Hàng sạch xuất khẩu, hàng bẩn bán cho dân

Sự kiện: Kinh Doanh

“Có tình trạng xuất khẩu sạch nhưng dùng trong nước không sạch, thậm chí bẩn. Đây có phải câu chuyện bên trọng, bên khinh hay không?" Đây là câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT ngày 23/2.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, trong năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, tình hình thị trường có nhiều biến động, sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung…nhưng ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, có bước phát triển tích cực.

Hàng sạch xuất khẩu, hàng bẩn bán cho dân - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển 

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu ra những tồn tại, những câu hỏi trăn trở mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội nêu nhiều lần:

"Vì sao chúng ta là quốc gia có địa lý thuận lợi, khí hậu, đất đai màu mỡ, nước đủ, biển rộng, sông dài, người nông dân có kinh nghiệm ngàn đời nay không thua kém quốc gia nào trong khu vực nhưng nông sản của Việt Nam chưa ngang tầm với một số nước trong khu vực và thế giới. Một số sản phẩm là thế mạnh có biểu hiện thua kém, chất lượng chưa cao, giá trị thấp", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề: Tại sao thị trường nông nghiệp nước ta lại quá phụ thuộc Trung Quốc, chưa vươn xa, chưa chiếm thị phần quan trọng ở một số thị trường.

“Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, hoặc thương lái Trung Quốc o ép thì sản phẩm nông nghiệp lại bị lao đao. Bài này diễn ra thường xuyên từ quả dưa tới con lợn. Luôn luôn có bài được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tiếp đó, ông đặt câu hỏi: “Tại sao chưa bảo vệ tốt được môi trường để sản xuất canh tác sạch; sản phẩm nông nghiệp đã đảm bảo an toàn chưa? Đảm bảo rau, thịt cá sạch đáp ứng được mong mỏi người dân hay chưa?

“Có tình trạng xuất khẩu sạch nhưng dùng trong nước không sạch, thậm chí bẩn. Đây có phải câu chuyện bên trọng, bên khinh hay không? Đây là câu hỏi cần giải quyết”, ông Hiển nêu.

Mặt khác, theo ông Hiển, cơ sở hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng khả năng sản xuất, thậm chí ứng phó kém. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp. Đầu tư nông nghiệp chưa tương xứng, còn phân tán, thiếu tập trung, thiếu quy hoạch. Nông dân Việt Nam so với nông dân thế giới vẫn còn khoảng cách.

Nền tảng kỹ thuật chưa tốt, kể cả tổ chức, hướng dẫn và mối quan hệ liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước, chưa tốt.

Việc khai thác thị trường chưa tốt, chỉ chú ý tới thị trường dễ tính như Trung Quốc, chưa thực sự quan tâm tới thị trường khó tính và có phần nào chưa quan tâm tới thị trường trong nước.

“Bình Thuận có 25.000ha thanh long, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn thì có 450.000 tấn xuất sang Trung Quốc, nên họ chỉ ho cái là lo”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, ngành nông nghiệp phải có cuộc đấu tranh gay gắt, không khoan nhượng với sản xuất bẩn, sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất gắn liền với cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản xuất tập trung; áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa công nghệ sinh học vào sản xuất.

Tiếp thu những ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp Việt Nam với 13,8 triệu hộ, 78 triệu mảnh đất nhỏ lẻ… muốn tái cơ cấu rất khó. Bên cạnh đó là những thách thứ về biến đổi khí hậu, cạnh tranh khốc liệt của hội nhập. Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, bằng quyết tâm cao nhất, chúng ta vẫn có có thể làm được.

“Bộ sẽ hoàn thiện thể chế, bộ máy; tập trung cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm công vụ, đổi mới phương thức quản lý. Cùng với đó, rà soát, bổ sung kịp thời các vấn đề liên quan trọng xây dựng Nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức sản xuất...", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN