Doanh nghiệp Việt đi thuyền thúng ra biển lớn

Các doanh nghiệp nước ngoài có tiền mặt và sẵn sàng thâu tóm bất cứ doanh nghiệp Việt nào.

“Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt đang như một đội thuyền thúng ra biển khơi để hội nhập” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví von như trên tại diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Vượt lên dẫn đầu” do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 17-8 tại TP.HCM.

Cũng tại diễn đàn này, nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho DN Việt đã được chia sẻ.

Nếu đuối sức buộc phải “hiến thân”

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty IPP Việt Nam, lo lắng: “Các DN Việt quá nhỏ so với các DN nước ngoài. Các DN nước ngoài có tiền mặt và sẵn sàng thâu tóm bất cứ DN Việt nào. Ngay như DN tôi, nhiều nhà đầu tư Thái Lan, Mỹ… cũng đang có ý định dòm ngó. Nếu đuối sức cạnh tranh, chúng tôi buộc phải hiến thân”.

Để không phải “hiến thân”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: Đừng nghĩ số lượng người giàu ở Việt Nam ít nên tiêu thụ hàng hiệu sẽ khó khăn. Khoảng 10% giới nhà giàu Việt Nam trong năm qua không hề bị ảnh hưởng nhiều vì khủng hoảng kinh tế, bằng chứng là sức mua tăng hơn so với mọi năm. Vấn đề là DN phải hiểu rõ khách hàng.

“Trước đây, chúng tôi mở các cửa hàng và cứ nghĩ khách đi bộ sẽ vào mua. Nhưng không phải vậy, tín đồ hàng hiệu mua hàng vì họ… mê. Thế nên chúng tôi mở ngay những quầy hàng trong những khách sạn, sau đó mời khách hàng đến tham quan. Chi phí thuê mặt bằng cao nhưng lượng khách tăng gấp nhiều lần” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Là DN chế biến xuất khẩu thủy sản lớn và được mệnh danh là “vua tôm”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, DN ông luôn đề ra chiến lược cạnh tranh kiểu đón đầu. Chẳng hạn, năm nay công ty đã nghiên cứu trong 2-3 năm tới phải làm sản phẩm gì để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm không chỉ phải mới, chất lượng, mà luôn làm sao để chi phí giá thành xuống mức thấp nhất có thể để qua đó có khả năng cạnh tranh.

Doanh nghiệp Việt đi thuyền thúng ra biển lớn - 1

Giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2015.Ảnh: HTD

“Mới đây Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ngành tôm sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DN có thị trường riêng, làm sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng thì không có gì phải lo” - ông Quang lạc quan.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Coteccons, cho hay ông không lo sợ trước sự cạnh tranh từ các DN xây dựng nước ngoài. Bởi hiện tại DN làm không hết việc vì khách hàng luôn tìm đến.

Ông Dương nói: “Để làm được điều này, yếu tố hàng đầu vẫn là chất lượng công trình, sau đó là tối ưu hóa năng suất lao động. Ví dụ: Một công trường trước đây có ba công nhân nhưng bây giờ chỉ cần một làm vẫn hiệu quả. Mặt khác chúng tôi luôn cập nhật công nghệ xây dựng mới nhất của thế giới, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tốt, chọn nhà đầu tư uy tín”.

Nguy cơ bị nuốt chửng

Theo khảo sát của VCCI, trong số các DN đang hoạt động tại Việt Nam, các DN có quy mô lớn chỉ chiếm 2%, vừa cũng khoảng 2%, còn lại 95%-96% là nhỏ và siêu nhỏ. “Nếu hội nhập, chắc chắn sẽ bị những “con sói” đa quốc gia nuốt chửng” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cảnh báo.

 “Ngay cả các DN được coi là lớn của Việt Nam vẫn nhỏ so với DN thế giới. Do vậy cần tăng năng lực cạnh tranh để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. DN nhỏ và vừa nên hợp tác kinh doanh với DN lớn hoặc tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực” - ông Lộc gợi ý.

Chia sẻ về cách hỗ trợ để DN tăng sức cạnh tranh, bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Amata Việt Nam, cho biết DN nhỏ và vừa của Thái Lan sống khỏe vì chính sách kinh tế ổn định. Họ được nhà nước cung cấp nhiều dịch vụ, ưu đãi. Thái Lan cũng coi dịch vụ mới là ngành thúc đẩy sự phát triển kinh tế chứ không phải ngành bất động sản.

“Nhật Bản cũng giúp DN nhỏ và vừa của họ phát triển. Ví dụ DN ở một quận tại TP Tokyo làm ra sản phẩm, muốn mở thị trường thì chính quyền thành phố hỗ trợ họ đi tìm thị trường, tìm kiếm hợp đồng. Nhật Bản còn thành lập trung tâm xúc tiến thương mại ở các nước khác nhau để tìm kiếm khách hàng cho các DN nhỏ và vừa nước mình” - bà Somhatai cho hay.

Ở góc độ khác, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC, cho rằng các DN lớn đang được ngân hàng săn đón, mong được DN vay và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay. Trong khi DN nhỏ lại khó tiếp cận vốn, vì vậy cần phải có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho các DN nhỏ và vừa vay vốn.

“Về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam cần có tỉ giá thay đổi linh hoạt. Tuy vậy, bản thân DN cũng không nên ngồi chờ hay so sánh với các nước trong khu vực về vấn đề phá giá mà phải tự có chiến lược kinh doanh cho riêng mình” - ông Hải bày tỏ.

Tổng giám đốc làm lính

Để nâng cao sức cạnh tranh cho DN, chính sếp phải hiểu công việc của nhân viên mình. Tôi thường làm chung với nhân viên ở các bộ phận của hãng. Chính nhờ làm lính mỗi ngày, tôi phát hiện nhân viên bốc xếp hành lý quá mệt vì không có băng chuyền, hành lý có thể bị hư hỏng… nên tôi quyết định làm băng chuyền vận chuyển hành lý.

Cũng từ làm lính tôi phát hiện được nhiều nhân viên rất thông minh và tôi cho họ đi học lên, đào tạo và họ trở thành những người giữ chức vụ cao trong công ty.

Tony Fernandes, Tổng Giám đốc hãng hàng không giá rẻ Air Asia

Nhiều giải pháp đối phó với nhân dân tệ mất giá

Trước tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, kinh tế VN vẫn ổn định nhờ áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả. Việt Nam có đầy đủ khả năng, nguồn lực để thực hiện các giải pháp này. Chẳng hạn thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, tạo môi trường kinh doanh tốt…

Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy ( Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN