Lá sắn cũng “xuất khẩu”!

Đua nhau trồng sắn để bán lá cho thương lái xuất khẩu, nay thương lái không mua, nhiều nông dân điêu đứng

Thời gian qua, người dân ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành - Hậu Giang đua nhau trồng sắn (khoai mì) nhưng chỉ lấy lá và ngọn bán cho thương lái.
Dọc 2 bên Tỉnh lộ 925 vào trung tâm xã Đông Phước A, nhiều vườn sắn được trồng xanh mướt lá. Bà Đinh Thị Thanh Loan, cán bộ bảo vệ thực vật xã Đông Phước A, cho biết: “Phong trào trồng sắn lấy lá và ngọn đã có ở xã khoảng 2 năm nay. Ban đầu chỉ vài hộ trồng, đến nay đã lên vài chục hộ với diện tích khoảng 7 ha, tập trung ở 3 ấp: Phước Long, Phước Hưng và Hưng Thạnh”. Cây sắn được người dân trồng ven lộ và xen canh trong vườn cây ăn trái. Trung bình 1 công sắn sẽ thu hoạch được 1-1,5 tấn lá với lợi nhuận 1-1,5 triệu đồng.

Lá sắn cũng “xuất khẩu”! - 1

Ồ ạt trồng sắn để bán lá, đến nay thương lái không mua, nông dân lo lắng


Bà Nguyễn Thị Trâm (ngụ ấp Phước Long) bộc bạch: “Thông thường khoảng 2 tháng là gia đình tôi thu hoạch lá và ngọn sắn bán cho thương lái, thương lái bán lại cho công ty, nghe nói là xuất khẩu ra nước ngoài”. Theo nhiều hộ trồng sắn, năm nay giá lá giảm, chỉ còn 1.200 đồng/kg, trong khi năm rồi là 1.500 đồng/kg. Mấy tháng nay, thương lái lại chậm mua hàng, chừng 2-3 tháng mới đến, mỗi lần mua chỉ khoảng 1 tấn. Trong khi năm rồi, chừng 10 ngày là họ mua khoảng 6-7 tấn. Nhiều người trồng sắn cho biết: Năm rồi nước ngập làm cây sắn chết nhiều, nên lá hút hàng, do vậy giá cao. Năm nay, xã có đê bao chống lũ, thêm vào đó nhiều hộ ồ ạt trồng, hàng dư nhiều nên bị thương lái ép giá.

Thương lái không thu mua, nhiều hộ dân như ngồi trên lửa khi nhiều công sắn đã quá ngày thu hoạch. Bà Đặng Thị Hồng Cúc (ngụ ấp Phước Long) chán nản: “Tôi có 10 công sắn trồng xen với cam sành, giờ cây sắn cao gần 1,3 m mà gọi điện năn nỉ mãi nhưng thương lái không đến mua. Bón bao nhiêu phân cho cam sành thì bị cây sắn “hút” hết, làm cây cam không phát triển được. Nếu vài ngày tới không bán được, chắc tôi đốn hết sắn”.

Thương lái tên Giang, thu mua lá sắn tại xã Đông Phước A: “Tôi thu mua lá và ngọn sắn của dân rồi bán lại cho Công ty Phú Thành ở KCN Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang-PV). Nghe nói công ty này mua để xuất khẩu đi nước ngoài. Mấy tháng nay, tôi không đi gom nữa vì công ty tồn hàng, chưa xuất được”.

Theo bà Loan, thương lái thu gom lá và ngọn sắn là người trong xã, chứ không phải là thương lái “bí ẩn” như một số thông tin đã nêu. “Cây sắn trồng lâu năm xen canh với vườn cây ăn trái, nếu không bổ sung chất dinh dưỡng sẽ gây xói mòn đất. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên trồng thêm và nếu người nào muốn chuyển đổi cây trồng từ sắn sang các loại cây ăn trái khác thì ngành nông nghiệp xã sẽ hướng dẫn” - bà Loan nói. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không muốn chặt bỏ cây sắn vì loại cây này không bị sâu bệnh, giống sẵn có, chỉ tốn nước tưới và phân bón nên chi phí không nhiều, lại cho thu nhập cao.

Dè chừng thương lái Trung Quốc

Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Châu Thành, cho biết: Cây sắn được trồng chủ yếu ở xã Đông Phước A và chủ trương của huyện sắp tới là không mở rộng diện tích vì nếu trồng nhiều, cung vượt cầu, thương lái sẽ ép giá. Lá sắn sau khi mua về sẽ được sấy khô, đóng gói xuất khẩu sang châu Phi hoặc làm chất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi. “Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, nếu có thương lái Trung Quốc đến huyện thu mua hoặc thuê người trồng cây nông nghiệp sẽ có biện pháp ngăn chặn” - ông Hành khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ca Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN