Lo ngại giá điện tăng nhanh, mạnh hơn

Giá điện có thể sẽ tăng với tần suất nhiều hơn, mạnh hơn với dự thảo mới quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dân.

Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo Quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo có điểm mới là nới rộng quyền tăng giá điện cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Theo quy định của Bộ Công Thương, "trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch từ 2-5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận".

Trong khi đó, tại Quyết định 24 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, giá điện tại thời điểm tính toán so với giá bán điện hiện hành phải chênh lệch 5% thì EVN mới được phép điều chỉnh giá điện ở mức tương ứng.

Lo ngại giá điện tăng nhanh, mạnh hơn - 1

Giá điện tăng liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân (ảnh minh họa ).

Bình luận về quy định này, ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ) nói thẳng: "Quy định như vậy rõ ràng là đã nới rộng quyền tăng giá điện cho EVN; khiến tần suất tăng giá điện sẽ nhanh hơn, gần nhau hơn, không chỉ là "tối thiểu 3 tháng mới được tăng".

Ông Ruệ cho biết, Quyết định 24 chỉ cho phép EVN biến động đầu vào 5% mới được tăng giá thì quy định mới của Bộ Công Thương đã "hạ" xuống chỉ cần biến động 2% là EVN đã được tăng giá điện. “Chưa kể, nếu biến động ghê quá, trên 5% thì không cần đến 3 tháng EVN đã được quyền trình các bộ và Chính phủ phương án cho phép tăng giá”- ông Ruệ nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, với việc năm nay, dự báo EVN sẽ thiếu điện cung ứng cho nền kinh tế và dự kiến phải chạy dầu FO sản xuất điện lên tới hàng tỷ kWh thì áp lực phải tăng "khủng" giá điện trong năm nay càng khó tránh khỏi. Và với quy định chỉ cần biến động 2% đã tăng giá thì năm nay, chắc chắn giá điện sẽ tăng mạnh.

Quỹ Bình ổn giá điện sẽ không hiệu quả

Về Quỹ Bình ổn giá điện, các chuyên gia khẳng định, sẽ không mang lại hiệu quả giống như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay và sẽ gây ra sự tranh cãi trong xã hội nếu được thực hiện. Ông Phan Thế Ruệ nói: "Khi giá đã lên thì không quỹ nào có thể đáp ứng nổi mà bình ổn".

Còn theo GS-TSKH Trần Đình Long-Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, quy định này sẽ dẫn đến hạn chế là khiến số lần điều chỉnh giá tăng lên nhiều lần trong năm (năm nhiều nhất EVN cũng chỉ tăng giá 2 lần dù có quy định tối thiểu 3 tháng được tăng giá điện), giá thành điện luôn trong tình trạng biến động, thiếu tính ổn định.

GS Long cho rằng, với việc chỉ cần biến động 2% đã được điều chỉnh có thể sẽ khiến EVN lạm dụng điều chỉnh tăng giá ngay khi mới có biến động nhỏ về giá thành sản xuất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nêu quan điểm, việc kiềm chế lạm phát trong năm nay phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn quản lý như điện, nước, xăng dầu... Nguy cơ lạm phát năm nay cao đang được cảnh báo nên việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu cần phải được.

Chính phủ cân nhắc và hạn chế. Với việc nới quyền tăng giá điện cho EVN thì mục tiêu này có thể bị "xung đột, phá vỡ"- ông Phong nói. Chưa kể, quy định mới của Bộ Công Thương cũng không có điều khoản nào nói việc EVN sẽ phải giảm giá điện, như vậy là bất hợp lý. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN