Giáp Tết, giá nông sản, thực phẩm lại "nhảy múa"

Tết Nguyên đán tới gần cũng là lúc các loại hàng hóa nông sản, thực phẩm được tung ra với số lượng lớn phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá tăng, chất lượng chưa đảm bảo vẫn là vấn đề gây nhức nhối.

Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán như thực phẩm khô, bánh mứt kẹo... hiện đã tràn ngập chợ. Các quầy hàng đang chào bán giá măng lưỡi lợn 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; măng vầu búp 220.000 đồng/kg; tăng 20.000 đồng/kg; măng mầm loại ngon 260.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg.

Tương tự, một số loại nấm giá hiện tại giá cũng được đẩy tăng thêm từ 30.000-40.000 đồng/kg. Cụ thể, nấm hương rừng 330.000 đồng/kg, nấm trắng loại 2 có giá 380.000 đồng/kg, loại 1 giá 480.000 đồng/kg...

Các loại hạt như: Hạt bí ta loại nhỏ giá 150.000 đồng/kg, loại to giá 160.000 đồng/kg, hạt điều giá 200.000 đồng/kg, hạt dẻ 280.000 đồng/kg, hạt hướng dương giá từ 60.000-80.000 đồng/kg. Các loại mứt hạt sen, mứt dừa dẻo, mứt bí, mứt hồng khô tăng khoảng 10-15%.

Giáp Tết, giá nông sản, thực phẩm lại "nhảy múa" - 1

Giáp Tết, giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm đều tăng. Nguồn: Internet

Theo bà Vũ Thanh Thủy, Phó phòng Quản lý chợ Đồng Xuân, thời điểm này, hàng hóa bắt đầu tăng giá. Đặc biệt, càng gần Tết, thì giá cả càng có nhiều biến động, dự kiến năm nay, số lượng hàng hóa phục vụ Tết sẽ nhập với giá cao hơn, người tiêu dùng cần cân nhắc để lựa chọn sắm Tết cho mình vào thời điểm phù hợp, để có giá cả và chất lượng tốt.

Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân nhận định: Là chợ đầu mối lớn nhất, giữ vai trò quan trọng đối với hệ thống bán lẻ ở khu vực các tỉnh thành phía Bắc, nhưng hàng hóa ở chợ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện lượng người "đổ" về chợ Đồng Xuân chủ yếu là tư nhân mua buôn, người tiêu dùng lẻ chưa nhiều.

Có thể thấy rằng, trong cơ cấu hàng hóa phục vụ Tết tại chợ Đồng Xuân, hàng không rõ xuất xứ chiếm đến 60 -70%. Đặc biệt, là đồ khô, ô mai, mứt tết chiếm tỉ lệ lớn.

Dạo một vòng quanh chợ có thể thấy các loại bánh, mứt, kẹo được bày bán đều được đóng trong túi nylon lớn, không có nhãn mác, thường bán sỉ, bán lẻ cho khách mua theo cân với giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước. Một số hộ kinh doanh bánh mứt kẹo Trung Quốc đã đóng gói hàng vào các túi nylon nhỏ, in kèm nhãn mác các cơ sở sản xuất không có thực để vào bên trong bao bì sản phẩm, mục đích để biến hàng nhập lậu thành hàng nội.

Ngoài chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên cũng là một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hà Nội, từ lâu đã trở thành chợ tập kết nông sản, thực phẩm bán đi khắp ngả của Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một cửa hàng "đánh" đồ Trung Quốc cho biết, rau, củ quả Trung Quốc ngập tràn trong chợ với hình thức bắt mắt hơn hẳn rau củ quả trong nước. Từ nhánh tỏi, củ gừng cũng to và bóng hơn, đến hoa quả thì căng mọng, tươi rói. Nông sản trong nước không thiếu, nhưng do giá rẻ nên rau củ quả Trung Quốc vẫn tràn ngập khắp các chợ.

Theo các tiểu thương ở chợ Long Biên, Tết là mùa bán hoa quả. Trong nước đang rộ mùa hoa quả như cam, quýt, nhưng cam, quýt Trung Quốc vẫn tràn ngập chợ, bán với giá rất rẻ. Một thùng 15kg cam, quýt to chỉ có 150.000 đồng, rẻ như rau.

Nếu người mua băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ, phần lớn người bán lẻ giải thích qua loa đây là quýt miền Nam, nhưng vẫn có người khẳng định là quýt Trung Quốc.

Tại các chợ đầu mối, nông sản được nhập về là hàng Trung Quốc không ai biết chất lượng ra sao, độc hại thế nào, nhưng cũng hàng đó khi đến các chợ lẻ, lập tức trở thành... hàng Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN