Hơn 99% "hàng tiêu dùng Korea" Mumuso nhập từ Trung Quốc

Theo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương, 99,3% hàng hóa của công ty Mumuso nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

Thời gian qua, Mumuso bị cáo buộc mạo danh Hàn Quốc để bán hàng Trung Quốc. Theo kế hoạch, Mumuso sẽ phát triển 80 cửa hàng, các địa điểm tập trung ở TP.HCM và Hà Nội.

Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1809/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam.

Hơn 99% "hàng tiêu dùng Korea" Mumuso nhập từ Trung Quốc - 1

Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Thanh tra Bộ), Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Bộ Y tế (Thanh tra Bộ), Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 12/7, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công tyTNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31/5/2018. 

Theo kết luận kiểm tra, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa: Công ty kinh doanh 2273 loại hàng hóa, trong đó, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Nhãn hiệu MUMUSOKR đã được đăng ký bởi Công ty TNHH MUMUSOKR, địa chỉ: 601, 47 SEJONGDAERO 23-GIL, JONGRO-GU, SEOUL (KR). Công ty sử dụng nhãn hiệu MUMUSOKR theo ủy quyền của Công ty Mumuso Thượng Hải. Công ty Mumuso Thượng Hải là đơn vị có quyền sử dụng và quản lý nhãn hiệu MUMUSOKR trên toàn cầu theo ủy quyền của Công ty TNHH MUMUSOKR.

Tại thị trường Hàn Quốc, không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso.

Bộ Công Thương cho biết, công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, Công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Bên cạnh đó, công ty có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh (quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh).

Quá trình kiểm tra cho thấy, việc Công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; Giá chỉ từ 22.000; KOREA”; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc).

Công ty có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy: một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ bằng tiếng Việt nhưng có nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.

Ngoài ra, công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm. Quá trình kiểm tra phát hiện 02 mẫu sản phẩm mỹ phẩm có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty tiến hành thu hồi toàn bộ 02 loại mỹ phẩm nêu trên để chờ kết quả xử lý của cơ quan nhà nước.

Đoàn kiểm tra đã gửi 06 mẫu mỹ phẩm của Công ty để kiểm nghiệm giới hạn chì, arsen và thủy ngân. Kết quả kiểm nghiệm chất lượng mỹ phẩm do Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy các mẫu kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng các chỉ tiêu đã thử.

Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, Công ty có đấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Quá trình kiểm tra cho thấy Công ty không cung cấp chính xác thông tin liên quan đến trách nhiệm thông báo website đến Bộ Công Thương.

Mặt khác, Công ty còn có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thương mại khác. Cụ thể: Công ty không thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu MUMUSOKR. Công ty có hoạt động thương mại tại địa chỉ Trụ sở chính nhưng không làm thủ tục đăng ký đối với địa điểm kinh doanh. Công ty không thực hiện thủ tục thông báo tổ chức thực hiện khuyến mại đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một số Chương trình khuyến mại.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN