Hàng giả vào siêu thị

Nhiều loại hàng hóa bán tại các gian hàng tự doanh trong siêu thị (ST) là hàng nhái, giả, trôi nổi… gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo quy định, chính ST cũng liên đới chịu trách nhiệm trước tình trạng này.

Vô tư bán hàng giả

Quầy TX 094A tầng 2 ST Maximark 3/2 bán đủ loại túi xách, ví cầm tay nhãn hiệu Cheviot nhái, giả. Cùng một mẫu túi xách Cheviot nhưng nhân viên giới thiệu hàng chính hãng giá 1.060.000đ, còn hàng Trung Quốc (TQ) nhái, giả y hệt chỉ 590.000đ. Nhân viên bán hàng nói thẳng đây là hàng nhái và giải thích: “Nhiều người hỏi, so sánh với giá hàng ngoài chợ nên chúng tôi phải lấy hàng nhái bán”.

Ngoài ra, ở đây còn bán ví cầm tay giả hiệu Cheviot, Louis Vuitton… giá chỉ vài trăm ngàn đồng/cái. Ngoài hàng TQ nhái y chang, còn có mẫu ví do cơ sở trong nước nhái “na ná” chứ không giống hoàn toàn, giá trên 100.000đ/cái. Đáng nói, tất cả các mẫu túi xách nhãn hiệu Bally bán tại đây đều là hàng nhái, giả. Có sản phẩm giá đến 3,5 triệu đồng nhưng là hàng Hồng Kông giả hiệu Bally. Để tránh bị lực lượng kiểm tra phát hiện, cửa hàng này chỉ trưng bày một vài túi xách, ví cầm tay nhái, giả làm mẫu. Các nhân viên cho biết: “Nếu mua nhiều sẽ gọi cửa hàng khác mang qua”. Tại đây còn nhận đơn hàng đặt túi xách giả, nhái mẫu y chang túi xách của các thương hiệu lớn.

Hàng giả vào siêu thị - 1

Siêu thị nên giám sát chặt chẽ sản phẩm của các gian hàng tự doanh - Ảnh: Phùng Huy

Quầy kính mắt Ngọc Khang Phát ở tầng trệt Coopmart Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp cũng vô tư bày bán kính mát giả, nhái thương hiệu Gucci, Chanel… và giảm giá đồng loạt còn 100.000đ/cái. Muốn mua hàng fake 1 (hàng nhái giống hệt hàng thật) cũng có đủ các nhãn hiệu Rayban, Gucci, Police, Chanel… giá từ 800.000đ đến vài triệu đồng/cái. Nguồn gốc loại hàng này chủ yếu nhập từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…

Kế quầy mắt kính là cửa hàng bán mỹ phẩm trưng bảng hiệu phân phối nhãn hàng mỹ phẩm Mira nhưng trong tủ kính bày đủ loại nước hoa nhãn hiệu CK, Lacoste, Gucci, Chanel, Victoria… với đủ mức giá 315.000đ, 450.000đ, 1.200.000đ và được giới thiệu là hàng xách tay. Tại ST Vinatexmart Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) quầy mỹ phẩm Hoàng Bảo bán son, phấn, nước hoa nhái, giả, trôi nổi đủ thương hiệu Lancôme, Shiseido, MAC, Lovite, L’oréal… giá từ vài chục đến vài triệu đồng/sản phẩm. Khách muốn mua nhiều phải đặt hàng. Thực tế, chỉ người bán biết chứ người mua khó biết được sản phẩm thật giả.

Đùn đẩy trách nhiệm ?

Theo quyết định 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế ST, trung tâm thương mại (TTTM) thì hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại ST, TTTM phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; không được bán hàng giả nhái, kém chất lượng. Thương nhân kinh doanh ST, TTTM phải tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của ST, TTTM. Như vậy, khi các quầy tự doanh bán hàng nhái, giả, trôi nổi… thì không chỉ đơn vị bán hàng mà ngay cả ST cho thuê mặt bằng cũng liên đới chịu trách nhiệm.

Hàng giả vào siêu thị - 2

Nhiều gian hàng thuê trong siêu thị ngang nhiên bán hàng nhái, giả

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề, các ST đều khẳng định trong hợp đồng cho thuê mặt bằng có quy định yêu cầu bên tự doanh không được bán hàng nhái, giả, trôi nổi, quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng… Theo đại diện Coopmart, các đơn vị tư doanh tự chịu trách nhiệm về giấy phép kinh doanh, nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác có liên quan, bao gồm xuất xứ, chất lượng hàng hóa,… theo quy định của pháp luật hiện hành dưới sự kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng. Đại diện Vinatexmart cũng cho biết, trong quá trình kinh doanh, một số trường hợp không thực hiện đúng quy định, dẫn đến sự khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp này, hộ kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa bán ra và tự giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Bà Phạm Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Maximark 3/2, cho biết: “Đối với các quầy kinh doanh vi phạm, chúng tôi sẽ lập biên bản cảnh cáo - cho niêm phong quầy. Nếu vi phạm nhiều lần gây hậu quả ảnh hưởng đến uy tín của ST, chúng tôi sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng”.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM, trong trường hợp người tiêu dùng (NTD) mua hàng hóa tại quầy tự doanh trong ST, TTTM có khiếu nại về hàng hóa mà bị chủ quầy từ chối không giải quyết thì có quyền khiếu nại với đơn vị kinh doanh ST, TTTM và các đơn vị này phải có trách nhiệm trả lời cho NTD nếu có vấn đề liên quan, phát sinh từ việc mua hàng. “Cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng bán hàng chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật. Tổ chức, đơn vị kinh doanh ST cũng phải chịu trách nhiệm liên đới”, ông Phương khẳng định.

Ngoài chấp hành theo quy định, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa bán trong ST là trách nhiệm của ST, cần giám sát thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và giữ uy tín ST. Vấn đề là tuy đại diện các ST đều mạnh miệng tuyên bố sẽ thẳng tay ngưng hợp đồng nếu bên thuê vi phạm, nhưng thực tế hàng hóa giả, nhái vẫn bày bán tràn lan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cẩm (Phụ nữ TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN