“Gạo Việt không đáng bị bán rẻ”

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Bích - Phó ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương) về giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam hiện nay.

Bích cũng cho rằng, việc Thái Lan tuyên bố xả kho dự trữ gạo không có gì quá ảnh hưởng tới XK gạo của VN...

Ông bình luận gì về các chính sách lúa gạo của Thái Lan thời gian gần đây, nó ảnh hưởng như thế nào tới chính sách và XK gạo của VN?

- Thông tin Chính phủ Thái Lan sẽ giảm giá thu mua tạm trữ gạo nhằm hạ giá gạo XK, đồng thời chuẩn bị xả kho gạo tạm trữ (khoảng 17 triệu tấn) đã khiến nhiều người quan ngại XK gạo của VN bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi cho đây là hoạt động bình thường vì họ mua gạo vào kho, thì cũng bán gạo từ kho ra.

Chưa kể, Thái Lan từ xưa đến nay luôn tuyên bố như vậy, nhưng việc họ bán gạo ra như thế nào lại là chuyện khác. Các chính sách gạo của họ vẫn thế không có gì mới cả. Gạo VN do đó chẳng có gì phải quá lo lắng về các chính sách lúa gạo của Thái Lan cả.

“Gạo Việt không đáng bị bán rẻ” - 1

Theo ông Nguyễn Đình Bích , chúng ta không nên vì lo ngại mà giảm giá xuất khẩu gạo.

Vậy thông tin Chính phủ Thái Lan tiếp tục gia hạn chương trình hỗ trợ giá mua tạm trữ gạo và tiếp tục mua gạo tạm trữ ở mức 15.000 baht/tấn cho giá lúa tẻ thường đến 15.9, có ý nghĩa như thế nào với ta, thưa ông?

"Thái Lan không hạ giá gạo XK tại sao họ vẫn xuất được. Ta xuất giá thấp thì được lợi gì? VN tăng giá gạo lên vẫn hoàn toàn có thể XK tốt. Chúng ta chỉ "nghe" đã lo hạ giá”.

Ông Nguyễn Đình Bích

- Họ mua gạo tạm trữ với giá 15.000 baht, vì thế để XK không bị lỗ, thì họ phải bán gạo ở mức 800-850 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo hiện đã xuống trên dưới 500 USD/tấn, họ không thể xuất được vì sẽ bị lỗ. Do vậy, tôi cho giá gạo XK của Thái Lan sẽ không thể giảm, nên chúng ta không nên lo ngại giảm giá XK gạo của mình xuống.

Có vẻ như, Thái Lan không quan tâm tới việc họ xuất được bao nhiêu gạo hay đứng thứ mấy về XK gạo. Họ vẫn đẩy giá thu mua lúa gạo cho nông dân lên mức có lãi?

- Có thể hiểu chính sách này của họ chỉ là "tiền từ túi người nọ đổ sang người kia", chứ bản thân Thái Lan và ngành XK gạo của nước này không được gì. Tiền mua gạo tạm trữ là tiền ngân sách, tiền thuế của người dân Thái Lan bỏ ra. Nông dân Thái được lợi, nhưng người Thái khác thì không. Hiện gạo của họ vẫn tồn trong kho và vẫn bị thua lỗ so với giá thị trường, bởi với giá cao như vậy thì làm sao Thái Lan xuất nhiều được. Dù vậy, nhưng chính sách này của họ vẫn được ủng hộ vì nông dân Thái cần được bảo hộ.

Do lo ngại Thái Lan xả kho, mới đây Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã tuyên bố hạ mục tiêu XK gạo năm nay từ 8 triệu tấn xuống còn 7,5 triệu tấn và cho biết, DN VN sẽ chấp nhận giảm giá để tăng tốc XK. Theo ông, việc đánh đổi này có đáng không?

- Tôi không đồng tình với việc giá gạo VN phải bán rẻ như thế. Không cần so với Thái Lan vì gạo VN chưa bao giờ cao hơn Thái Lan, mà so với Ấn Độ, Pakistan thì gạo của mình từ xưa không rẻ hơn họ, vậy mà chúng ta vẫn XK lớn. Năm nay, tự nhiên gạo VN bị kéo xuống thấp hơn các nước này tới 70 USD/tấn là điều rất vô lý. Gạo VN không đáng phải bị bán rẻ như thế, cá nhân tôi cho đây là chính sách không đúng.

Vậy theo ông, từ nay tới cuối năm, XK gạo của VN sẽ phải như thế nào mới đem lại hiệu quả và chính sách lúa gạo của VN nên đi theo hướng nào?

- Đây là câu hỏi lớn, nhưng tôi chỉ nói thế này, chúng ta có quyền và phải giữ giá gạo của chúng ta, giống như cô gái đẹp phải có giá của nó, còn làm thế nào cho đẹp thì lại là quyền của chúng ta. Vì một thời gian dài, gạo VN nằm ở giá thấp đã dẫn tới việc tự đánh mất sức cạnh tranh của mình, bởi lẽ các đối tác mua gạo của VN đã quen với mức giá thấp và không chấp nhận việc tăng giá. Từ đó dẫn đến chuyện gạo VN xuất nhiều nhưng giá trị không cao.

Xin cảm ơn ông! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN