An Giang: Sống khỏe re bởi nghề nuôi lươn đồng trong bể xi măng

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (An Giang) đã chuyển sang nghề nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, sử dụng giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp (dạng viên) đã mang lại hiệu quả cao bởi kỹ thuật nuôi đơn giản, giá cả đầu ra ổn định và luôn ở mức cao.

Hiện nay mô hình nuôi lươn đồng trong bể xi măng ngày càng được nhân rộng trên địa bàn xã Kiến Thành phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nông thôn, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với nhu cầu thị trường về thịt lươn luôn ổn định, người chăn nuôi đã mở rộng mô hình nuôi lươn với nhiều phương pháp mới để không phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên. Trong đó mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đang là lựa chọn hàng đầu của những hộ đầu tư chăn nuôi.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của hộ anh Lê Văn Tèo, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được nhiều nông dân quan tâm, thăm quan.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của hộ anh Lê Văn Tèo, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được nhiều nông dân quan tâm, thăm quan.

Nuôi lươn không bùn không đòi hỏi phải chiếm nhiều diện tích, người dân chỉ cần tận dụng đất trống xung quanh nhà khoảng vài chục mét vuông là có thể tiến hành nuôi. So với các mô hình khác thì nuôi lươn đơn giản hơn nhiều. Người nuôi lươn không tốn nhiều chi phí để đầu tư về con giống, thức ăn cũng như thời gian chăm sóc, nhưng nguồn lợi nhuận mang lại khá hấp dẫn do đó đã có nhiều người nuôi.

Hiện nay, số lượng nuôi lươn của bà con trong xã Kiến Thành là 6 hộ với 59 bồn. Một trong số đó có hộ chăn nuôi của anh Lê Văn Tèo, ngụ ấp Phú Hạ 2 với 4 bồn nuôi, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng sau mỗi đợt bán (từ 8 đến 9 tháng là bán). Tuy số lượng nuôi không nhiều bằng những hộ khác nhưng mô hình này đã giúp gia đình anh  cải thiện được cuộc sống.

Qua tìm hiểu, gia đình anh Tèo gặp khó khăn về kinh tế, chỉ có 2,5 công đất nông nghiệp nên thu nhập hằng năm thiếu trước hụt sau. Đến năm 2014, anh có tham gia lớp học về mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng với sự hướng dẫn các kỹ thuật nuôi.

Trong khóa học đó anh Tèo được Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang hỗ trợ 50% con giống và 30% thức ăn, anh quyết định xây 1 bể nuôi với 1.000 con lươn giống và áp dụng những kiến thức đã học nên sau 9 tháng nuôi anh thu lãi trên 10 triệu đồng.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn, anh Tèo quyết định xây thêm 3 bồn nuôi với diện tích mỗi bồn là 12m2. Anh chủ động mua thêm lươn giống, tận dụng diện tích vườn tạp gần nhà để cải tạo và xây dựng bồn nuôi. Hiện tại anh Tèo có 4 bồn nuôi với 5.000 con lươn giống các lứa thả khác nhau theo kiểu gối đầu.

Thấy nhu cầu giống lươn ngày càng khan hiếm, gia đình anh Tèo đã mạnh dạn lai tạo giống lươn nhân tạo, khoảng 4 đến 5 tháng là lươn giống có thể bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm anh Tèo xuất bán khoảng 20.000 con giống với giá dao động từ 5.800 đến 6.000 đồng/con loại 300 con/kg, trừ đi chi phí anh thu lời được 50 triệu đồng.

Nhờ nuôi lươn đồng mà cuộc sống gia đình anh Lê Văn Tèo cải thiện rất nhiều, cất và sửa sang nhà cửa, mua thêm phương tiện đi lại, có thêm chi phí đầu tư cho con ăn học và ủng hộ tiền làm công trình phúc lợi xã hội.

Anh Tèo bộc bạch: “Nhờ nuôi lươn mà gia đình tôi mới khá lên đó chớ. Chứ lúc trước nhà tôi khó khăn lắm, sống chủ yếu nhờ vào 2,5 công đất ruộng, làm lụng cực khổ mà vẫn thiếu trước hụt sau. Nay thì kinh tế cũng khá giả rồi, cuộc sống cũng sung túc hơn trước nhiều”.

Cũng từ nghề nuôi lươn mà giờ đây kinh tế gia đình của anh Tèo phần nào cũng được khấm khá, thấy vậy nhiều hộ gần nhà cũng mua lươn giống từ gia đình anh về nuôi mong sau kiếm thêm thu nhập. Chú Phong – hàng xóm gần nhà anh Tèo cho biết: “Cháu Tèo là người rất cần mẫn, ham học hỏi, có ý chí vươn lên, từ mô hình nuôi lươn và bán lươn giống đã giúp gia đình của cháu khấm khá hơn nhiều. Thấy vậy, nhiều hộ gần nhà cũng mua lươn giống của cháu về để nuôi mong sau cải thiện đời sống gia đình của mình”.

Theo anh Tèo, việc nuôi lươn đồng trước đây thường xuyên gặp khó khăn trong phát triển mô hình do con giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt và không đảm bảo chất lượng, lươn dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp, chi phí sản xuất cao...Nhưng nhờ áp dụng thành công nhân giống lươn nhân tạo, ăn thức ăn công nghiệp đã giúp người nuôi lươn chủ động được nguồn giống chất lượng trong quá trình nuôi.

Anh Tèo cho biết thêm: “Con giống nhân tạo rất khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sử dụng được thức ăn viên, ít hao hụt khi nuôi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và một phần số lượng theo nhu cầu của người nuôi”.

Nhờ chịu khó học hỏi và có kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên mỗi đợt bán gia đình của anh Tèo cũng như nhiều hộ nuôi khác thu được khoản lợi nhuận kha khá. Đây được xem là mô hình phù hợp với những gia đình có ít đất sản xuất, tận dụng lao động sẵn có tại nông hộ, giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Nuôi con chỉ ăn phân động vật, đút túi chục triệu mỗi tháng

Nhờ nuôi con chỉ ăn phân động vật, nhà anh Dũng (Thanh Hóa) thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bích Trâm ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN