Hóa đơn điện tăng vọt: Vì sao EVN vẫn "đòi" quản lý công tơ?

Đã có khuyến nghị được đưa ra với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) rằng cần có một đơn vị riêng, tách biệt để cung cấp dịch vụ quản lý số liệu đo đếm (quản lý các công tơ điện) để tạo sự minh bạch, cạnh tranh và khách quan nhưng EVN lại chưa muốn.

Công khai cho người dân giám sát công tơ hàng tháng

Báo cáo trước Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại cuộc họp sơ kết ngày 1.7, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ông Nguyễn Tài Anh cho hay, tháng 5 và 6 vừa qua EVN đã nhận được hàng loạt các khiếu nại của khách hàng yêu cầu công khai, minh bạch việc ghi chỉ số điện tại công tơ và phản ánh biểu giá điện lũy tiến chưa phù hợp khiến hóa đơn điện của gia đình họ tăng vọt. Tập đoàn đã có báo cáo cụ thể tới Cục điều tiết điện lực để giải thích cho người dân.

Hóa đơn điện tăng vọt: Vì sao EVN vẫn "đòi" quản lý công tơ? - 1

Giải pháp mà Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra là tạo điều kiện cho người dân giám sát việc ghi công tơ hàng tháng. Việc cho khách hàng kiểm soát việc ghi chỉ số công tơ hàng tháng theo vị Phó Tổng Giám đốc của EVN, là nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động này.

Điều đáng nói, trước đó, Liên doanh tư vấn Intelligent Energy Systems và SW Advisory (Úc) hồi tháng 3 vừa qua đã khuyến nghị EVN rằng, cần có một đơn vị riêng, tách biệt để cung cấp dịch vụ quản lý số liệu đo đếm (quản lý các công tơ điện) để tạo sự minh bạch, cạnh tranh và khách quan. Đơn vị này sẽ hoàn toàn tách biệt với đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải điện. Đơn vị này có điều kiện phải cung cấp dịch vụ với chi phí nhỏ nhất. Tuy nhiên, EVN vẫn “đòi” quản lý công tơ điện.

Muốn quản vì... có kinh nghiệm!?

Cụ thể, Công ty Mua bán điện (EPTC, thuộc EVN) lại đề xuất vẫn được tiếp tục thực hiện chức năng quản lý kỹ thuật hệ thống đo đếm này. EPTC cho rằng, đây là chức năng của EPTC đã được EVN giao cho. Chức năng này gồm: Thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống đo đếm điện năng, nghiệm thu, chốt chỉ số công tơ hàng tháng, kiểm tra định kỳ, xử lý sự cố...

“Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật hệ thống đo đếm” - đại diện EPTC nói.

Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, ông Trần Đình Long lúc đó đã cho rằng, muốn có thị trường điện cạnh tranh cần phải có sự cạnh tranh trong khâu quản lý công tơ điện.

“Điều này được đánh giá là bước tiến mới của thị trường điện để hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong tương lai với việc khách hàng (hộ tiêu dùng điện) có quyền được lựa chọn những nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh nhất” - ông Long đề xuất.

Với thực tế những hoài nghi về công tác ghi chỉ số công tơ điện khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt hiện nay, ông Trần Đình Long cho răng, càng thấy việc tách đơn vị quản lý công tơ điện là điều cần thiết càng sớm càng tốt.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu đo đếm công tơ điện hoạt động theo cơ chế cạnh tranh, tách biệt độc lập thì thị trường này tự thân nó sẽ xác định ra cách thức thực hiện việc ghi chỉ số công tơ với chi phí tối thiểu.

Điều này có nghĩa cơ chế thị trường sẽ lựa chọn ra đơn vị thực hiện một cách khách quan nhất theo tiêu chí giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng. Và không có gì minh bạch, rõ ràng hơn một đơn vị độc lập đo chỉ số công tơ cho người dân, ông Long khẳng định.

Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lên tiếng rằng: Trong công tác điều hành giá điện, giá xăng dầu và một số mặt hàng khác theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước nhưng cần phải minh bạch, công khai các yếu tố đầu vào, hạch toán các yếu tố hình thành giá đầu vào, đầu ra của sản phẩm thông qua công bố của các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để dư luận hiểu rõ và tin tưởng.

Liên quan đến minh bạch giá điện, ThS. Lưu Vũ Mai - Ngân hàng VPBank kiến nghị, trước mắt cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường điện phù hợp điều kiện Việt Nam để đảm bảo cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh được diễn ra theo trật tự, cạnh tranh, minh bạch, có mức giá hợp lý vào đầu năm 2016.

Đặc biệt, Chính phủ cần tích cực yêu cầu EVN sau khi hoàn tất việc thoái vốn khỏi bất động sản, cần tập trung vào khoa học công nghệ ngành điện, có như vậy mới hạ được giá thành điện nhờ lợi thế quy mô. Trong ngành điện, thế giới đều đi theo con đường này, không nên tăng giá điện lần nữa để lấy vốn đầu tư mới.

Bên cạnh đó, đại diện VPBank cũng kiến nghị, cần minh bạch giá điện, cơ cấu lại giá điện. Giá thành điện hiện nay của EVN còn nhiều khoản chi phí bất hợp lý, trong điều kiện giá đầu vào biến động. Nếu các yếu tố cấu thành giá được công bố công khai, minh bạch sẽ góp phần thu hút đầu tư. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ cảm thấy đang trả cho những khoản chi phí hợp lý, tránh những phản ứng tiêu cực về giá điện như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN