Đùm cơm đi mót loài hoa thơm lừng ở các cánh rừng Lạng Sơn

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời điểm này, khi các chủ rừng ở xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình(Lạng Sơn) thu hoạch xong hoa hồi cũng là lúc những người đi mót hoa hồi bắt đầu vào mùa làm ăn. Lấy công sinh lời, mỗi ngày họ dậy từ sáng sớm, mang theo cơm đùm, cơm nắm rong ruổi khắp các cánh rừng, triền đồi để mót từng bông hoa hồi sót lại hoặc rơi vãi dưới gốc cây. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng kiếm được một số tiền trang trải cuộc sống.

Theo ông Lý Văn Thòn, Chủ tịch UBND xã Bằng Khánh (huyện Lộc Bình), toàn xã có trên 25ha rừng hồi, mỗi năm cây hồi cho thu hoạch 2 mùa. Mùa hoa hồi chính vụ từ tháng 8-10, còn mùa trái vụ từ tháng 3 - 5. Thời điểm hiện tại, các chủ rừng đã thu hoạch xong hoa hồi.

Trên các cánh rừng, triền đồi, một số người dân đi mót hoa hồi còn sót lại trên cây, hoặc rơi vãi dưới gốc. Họ phần lớn là phụ nữ. Vì nghề này đòi hỏi tính cần cù, chịu khó và dẻo dai. Khác với những năm trước, năm nay số lượng người đi mót hoa hồi nhiều hơn, bởi giá hoa hồi khô tăng cao, lên mức 60 – 80.000 đồng/kg (tăng 20 đến 30 nghìn đồng/kg so với năm ngoái).

Đùm cơm đi mót loài hoa thơm lừng ở các cánh rừng Lạng Sơn - 1

Ngày nào bà Hoàng Thị Tân cũng cùng một số người dân trong thôn tỏa ra khắp cánh rừng hồi để mót những bông hoa hồi còn sót lại dưới gốc.

Bà Hoàng Thị Tân ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh cho biết: “Nhà ít ruộng, ít đất, mùa này không có gì làm nên tôi tranh thủ đi mót hoa hồi kiếm thêm ít tiền. Tôi và 2 người cùng thôn rủ nhau mang cơm nắm, cơm đùm lặn lội lên rừng hồi để mót hoa hồi còn sót lại trên cây hoặc rơi dưới gốc. Bình thường mỗi ngày tôi mót được 4- 5  kg, có ngày không may mắn chỉ được 1 - 2 kg hoa hồi, bán được từ 70 -100.000 đồng/kg tùy vào hoa hồi xấu hay đẹp”.

Để có được số tiền đó, bà Tân và những người khác phải dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ 2-3 km mới đến những rừng hồi trong xã để mót hoa hồi. Theo bà Tân, với những người còn dẻo dai và có sức khỏe thì trèo lên cây hồi mót, họ đảo mắt tìm kiếm những bông hoa hồi còn sót lại, sau đó dùng chiếc móc sắt để khều từng bông hoa hồi rụng xuống gốc rồi mới xuống nhặt.

Thường thì loại hoa hồi tươi này sau khi lấy về phơi khô sẽ được giá hơn vì có màu vàng đẹp. Còn đối với những người già yếu hơn thì họ chỉ đi nhặt những bông hoa hồi rơi dưới gốc, họ mang dao phát một lượt quanh gốc rồi dùng tay trái gạt lớp lá hồi rụng dưới gốc, tay phải nhặt những bông hoa hồi trồi lên.

Loại hoa hồi này thường có giá rẻ hơn chỉ từ 30- 50.000 đồng/kg do rơi xuống đất lâu ngày nên có màu đen. So với các nghề làm thuê mà những người dân nghèo lấy làm kế sinh nhai thì nghề mót hoa hồi khá nhẹ nhàng, đơn giản. Chỉ cần vào những rừng hồi, chưa ai mót và nhanh tay, nhanh mắt cộng thêm một chút may mắn nữa là trung bình mỗi ngày có 200 - 300.000 đồng bỏ túi.

Tuy nhiên nghề này cũng có nguy hiểm, theo bà Tân chia sẻ: “Khi vào rừng mót hoa hồi, chúng tôi đối mặt với việc bị muỗi cắn, ong đốt và thường xuyên chạm mặt rắn, rết, có khi bới trúng cây gai bị cắm vào tay đau mấy ngày liền”.

Cũng giống như bà Tân, bà Nguyễn Thị Năm, ở cùng thôn cũng “hành nghề” mót hoa hồi. Bởi trước mắt nghề này đang mang lại thu nhập tương đối cho bà. Bà Năm cho biết: “Nhà tôi có 1ha hồi đã thu hoạch xong, tranh thủ lúc nông nhàn, tôi theo các chị em đi vào rừng khác mót lại. Từ đầu vụ tới nay tôi cũng mót được khoảng 50 kg hoa hồi khô rồi”.

Đùm cơm đi mót loài hoa thơm lừng ở các cánh rừng Lạng Sơn - 2

Bà Hoàng Thị Tân với những bông hoa hồi nhặt được sau một ngày đi mót.

Đang là thời điểm nghỉ hè nên nhiều em học sinh cũng theo người lớn đi mót hoa hồi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hàng ngày em Nguyễn Thị Tuyết, học sinh trường THCS Bằng Khánh cũng lên rừng đi mót hoa hồi.

Em Tuyết chia sẻ: “Ngồi dưới gốc cây cả ngày rất mỏi, hay bị muỗi cắn… nhưng vì nhà nghèo nên năm nào em cũng đi mót hoa hồi để tự gom tiền mua quần áo, sách vở,… phụ giúp bố mẹ. Mỗi ngày được trên dưới 2kg, bán được trên 100 - 150.000 đồng, số tiền tuy ít nhưng đó là những đồng tiền đầu tiên em làm được nên em rất vui”.

Theo ông Lý Văn Thòn, Chủ tịch UBND xã Bằng Khánh, việc đi mót hoa hồi là việc làm tốt, bởi mang lại thu nhập cho những người rảnh rỗi, chống lãng phí. Nhờ nghề này, nhiều gia đình trong xã đã mua được những vật dụng có giá trị như quạt điện, ti vi, tủ lạnh, chăn, đệm…

"Đối với các em học sinh nhỏ tranh thủ dịp nghỉ hè cũng tự kiếm tiền mua được quần áo, sách vở cho bản thân khi bước vào năm học mới. Ngoài ra, nghề mót hoa hồi còn là việc làm giúp cho rừng hồi thêm sạch sẽ hơn, hạn chế mầm sâu bệnh lưu lại trong quả từ vụ này sang vụ khác...", ông Lý Văn Thòn.

Nghề ”hái” ra tiền khủng ở Đắk Nông: Săn chuối hột rừng đại bổ

Mặc dù chỉ được xem là nghề tay trái nhưng nhiều người dân ở Tuy Đức (Đắk Nông) đã "hái ra tiền" nhờ việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Văn Hương ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN