Đổ xô “săn” hàng hiệu… giá bèo ở Hà Nội

Chịu khó đầu tư thời gian, công sức, nhiều người sắm được hàng xịn, hàng hiệu với cái giá rẻ như cho.

Nườm nượp đi “săn”…ở chợ đồ cũ

Thời buổi kinh tế khó khăn, hàng thùng, đồ cũ có sức hút ghê gớm, trong khi nhiều cửa hàng, shop thời trang đang tìm cách chống ế thì chợ đồ cũ lại nườm nượp khách mua sắm. Đây là nơi tập trung hổ lốn hàng trăm những món đồ đã qua sử dụng hoặc hàng thải loại ở nước ngoài nhập từ quần áo, giày, dép, kính, đồ điện tử, hàng dân dụng…

Có thể kể ra những địa điểm nổi tiếng về buôn bán đồ cũ tại Hà Nội như chợ Đông Tác, chợ Hàng Da, đường Hoàng Tích Trí, khu vực Kim Liên, Hoàng Cầu, Đê La Thành…Mỗi chợ đều có thời gian hoạt động khác nhau. Nếu chợ đồ cũ trên đường Đê La Thành, Giải Phóng chỉ bắt đầu tư sẩm tối đến 23h đêm thì chợ Hoàng Cầu, Đông Tác lại buôn bán trong khoảng thời gian từ đầu giờ chiều đến sẩm tối.

Đổ xô “săn” hàng hiệu… giá bèo ở Hà Nội - 1
Khách nườm nượp tới mua sắm đồ cũ tại chợ Hoàng Cầu. Ảnh: N.Đan

Chợ Hoàng Cầu chủ yếu tập trung các món hàng điện tử, đồ dân dụng. Cách đây 2 năm, chợ chỉ là địa điểm họp tự phát trên đoạn đường chưa thi công xong. Sau khi hoàn tất, đường Hoàng Cầu được mở rộng, nối với Thái Hà thì người buôn bán lại kéo nhau xuống công viên nhỏ gần đó, đến bây giờ, khoảng bê tông quanh hồ Hoàng Cầu được tận dụng làm nơi họp chợ. Dù phải di chuyển nhiều lần, nhưng khu vực này khi nào cũng tấp nập khách. Chị Nguyễn Anh, bán hàng nước tại chợ đồ cũ Hoàng Cầu cho hay, chỉ họp vài tiếng buổi chiều nhưng mỗi ngày, khu vực này thu hút hàng trăm lượt người ghé qua. Thời điểm đông nhất là khoảng 2h chiều, khi các kiện hàng được khui ra, đây chính là giờ vàng để săn những món hàng hiệu, hàng xịn. Những tay săn hàng thường đến chợ vào giờ này.

Người đến chợ đồ cũ có đủ thành phần già, trẻ, gái trai nhưng ai cũng chăm chú tìm kiếm mong “săn” được hàng xịn với giá bèo. Người già, trung niên thì mê mẩn với những món đồ như đồng hồ cổ, loa đài, tiền xu, tiền giấy, mâm đồng hay những hòn đá phong thủy. Còn học sinh, sinh viên thì mải mê tìm máy nghe nhạc, điện thoại di động, sạc điện thoại, tai nghe... Có sạp hàng rộng chưa đến 2 m2 mà có tới gần chục người quây kín xung quanh để tìm kiếm.

Đổ xô “săn” hàng hiệu… giá bèo ở Hà Nội - 2
Người đến chợ đồ cũ có đủ thành phần già, trẻ, gái trai . Ảnh: N.Đan

Khuôn mặt hớn hở như bắt được vàng, anh Hùng, nhân viên một công ty trên đường Hoàng Cầu cho biết vừa mua được một chiếc kính hiệu Dior xịn với giá…50.000 đồng, mới tuần trước, anh Hùng cũng sắm được một đôi giày da xịn với giá chỉ hơn 2 bát phở. “Lương ba cọc ba đồng, muốn dùng hàng hiệu, chỉ có chợ hàng thùng, đã qua sử dụng mới có thể đáp ứng được sở thích xa xỉ đó”. Anh Hùng cười nói.

Không nhiều đồ điện tử như Hoàng Cầu, chợ hàng thùng Đông Tác, chợ Hàng Da, khu vực Tam Trinh, Hoàng Tích Trí chủ yếu buôn bán quần áo đã qua sử dụng.

Đổ xô “săn” hàng hiệu… giá bèo ở Hà Nội - 3
Chị em "săn" hàng thùng tại khu vực bán đồ đổ đống trên phố Tam Trinh. Ảnh: N.Đan

Theo khảo sát của PV, giá các loại quần áo hàng thùng rất đa dạng, tùy theo loại quần áo và các cửa hàng khác nhau.

Tại chợ Hàng Da – nơi thường nhập hàng loại 1 thì giá áo phông từ 40.000 – 50.000 đồng/chiếc, áo sơ mi từ 70.000 – 150.000 đồng, váy từ 100.000 – 200.000 đồng/chiếc, quần bò từ 120.000 – 200.000 đồng/chiếc.

Chợ Đông Tác, có giá mềm hơn một chút, cụ thể, áo phông khoảng 30.000 đồng/chiếc, áo sơ mi khoảng 50.000 – 70.000 đồng/chiếc, váy từ 80.000 – 100.000 đồng/chiếc…

Rẻ nhất là các khu vực vỉa hè bán đổ đống trên phố Tam Trinh, công viên Nghĩa Đô. Giá của mỗi chiếc áo phông chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng, áo sơ mi và váy là 30.000 đồng/ chiếc.

Chị Thảo My, chủ một gian hàng tại chợ Đông Tác cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, kinh tế khó khăn, khách tới chợ đông hơn hẳn. “Những giai đoạn chuyển mùa, có ngày, tôi bán được tới vài triệu đồng tiền hàng là chuyện bình thường””, chị My tiết lộ.

Đến chợ Đông Tác, Kim Liên mới thấy, không chỉ người bình dân mới mê mẩn hàng thùng, nhiều người sành điệu, cưỡi những chiếc xe ga giá cả trăm triệu đồng cũng đầu tư thời gian đi “săn”.

Kinh nghiệm đi “săn”

Không phải ai cũng dễ dàng mua được hàng xịn, hàng hiệu với giá bèo, điều quan trọng là người mua phải biết giá trị thực của món hàng. “Chợ đồ cũ là một mớ hổ lốn hàng trăm loại, trong đó hàng giả, hàng nhái cũng nhan nhản. Nếu không biết chọn, rất dễ bị hớ”, chị Nguyễn Thị Dung, ở Thịnh Liệt, Thanh Xuân, một người dày dạn kinh nghiệm mua hàng thùng cho hay.

Đổ xô “săn” hàng hiệu… giá bèo ở Hà Nội - 4
Cảnh tấp nập mua bán tại chợ hàng thùng Đông Tác, Kim Liên. Ảnh:N.Đan

Theo chị Dung, hàng thùng quần áo cũng có vô số kiện từ Trung Quốc hoặc hàng quyên góp từ thiện trong nước tuồn ra ngoài để bán nên, đầu tiên phải xem nhãn mác, ưu tiên các loại nhãn mác của các nước như Hàn Quốc, Anh, Ý, Pháp, Nhật…rồi sờ chất vải, hàng xịn hay không, sờ chất vải là biết.

Trong khi đó, mua đồ điện tử, gia dụng, phụ kiện thì ngoài kinh nghiệm còn cộng thêm chút may mắn mới mua được đồ tốt. anh Hùng cho biết, để săn được cặp kính Dior giá 50.000 đồng, anh đã phải bỏ công mất nửa tháng trời đi săn. “Tại chợ Hoàng Cầu, nhiều khi chính người bán họ cũng không biết giá trị thực của hàng, cứ trả giá nếu thấy có lời là họ bán. Muốn tìm được hàng tốt, phải ra đúng lúc họ mở kiện hàng, nhưng không phải hôm nào mở kiện cũng có hàng tốt vì vậy, phải đầu tư đi săn thường xuyên. Bên cạnh đó, người mua cũng phải “sành” biết được giá trị thực của món hàng. Còn đối với hàng điện tử, may nhiều hơn khôn, có những cái sạc điện thoại, tai nghe, chuột máy tính giá chỉ 5000 đồng - 10.000 đồng nhưng nếu may thì mua được hàng vẫn dùng tốt, không may, vớ phải cái đã ngỏm từ bao giờ. Tốt nhất là nếu mua phụ kiện điện tử nên mang theo đồ đi thử”, anh Hùng chia sẻ.

Nhiều người quan niệm hàng thùng là đồ bỏ, thực ra nếu chịu khó mò mẫm cộng thêm kinh nghiệm chọn hàng sẽ tìm được rất nhiều đồ độc, đẹp, xịn mà nếu ra các shop, cửa hàng lớn, giá của chúng bằng cả tháng lương của người lao động bình dân.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Đan (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN