Điện, xăng tăng giá: Khó ngăn "té nước theo mưa"

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau khi điện, xăng dầu tăng giá, hàng hoá thực phẩm trên thị trường cũng rục rịch tăng theo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần khuyến khích sản xuất để nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào nhằm ổn định thị trường, tránh việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.

Rau xanh, thịt cá đồng loạt tăng giá

Khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như Chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Yên Phụ (Tây Hồ), chợ Lĩnh Nam (Hoàng Mai)… giá rau, thịt bắt đầu tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/bó rau: cải cúc, rau ngót 8.000 đồng/bó; rau muống 16.000 đồng/bó; rau mùng tơi 9.000 đồng/bó; đậu cô ve 22.000 đồng/kg; cà chua 27.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương bán rau tại chợ Lĩnh Nam cho biết, 3 ngày trở lại đây, rau xanh bắt đầu tăng giá do vào thời kỳ giao mùa. Tất cả ruộng rau thu hoạch hết trong khi lứa rau mới chưa đến ngày thu hoạch khiến nguồn cung khan hiếm và tăng thêm. Theo chị Thu, chủ các quầy hàng tại chợ đầu mối như Long Biên, Minh Khai khi tăng giá đều lấy lí do giá xăng tăng đẩy phí vận chuyển lên cao; giá điện tăng (chủ yếu chiếu sáng, chạy tủ bảo ôn bảo quản một số loại thực phẩm) cũng khiến giá thành hàng hóa tăng theo.

“Giá rau mua vào tại chợ đầu mối tăng nên giá bán phải tăng theo chứ ở đây không có việc tăng giá bán do tác động tăng giá điện và xăng dầu”, chị Thu nói thêm.

Theo tính toán của chị Lê Thị Hoài, tiểu thương bán rau ở Chợ Hôm, giá điện tăng khiến mỗi tháng quầy hàng của chị tăng thêm khoảng 50.000 đồng chi phí điện. Bên cạnh đó, tiền xăng xe đi chở hàng tăng thêm khoảng 40.000 đồng/tháng. “Tiền điện, tiền xăng xe tăng nhưng tiểu thương chúng tôi không dám tính vào giá bán rau”, chị Hoài cho biết.

Cùng đó, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng tăng nhẹ so với tuần trước. Giá thịt nạc thăn 85 - 90 nghìn đồng/kg; xương sườn 110 - 115 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ 115 - 120 nghìn đồng/kg.

Chị Phạm Thị Hiền tiểu thương bán thịt tại chợ Yên Phụ cho biết, giá thịt tăng nhẹ do các lò mổ tăng giá bán. “Chúng tôi lấy thịt từ lò mổ, họ tăng giá, chúng tôi phải tăng theo”, chị Hiền cho biết.

Anh Trịnh Văn Tân, chủ lò mổ lợn tại Thanh Hóa, cho biết gia đình anh dùng điện theo giá kinh doanh, tiền điện tháng 4 tăng thêm khoảng 250 nghìn đồng. Gia đình anh vận chuyển thịt lợn từ lò mổ tới chợ đầu mối giao cho khách khoảng 30 km. “Mỗi ngày xe tải của chúng tôi chở lợn từ trang trại về lò mổ và chờ thành phẩm đến chợ đầu mối hết khoảng 10 lít dầu. Giá xăng dầu tăng khiến tiền xăng dầu mỗi tháng tăng thêm khoảng 350.000 đồng. Tiền điện, xăng cùng tăng trong khi lợi nhuận thấp, chúng tôi không thể tự bù đắp, đành phải tăng giá vào cuối tháng 4 và báo trước với các điểm giao hàng”, anh Tân cho biết.

Điện, xăng tăng giá: Khó ngăn "té nước theo mưa" - 1

Cần kích thích sản xuất, tăng cung ứng hàng hoá để ổn định thị trường ảnh: hồng vĩnh

Tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, hiện nay giá bán hàng hoá thiết yếu như sữa, dầu ăn, mỳ chính, nước mắm ổn định. Chị Thu Hoài, chủ đại lý tạp hoá tại Minh Khai (Hà Đông) cung cấp thêm thông tin: dự kiến nửa cuối tháng 4 một số mặt hàng sẽ tăng giá do nhà cung cấp thông báo. Chị Hoài dẫn chứng như Vinamilk sẽ tăng giá đồng loạt các sản phẩm, sữa ông thọ tăng 1.000 đồng/ hộp; sữa hộp giấy 1 lốc 4 hộp tăng 1.000 đồng/ lốc. Giá bán hiện nay 1 lốc 4 hộp 180ml là giá 29.000 đồng.

Theo đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội, giá điện tăng sẽ tác động tới hoạt động của siêu thị. Miền Bắc sắp vào mùa hè nắng nóng, siêu thị phải tăng cường bật điều hoà phục vụ khách. Chi phí vận hành tăng và nhà cung cấp tăng giá bán sẽ khiến giá hàng hoá bán ra cao hơn.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bán lẻ trong nước như chúng tôi là cạnh tranh với siêu thị nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi phải cân đối để việc tăng giá không sốc đối với khách hàng”, đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết.

Cần sự điều tiết

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, sau khi điện và xăng dầu tăng giá, việc hàng hoá tăng giá không tránh khỏi. Hai mặt hàng này là đầu vào thiết yếu của nhiều ngành nên gây ra tác động dây chuyền.

“Mớ rau, quả trứng tăng giá khiến tiểu thương tăng giá bán. Lúc này, người lao động tăng chi tiêu và đòi tăng lương, khiến doanh nghiệp phải tăng giá hàng hoá bán ra để bù đắp. Bình thường, sau 3 tháng, quá trình cân đối vào-ra (đầu vào của sản phẩm này là đầu ra của sản phẩm khác) mới tác động đầy đủ”, ông Doanh đánh giá.

Theo ông Doanh, đây là đợt tăng ban đầu có tính chất tâm lý, chưa phản ứng đầy đủ quy luật kinh tế. Cơ quan chuyên trách điều hành về giá cả trên thị trường cần chú ý, tránh việc lợi dụng việc tăng giá điện, xăng dầu để tăng theo kiểu “tát nước theo mưa”. Đồng thời ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, tăng giá. Cơ quan chức năng cần tính toán và công bố việc giá xăng tăng khiến cước phí vận tải tăng bao nhiêu và tác động lên giá hàng hoá trên thị trường. Trường hợp, người bán tăng quá cao, cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý.

“Biện pháp tốt nhất là khuyến khích sản xuất, mở rộng luồng hàng để cân đối thị trường. Cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho nhà cung cấp để đơn vị cung ứng hàng hoá từ các tỉnh, thành phố xung quanh có nguồn hàng rẻ, ổn định về nơi hàng hoá khan hiếm. Nguồn hàng về dồi dào, giá rẻ hơn, thị trường sẽ ổn định”, ông Doanh nêu ý kiến.

Áp lực lớn lên CPI 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng do áp lực dây chuyền từ tăng giá mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, chất đốt. CPI tháng 4 sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực từ việc tăng giá điện. Việc tăng giá xăng dầu đầu tháng 4 sẽ khiến CPI tháng này tăng thêm 0,33%.

Xăng tăng phi mã, kịch bản xấu nhất sẽ tới đâu?

Lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vừa công bố 3 kịch bản giá xăng dầu trong năm 2019 và tác động tới chỉ số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN