của chủ nhân không hề nhỏ.

Trước khi đến với mô hình trồng lan cho thu nhập bạc tỷ, ông Thạnh mất nhiều năm loay hoay tìm cho mình một hướng đi hiệu quả trong sản xuất. Ngặt nỗi, đất Hòa Bắc khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bao nhiêu năm nay bà con chỉ quen với cây khoai, cây bắp… hoa lan, nhất là giống nhập ngoại từ Thái Lan vẫn là một cái gì đó xa xỉ.

Chia sẻ với phóng viên lý do chọn loài lan Mokara để lập nghiệp, ông Thạnh nói: “Trong một chuyến đi tham quan ở huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), thấy mô hình trồng hoa lan Mokara của anh em ở đây rất hiệu quả, tôi chợt có suy nghĩ, tại sao mình không thử trồng loài hoa này tại địa phương, trên chính mảnh đất trước giờ chỉ trồng khoai, sắn, bắp. Nếu không mạnh dạn thay đổi sẽ chẳng thể thoát nghèo”.

Từ chính suy nghĩ có phần “mạo hiểm” đó, trở về, ông Thạnh bàn với vợ quyết tâm thực hiện mô hình trồng hoa lan này. Thế là bao nhiêu vốn liếng vợ chồng ông dành dụm bấy lâu, cộng thêm vay mượn của người thân và bạn bè, ông mua 4.000m2 đất vườn bỏ hoang ngay sát vườn nhà để bắt đầu công cuộc tô điểm sắc màu cho vùng đất khô cằn sỏi đá.

Nói là làm, ông liền xây dựng nhà lưới, tường rào, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, xây nhà chứa vật tư, dụng cụ ngay tại vườn lan... và trồng 500 nhánh lan giống mua từ TP.Hồ Chí Minh (giá 50.000 đồng/nhánh)... Lúc đó, không ít người nghi ngờ quyết định mạo hiểm này của ông Thạnh, họ nghĩ nắng gió Hòa Bắc không thể phù hợp với một giống lan yêu kiều, khó chăm sóc có xuất xứ tận Thái Lan.

Ông Thạnh cho biết thêm, thời gian đầu ông khá bỡ ngỡ với việc trồng, chăm sóc lan nên gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng cặm cụi suốt ngày đêm trong vườn hoa, từ tưới nước, vun xới rồi bắt sâu, nhổ cỏ không lúc nào rời. Nhìn 500 nhánh lan đầu tiên bắt đầu bén rễ, ông chỉ mong sao cây phát triển khỏe mạnh, vì bao nhiêu tiền của, công sức của gia đình đều đã đổ vào đó.

Loài lan kiêu sa nơi núi rừng Đà Nẵng cho thu nhập 30 triệu/tháng - 2

“Lan trồng được năm rưỡi, tôi cắt phần ngọn trồng nhân giống, phần gốc lại mọc ra nhiều nhánh con, 3 tháng sau, tiếp tục cắt nhánh trồng nhân rộng, chỉ để lại 1 nhánh cho ra hoa. Trời không phụ lòng người, 500 nhánh lan trồng trên 2.000m2 đất cứ thế phát triển khỏe mạnh, cùng đua sắc với núi rừng Hòa Bắc mặc cho nắng gió khắc nghiệt…” - ông Thạnh phấn khởi nói.

Thành công bất ngờ

“Từ 500 nhánh lan ban đầu được tôi nhân lên 10.000 nhánh và từ 2.000m2 diện tích ban đầu, bây giờ khu vườn lan tăng lên 4.000m2 và đã được lấp đầy hoa lan đủ màu sắc… Hiện nay, mỗi tuần vợ chồng tôi cắt 2 lần, hoa nở rộ thì mỗi lần lần cắt được 1.100 - 1.200 bông, thấp nhất cũng được 400 - 500 bông. Số lượng hoa nhiều như vậy nhưng không đủ để cho các đại lý, siêu thị và các shop hoa trên địa bàn Đà Nẵng…” -  ông Thạnh thông tin.

Nhờ trồng hiệu quả nên mỗi tháng ông Thạnh cắt được 7-8 lần để cung cấp hoa cho thị trường, trung bình doanh thu đạt trên 30 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình ông Thạnh đút túi 17 - 20 triệu đồng và mỗi năm ông thu lãi trên 200 triệu đồng từ trồng hoa lan Mokara.

Loài lan kiêu sa nơi núi rừng Đà Nẵng cho thu nhập 30 triệu/tháng - 3

Ông Thạnh chia sẻ thêm, loại lan Mokara này chỉ gửi trên đất, không đòi hỏi đất tốt xấu gì. Thời tiết nắng nóng cũng không ảnh hưởng, chỉ có điều, không chăm sóc kĩ là hay bị nấm bệnh. Trồng lan Mokara phải bón lót bằng lớp vỏ đậu phụng dày 25cm và đóng ống nhựa cao 1,2m theo từng luống. Ngoài ra, ông cũng áp dụng công nghệ tưới phun sương điều khiển bằng điện thoại di động và bón phân bằng bình xịt, qua đó điều chỉnh cây ra hoa chuẩn về màu sắc và độ đồng đều cao cũng như giảm được chi phí chăm sóc...

Theo ông Thạnh, thời gian qua chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp của TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ cho mô hình của ông rất nhiều, tuy nhiên việc trồng loại hoa lan này cần số vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn của gia đình còn khá hạn hẹp. “Vốn cần nhiều lắm, tôi cứ thực hiện mô hình theo dạng “cuốn chiếu”, thu được cái này lấy đập qua cái khác, chứ không có điều kiện đầu tư một lần. Bây giờ tôi chỉ mong có đủ vốn để lấy giống rồi mở rộng diện tích trồng hoa vì nhu cầu thị trường còn rất lớn” - ông Thạnh mong muốn.

Là một trong những người tiên phong đưa loài lan Mokara có nguồn gốc Thái Lan về trồng tại xã miền núi Hòa Bắc, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạnh được biết đến là những một nông dân giỏi, dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng hoa của ông Thạnh không những đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần tô điểm cho Hòa Bắc ngày càng tươi đẹp, phát triển hơn…

An Giang: Sống khỏe re bởi nghề nuôi lươn đồng trong bể xi măng

Mô hình nuôi lươn đồng trong bể xi măng ngày càng nhân rộng để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Bình - Đại Nghĩa ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN