Lại chuyện giá sàn cá tra

Để khống chế doanh nghiệp xuất khẩu cá tra bán phá giá lẫn nhau, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) có ý kiến đề xuất thành lập giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra. Thế nhưng, đề xuất lần này liệu có được thực hiện hay cũng chỉ phá sản như những lần trước đó?

Khơi lại chuyện… cũ

Một lần nữa câu chuyện về giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra lại được Vasep đề xuất đưa vào áp dụng khi số doanh nghiệp cá tra bán phá giá lẫn nhau ngày một tăng cao, ảnh hưởng đến lợi ích và hình ảnh cá tra của Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề nhận được sự quan tâm lúc này của nông dân nuôi cá là bao giờ dự thảo nghị định về cá tra, trong đó có giá sàn mới đưa vào thực hiện khi trước đó vấn đề này cũng đã 2 lần được đề xuất áp dụng?

Cụ thể, vào khoảng tháng 7-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo giá sàn cá tra, cá basa và cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn đưa ra lấy ý kiến. Một trong những nội dung của dự thảo lần đó là xây dựng giá sàn mua cá nguyên liệu cho nông dân nhằm đảm bảo cho họ có lãi ít nhất 5%.

Theo dự thảo nghị định cá tra, giá sàn thu mua sẽ được tính toán dựa trên cơ sở gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm, nhân công, các khoản thuế, phí và các khoản chi phí hợp lý khác trong quá trình nuôi.

Trước đó, Vasep cùng 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam cũng đã thống nhất phương án áp giá sàn thu mua nguyên liệu của dân với giá 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại thời điểm đó hoàn toàn khác với tuyên bố được đưa ra, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu đều mua cá của dân dưới giá sàn (kể cả cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay cá quá lứa).

Ở những lần đề xuất trước đó, chính lãnh đạo của Vasep cũng từng khẳng định việc đưa giá sàn ra áp dụng rất là khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thu ký Vasep từng biết, lý do khiến giá sàn xuất khẩu cá tra (giá sàn được đề xuất lần thứ 2 vào khoảng tháng 7-2011) không áp dụng được bởi vì quy cách sản phẩm quá nhiều nên khó xác định được sản phẩm chuẩn để mà tính giá sàn.

Bên cạnh đó, có nhiều thị trường xuất khẩu với những quy cách sản phẩm khác nhau nên cũng khó quy về một sản phẩm chuẩn để đánh giá.

“Không chỉ vậy, vấn đề giá xuất khẩu cũng không có cơ sở để thống kê, giả sử giá sàn là 3 đô la Mỹ/kí lô gam nhưng khi doanh nghiệp khai báo hải quan họ chỉ khai báo xuất khẩu vậy thôi mình đâu có cơ sở thống kê lại được, thống kê cũng chỉ thống kê dựa trên cơ sở bình quân thôi, cuối cùng không phản ảnh được gì”, ông Hòe nói.

Lần này Vasep lại đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, đề xuất lần này có được áp dụng hay không vẫn chỉ là một dấu hỏi chưa có đáp án.

Lại chuyện giá sàn cá tra - 1

Giá sàn cho cá tra, một bài toán khó

Nông dân nuôi cá tra vẫn đang "chết"

Đề nghị ban hành giá sàn lần này có được áp dụng hay không vẫn chưa ai biết nhưng thực tế nông dân nuôi cá tra đang chịu "chết" từng ngày vì giá nguyên liệu liên tục lao dốc còn giá thức ăn cứ tăng cao lại quá rõ.

Hiện giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…, chỉ còn dao động quanh mức giá 18.000 – 20.000 đồng/kg (tùy loại).

Tại thị trường An Giang, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 0,8 – 0,9 kg/con, thịt trắng) chỉ còn 19.500 – 20.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt xấu hơn cũng nhanh chóng giảm xuống mức giá 18.000 – 18.500 đồng/kg, đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Theo tính toán của bà con nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL, với giá bán như hiện nay chắc chắn sẽ có 100% hộ nuôi cá rơi vào cảnh lỗ nặng với mức lỗ từ 3.000 – 6.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Tách, nông dân nuôi cá tra tại xã Phú Bình, huyện Châu Phú, An Giang nói: “Nghề nuôi cá tra bây giờ mệt mỏi lắm rồi chú ơi! Đầu tư nhiều, rủi ro do dịch bệnh cao nhưng khi bán cá thu lại chẳng được bao nhiêu, bán lứa này chắc tôi cũng nghỉ nghề luôn”.

Tuy nhiên, cũng có không ít hộ nuôi cá tại ĐBSCL dẫu biết lỗ nhưng vẫn đầu tư thả nuôi trở lại sau khi bán xong ao cá với lý do không nuôi bỏ ao trống để làm gì? Biết đâu đến thu hoạch giá cá sẽ tăng trở lại thì sao?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Chánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN