Dừa khô bán giá ''rẻ bèo'' vẫn ế, nông dân khóc ròng

Trung Quốc siết chặt nhập khẩu khiến dừa Bến Tre rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/trái, nông dân lo lắng dừa ế ẩm. Nhiều cơ sở thu mua dừa tạm ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do tắc đầu ra.

Lượng dừa khô Bến Tre xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời điểm hiện nay đã giảm 80%.

Dừa khô rớt giá còn 2.000 đồng/trái

Hiện giá bán dừa khô ở Bến Tre giảm từ mức 6.500 đồng/trái nay chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/trái. Giá dừa giảm mạnh khiến thu nhập người trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở thu mua dừa cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ dừa nguyên liệu.

Ông Phạm Văn Tài ở ấp Long Trạch, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam có hơn 1ha dừa bày tỏ: “Mới sau Tết, giá dừa dao động trung bình 70.000 -80.000 đồng/chục (12 trái – PV), mỗi tháng thu hoạch hơn 1 thiên dừa (1.200 trái – PV) thu huê lợi 10 triệu đồng.

Nhưng khoảng gần 2 tháng nay giá dừa liên tục giảm, đến nay chỉ còn 20.000 đồng/chục, trong khi giá phân bón tăng cao bán dừa, nông dân không có lợi nhuận”.

Dừa khô Bến Tre rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/trái. Ảnh: ĐH

Dừa khô Bến Tre rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/trái. Ảnh: ĐH

Có gần 2ha trồng dừa, hộ ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Thanh Nam, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: “Hiện giá dừa khô xuống thấp, chi phí phân bón tăng cao, thời điểm này gia đình tôi chậm đầu tư chăm sóc vườn dừa. Dừa tới thời kỳ thu hoạch đang neo trái trên cây chờ giá được ngày nào hay ngày đó”- ông Hoàng chia sẻ.

Nhiều nơi ở vùng sâu, dừa của nông dân đến kỳ thu hoạch, nhà vườn kêu thương lái nhưng không có ai đến mua. Một số nơi thương lái hẹn mà không tới vì dừa ở các bãi tập kết đã đầy không còn chỗ chứa, một số bãi thì ngưng hoạt động vì bế tắc đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Tân (quê xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) – một thương lái mua dừa chia sẻ, mùa này dừa trong dân rất nhiều. Dừa mua dễ nhưng bán ra thì khó vì hầu như nhiều bãi chứa ở các cơ sở dừa đã quá tải nên họ không mua dừa vào, hoặc có mua nhưng rất chậm. Một số bãi thì tạm ngưng hoạt động nên không mua.

Thương lái đi thu mua dừa lỗ cả tiền nhân công thu hoạch, xăng dầu chuyên chở – ông Tân than thở.

Theo ghi nhận giá dừa hột (đã lột vỏ) trước đây từ 5.500 – 6.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 2.500 đồng/kg; cơm dừa giảm từ 14.000 -15.000 đồng/kg nay giảm một nửa, xuống còn 6.500 -7.000 đồng/kg. Còn chỉ xơ dừa thì hầu như không bán được.

Dừa khô đang bị ế ẩm, không tiêu thụ được. Ảnh: ĐH

Dừa khô đang bị ế ẩm, không tiêu thụ được. Ảnh: ĐH

Với giá này nhiều cơ sở thu mua dừa ngán ngại hoạt động vì càng làm càng lỗ. Ông Trần Văn Nhiều- Chủ cơ sở thu mua dừa dọc sông Mỏ Cày ở ấp Hội An, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, trước đây trung bình cơ sở ông tiêu thụ từ 5-10 thiên dừa/ngày.

“Thời điểm này, việc tiêu thụ dừa nguyên liệu rất khó khăn nên cơ sở tôi hạn chế nhập dừa vào bãi. Khoảng hơn 10 ngày nay cơ sở tôi chỉ tiêu thụ được 5 thiên dừa để giữ mối với thương lái quen chứ không dám tiêu thụ nhiều vì càng hoạt động thì càng lỗ”.

Dừa khô rớt giá đã kéo theo hệ lụy vỏ dừa, chỉ xơ dừa cũng bị bế tắc đầu ra. Ông Đoàn Văn Chẩn, Chủ cơ sở thu mua và chế biển các sản phẩm từ dừa bên bờ sông Mỏ Cày cho biết, cơ sở thu mua dừa của ông hiện nay hoạt động “2 bữa làm, 3 bữa nghỉ”.

Cũng theo ông Chẩn, ngoài thu mua dừa trái cơ sở ông còn làm chỉ xơ dừa nhưng cả tháng nay chỉ xơ dừa không bán được, tồn đọng số lượng lớn phải bán rẻ bèo từ 5.000 -10.000 đồng/cuộn 20kg cho dân mua về lấp ao thay cát.

Giải pháp nào “giải cứu” dừa khô đang ế ẩm?

Những ngày này, dọc hai bờ sông Thom và sông Mỏ Cày đoạn qua các xã Tân Hội, Đa Phước Hội, An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc)– nơi được xem là chợ dừa lớn nhất Miền Tây nay không còn nhộn nhịp như trước.

Dừa rớt giá thê thảm, nhiều cơ sở thu mua dừa dọc sông Thom tạm ngưng hoạt động nhiều ngày nay. Ảnh: ĐH

Dừa rớt giá thê thảm, nhiều cơ sở thu mua dừa dọc sông Thom tạm ngưng hoạt động nhiều ngày nay. Ảnh: ĐH

Dọc theo hai bờ sông Thom có hàng trăm cơ sở thu mua dừa và làm chỉ sơ dừa nhưng hiện nay nhiều cơ sở tạm ngừng hoạt động, một số cơ sở còn hoạt động cũng ở mức cầm chừng, thậm chí chấp nhận hoạt động lỗ để giữ chân lao động. Trên khúc sông Thom những ngày này cũng vắng bóng tàu ghe mua bán dừa.

Bà Lê Thị Phương Thúy, Chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, trên địa bàn xã có khoảng hơn 30 cơ sở làm chỉ sơ dừa dọc sông Thom, nhưng thời điểm hiện nay 50% cơ sở đã tạm ngừng hoạt động, số còn lại hoạt động cầm chừng do giá dừa đang rất thấp và nguồn chỉ xơ dừa làm ra không có nơi tiêu thụ.

Bến Tre có diện tích trồng dừa đứng đầu cả nước với 77.000 ha, sản lượng dừa đạt hơn 600 triệu trái/năm. Sản phẩm dừa Bến Tre có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, Châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...

Tàu thu mua vỏ dừa cũng nằm im tại bến. Ảnh: ĐH

Tàu thu mua vỏ dừa cũng nằm im tại bến. Ảnh: ĐH

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, nguyên nhân giá dừa xuống thấp chủ yếu do ảnh hưởng sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trên thế giới; giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa,... mà hiện tại các sản phẩm phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cũng đang thực hiện chính sách “Zero covid”, hạn chế nhập khẩu (kể cả tiểu ngạch); mặt khác Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc và không thể xuất khẩu qua Trung Quốc nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ.

Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa, đặc biệt là dừa trái lớn của Bến Tre, hiện đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được.

Dừa trái rớt giá kéo theo hệ lụy chỉ xơ dừa không bán được, tồn đọng khối lượng lớn. Ảnh: ĐH

Dừa trái rớt giá kéo theo hệ lụy chỉ xơ dừa không bán được, tồn đọng khối lượng lớn. Ảnh: ĐH

Về việc “giải cứu” trái dừa khô đang ế ẩm hiện nay, ông Nguyễn Văn Bé Sáu – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết, mới đây tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN&PTN, Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh Bến Tre xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, Châu Phi, EU,....

Cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre còn kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Còn về giải pháp tức thời hiện nay, ông Sáu cho biết, hiện Sở Công thương tỉnh Bến Tre vừa kiến nghị Sở Công thương tỉnh Lào Cai phối hợp sớm tổ chức hội nghị trực tuyến với một số doanh nghiệp nhập khẩu dừa của Trung Quốc và các doanh nghiệp xuất khẩu dừa của Bến Tre để tìm kiếm thị trường thúc đẩy xuất khẩu dừa Bến Tre sang nước này qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai).

Một số hình ảnh thu mua dừa ở chợ dừa dọc sông Thom:

Bãi thu mua dừa đã tạm ngưng hoạt động do giá dừa xuống thấp, hoạt động không có lãi. Ảnh: ĐH

Bãi thu mua dừa đã tạm ngưng hoạt động do giá dừa xuống thấp, hoạt động không có lãi. Ảnh: ĐH

Thương lái chở dừa bán cho các cơ sở thu mua ở chợ dừa sông Thom nhưng việc thu mua ở đây diễn ra rất chậm. Ảnh: ĐH

Thương lái chở dừa bán cho các cơ sở thu mua ở chợ dừa sông Thom nhưng việc thu mua ở đây diễn ra rất chậm. Ảnh: ĐH

Nhiều bãi thu mua dừa vắng lặng do giá dừa xuống thấp kỷ lục. Ảnh: ĐH

Nhiều bãi thu mua dừa vắng lặng do giá dừa xuống thấp kỷ lục. Ảnh: ĐH

Dừa khô đang tồn đọng rất nhiều, không đầu ra. Ảnh: ĐH

Dừa khô đang tồn đọng rất nhiều, không đầu ra. Ảnh: ĐH

Nguồn: [Link nguồn]

Loại cá ở Việt Nam có tiếng kêu lạ, trước nhà nghèo ăn, nay ”đổi đời” 800.000/kg

Khi bắt lên, chúng phát ra tiếng kêu éc éc giống con heo nên người dân nơi đây gọi chúng là cá heo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đông Hà ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN