Giá nhiều mặt hàng tại siêu thị sẽ tăng 5-10%
Trong khi giá cả ngoài chợ được các tiểu thương cố gắng giữ không tăng thêm sau đợt điều chỉnh mạnh cuối tháng 8, thì tại hệ thống các siêu thị, vào đầu tháng 10 tới, dấu hiệu tăng giá nhiều mặt hàng xuất hiện khi nhiều nhà cung cấp rục rịch đánh tiếng sẽ điều chỉnh.
TPHCM, nhà cung cấp đòi tăng
Tại một số chợ trên địa bàn TPHCM ngày 25-9, theo các tiểu thương, một số mặt hàng có điều chỉnh tăng, giảm giá là do yếu tố thời tiết và mùa vụ.
Cụ thể, tại chợ Bến Thành (quận 1), giá tôm sú sống giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg, cua biển tăng 10.000 đồng/kg, các loại sò, ốc tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Do thời tiết mưa nhiều, các loại rau xanh dễ hỏng, khiến giá tăng nhẹ. Một số loại rau như cải thảo, cải ngọt, xà lách xoong, dưa leo, khổ qua tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg; cà chua, cà rốt, xà lách tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Trái lại, một số loại rau như cải rổ, cải xanh, ớt xanh lại giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Các loại thịt heo, bò, gà đều đứng giá.
Từ đầu năm đến nay, thực phẩm đã có 4-5 đợt tăng giá.
Trong khi đó, nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM sau một thời gian nỗ lực giữ giá, hiện cũng đang đau đầu với bài toán giá cả. Đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay đã nhận được đề nghị điều chỉnh tăng giá sản phẩm của khoảng gần chục nhà cung cấp hàng hóa, tập trung vào nhóm hàng may mặc, hàng tiêu dùng nhựa, hóa mỹ phẩm, với mức đề nghị tăng giá khoảng 4 - 10%.
“Tuy nhiên, chúng tôi không thể áp dụng mức giá tăng như đề nghị, vì đang trong tháng khuyến mãi, mặt khác việc tăng giá cần có lộ trình và nếu tăng cũng phải áp dụng mức giá phù hợp để tránh gây “sốc” cho người tiêu dùng”- vị này cho biết.
Theo đó, đại diện Co.op mart khẳng định nếu nhà cung cấp cứ khăng khăng tăng giá sẽ buộc phải tìm nguồn hàng khác thay thế. Siêu thị Maximark Cộng Hòa nhận được thông báo tăng giá của khoảng 20 nhà cung cấp.
Dự kiến vào đầu tháng 10 tới, Maximark sẽ thực hiện áp giá mới với mức tăng thêm trong khoảng 5%. Hệ thống siêu thị Citimart cũng đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 100 nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm... với mức tăng 10 – 15%. Trong đó, mặt hàng sữa Cô gái Hà Lan đã thực hiện tăng giá 5% từ ngày 15-9.
Hà Nội: Giá neo ở mức cao
Chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn giữ nguyên so với tháng trước. Cụ thể, mặt hàng rau xanh như: rau muống, mùng tơi, cải xanh, rau khoai lang... đều có giá dao động từ: 5.000 - 7.000 đồng/mớ.
Thịt lợn có giá từ: 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy từng loại thịt...Theo các tiểu thương giá cả tháng 8 tăng mạnh do xăng tăng nên sang tháng 9 giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm hiện giữ không dám tăng thêm.
“Giá rau, thịt từ đầu năm đã tăng 4 - 5 đợt, người dân thắt chặt chi tiêu hơn khiến hàng quán ế ẩm. Nếu nhích lên một giá cũng khiến tâm lý người đi chợ không dám mua các mặt hàng đó nữa”, một tiểu thương cho hay.
Đang vào tháng khuyến mại nên các siêu thị như: Fivimark, Co.op mart, Hapro... xác định giữ nguyên giá bán.
Bà Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Hapro cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị chúng tôi chưa tăng giá bất kể mặt hàng nào. Nếu các đơn vị cung cấp không tăng giá thì chúng tôi vẫn giữ nguyên mặt bằng giá cả từ sau tết 2012 cho đến cuối năm”.Đại diện siêu thị Bic C cho hay, nếu có tăng giá thì cũng chỉ có dịp Tết năm 2013 sắp tới khi sức mua tăng đột biết.
“Vì Tết phải nhập nhiều mặt hàng mới, nguồn cung từ nhà sản xuất cũng hạn chế nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá. Trong năm qua, sức mua tại siêu thị giảm đáng kể nên đến thời điểm này chúng tôi phải tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để tăng sức mua. Mặt bằng lương thực, thực phẩm trong siêu thị luôn cao hơn ngoài chợ truyền thống nên nếu có tăng thì chúng tôi phải cân nhắc rất cẩn thận tránh gây tâm lý hoang mang cho khách hàng”, đại diện siêu thị Big C cho biết.
Phải kiểm soát chặt luồng tiền
Theo ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục thống kê, với đà CPI tăng như hiện nay, nếu không kiểm soát chặt chẽ luồng tiền thì lạm phát cả năm 2012 khó giữ được ở mức 7%. Đây chính là mấu chốt của ba tháng cuối năm. Ông Thức phân tích: Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng lên khá nhiều trong mấy tháng vừa rồi, gần đây là 10%. Khi M2 tăng, nó tác động trực tiếp vào lạm phát. Chính phủ đặt mục tiêu CPI cả năm trong vòng 7-8%, cũng phải tính toán rất kỹ càng các chính sách điều hành sắp tới. “Nếu để lạm phát bình quân 1%/tháng vào 4 tháng cuối năm thì lạm phát bình quân theo năm sẽ là 2 con số. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô vào năm 2013” - ông Thức nói. “Giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện có thể tăng. Lạm phát tháng 9 tăng mạnh thế là rất không bình thường” - một chuyên gia kinh tế nói. Bảo Anh |