Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lãi lớn

Trong khi các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định vụ đông xuân vừa qua, nông dân trồng lúa khó đảm bảo khoản lãi 30% như Chính phủ yêu cầu, thì các công ty lương thực lại thu được lợi nhuận cao từ hoạt động kinh doanh lúa gạo.

Hầu hết doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lương thực trong quí 1-2012 đều có lãi, thậm chí lãi lớn so với năm trước.

Theo báo cáo tài chính quí 1-2012 của Công ty cổ phần Xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm, đơn vị mà Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) vừa trở thành cổ đông lớn nhất (chiếm 60% vốn điều lệ) sau đợt tăng vốn điều lệ hồi cuối quí 1-2012, lợi nhuận sau thuế đạt 7,8 tỉ đồng, tăng đến 50% so với cùng kỳ 2011.

Ở Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Vĩnh Long, mặc dù lượng gạo bán ra trong quí 1 chỉ đạt hơn 56.000 tấn, giảm đến 75% so với cùng kỳ 2011, nhưng lợi nhuận sau thuế của quí 1-2012 cũng đạt 3,7 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2011.

Còn Công ty cổ phần Docimexco, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của tỉnh Đồng Tháp, cũng lãi 3,38 tỉ đồng trong quí 1.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong tháng 4 các doanh nghiệp đã giao 670.000 tấn gạo và lũy kế 4 tháng qua đã giao được gần 1,8 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 820 triệu đô la Mỹ - trị giá FOB (giao hàng tại mạn tàu).

Trong khi đó, yêu cầu phải bảo đảm cho người trồng lúa lãi tối thiểu 30%, theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, hầu như bất khả thi trong vụ đông xuân này. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, qua khảo sát thực tế sản xuất của nông dân, việc VFA nói mua lúa cho nông dân đảm bảo có lời 30% (trong chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 15-3 đến ngày 30-4-2012) đó chỉ là lời nói trên giấy.

Còn bà Phạm Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - tỉnh có 101.000 tấn gạo (quy ra thóc) nằm trong chương trình mua 1 triệu tấn gạo dự trữ, vào ngày 27-4 cho biết, cơ quan này và Sở Tài chính An Giang mới trình UBND tỉnh về cách tính giá thành lúa đông xuân và chờ UBND công bố. Theo bà Yến Nhi, An Giang vẫn chưa công bố giá thành sản xuất lúa là bao nhiêu nên không thể khẳng định giá lúa 5.000 đồng/kg, mua tại kho chứa của các doanh nghiệp lương thực, là đảm bảo lợi nhuận 30% cho người nông dân hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Thái ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN