Đấu thầu gạo xuất khẩu: Có nên áp giá sàn?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc một số doanh nghiệp (DN) Việt chạy đua bỏ giá thấp để có được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia gần đây tạo những lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của ngành lúa gạo. Do đó, có ý kiến đề xuất cần cơ chế giá sàn khi đấu thầu gạo xuất khẩu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên tuân thủ quy luật cạnh tranh tự do của DN.

Cạnh tranh bằng mọi giá

Tại đợt đấu thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo được Cơ quan Hậu cần nhà nước Indonesia (Perum Bulog) công bố tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chiến thắng với tổng khối lượng khoảng 150.000 tấn. Indonesia cũng đạt được thỏa thuận nhập khẩu 60.000 tấn gạo từ Pakistan và Myanmar. Trong khi đó, các DN Thái Lan đã bỏ cuộc đợt này.

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong số các DN Việt thắng thầu, Tập đoàn Lộc Trời và Cty Đại Tài (thành viên của Lộc Trời) trúng thầu 100.000 tấn gạo, với giá chỉ 563 USD/tấn, thấp hơn 16 USD/tấn so với giá chào thầu của nước bạn (579 USD/tấn). Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, Lộc Trời cùng công ty thành viên thu về trên 1.300 tỷ đồng. Việc Lộc Trời bỏ giá bán gạo thấp để có được hợp đồng cung ứng gạo cho Indonesia lập tức thu hút sự chú ý với nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt khi thị trường gạo thế giới vẫn trong xu hướng neo giá cao. Hợp đồng giá thấp này cũng gây ra những nghi ngại việc cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các DN Việt, kéo theo tụt giảm vị thế và giá gạo Việt trên thị trường xuất khẩu. Cũng không loại trừ khả năng Lộc Trời cần có đơn hàng xuất khẩu gạo ngay để sớm có tiền và giảm hàng tồn kho, do thời gian gần đây, Lộc Trời xảy ra thiếu hụt dòng tiền, dẫn tới nợ cả tiền mua lúa của nông dân.

Ngay sau thông tin trên được công bố, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề nghị xác minh thông tin DN xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp. Cùng đó, VFA cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho biết, chính sách nhập khẩu gạo của Indonesia đã thay đổi. Trước đây, nước bạn đấu thầu nhập khẩu gạo theo cấp chính phủ (G2G), với gói thầu lớn để chọn nguồn cung từ quốc gia có giá thấp nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây Indonesia chia gói thầu nhỏ cho DN các nước cùng trực tiếp tham gia đấu thầu.

Bên cạnh đó, chưa phải bỏ giá bán thấp sẽ chắc chắn trúng thầu, bởi cơ quan Perum Bulog sẽ trực tiếp đàm phán giá với các bên vượt qua vòng chào giá đầu tiên nhằm “ép giảm giá” tiếp. “Về nguyên tắc, nếu DN bỏ giá thấp nhất sẽ thắng, nhưng luật chơi mới của Indonesia là 3 đơn vị bỏ giá thấp nhất sẽ đi vào vòng đàm phán tiếp theo để chọn ra DN cung cấp chính thức ký hợp đồng”, đại diện một DN xuất khẩu gạo cho hay.

Kiến nghị áp giá sàn

Để ngăn chặn tình trạng DN Việt tự cạnh tranh về giá gạo xuất khẩu, tìm cách thắng thầu bằng "mọi giá", bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch HĐQT Cty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) cho rằng: VFA cần họp các DN hội viên, để cùng ngồi lại, đưa ra một mức giá sàn trước đối với hợp đồng bán gạo cho Indonesia. Với giá sàn, DN dự thầu không được bán thấp hơn, nhằm tránh tình trạng... tranh bán. Giá sàn gạo xuất khẩu sẽ đảm bảo an toàn cho cả nông dân, DN, tránh rủi ro cho cả ngân hàng khi giải ngân khoản vay cho DN.

“Rất cần sự đoàn kết, gắn bó giữa các DN xuất khẩu gạo. Chúng tôi sẵn sàng để Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và miền Nam (Vinafood 2) đại diện đi dự thầu gạo xuất khẩu tại một số nước, khi trúng thầu về chia lại hợp đồng cho các DN trong nước cung ứng”, bà Huyền kiến nghị. Giải pháp này tương tự như trước đây, khi VFA đứng ra đấu thầu, sau đó về phân bổ lại các DN trong nước cung cấp.

Cũng theo lãnh đạo DN gạo trên, quan trọng nhất phải có được hợp đồng xuất khẩu gạo với giá tốt nhất, mang về lợi nhuận cao nhất. Không phải lấy hợp đồng nhiều với giá thấp, rồi thua lỗ, thất thoát kinh tế, thiệt hại cho chính DN và nông dân trồng lúa, nên cũng cần bàn tay Nhà nước, Bộ Công Thương, Chính phủ hỗ trợ. Bà Huyền cho rằng, việc “bán đổ, bán tháo” nhằm có được hợp đồng để ngân hàng giải ngân các khoản vay, giải quyết dòng tiền ngắn hạn rất nguy hiểm cho cả người trồng lúa, DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lẫn phía ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng, việc DN đàm phán giảm giá bán theo yêu cầu của nước nhập khẩu đang “bán rẻ” tài nguyên quốc gia, rồi ép giá lúa nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Cty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho rằng, luật chơi được quyết định bởi người mua, chứ không phải người bán. “Chúng ta muốn bán gạo giá cao, nhưng nếu cứng nhắc làm theo sẽ không có hợp đồng, nên cần làm rõ. Nếu cân đối được tồn kho với giá cả hợp lý, DN quyết định bán, miễn có hiệu quả, đó là quyền tự do thương mại. Còn đưa ra giá sàn nhưng không có hợp đồng tình hình sẽ càng khó khăn hơn”, ông Việt Anh nêu quan điểm.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục lập kỷ lục trong thời gian qua.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục lập kỷ lục trong thời gian qua.

Tại hội nghị xuất khẩu gạo mới đây tại Cần Thơ, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục và nhiều thách thức cần vượt qua. Bà Thắng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, các chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành, đặc biệt trong tổ chức thu mua lúa gạo xuất khẩu, bình ổn giá lúa gạo trong nước; liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu; chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông. Các bên cũng cần chủ động theo dõi thị trường gạo toàn cầu, tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng. Xác lập, củng cố hợp tác giữa các DN xuất khẩu gạo với nhau để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá, bẻ kèo…

Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2023, tổng sản lượng xuất khẩu sang nước này đạt gần 1,2 triệu tấn (tăng gần 10 lần so với năm 2022), chiếm 14,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2024, Indonesia dự kiến nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo (tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu).

Trong văn bản hỏa tốc gửi VFA, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thông tin một số DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự và trúng thầu mua gạo của Indonesia với giá thấp hơn giá bình quân gạo Việt xuất khẩu, hành vi này có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam, cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia, báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các DN; xác minh thông tin về việc một số DN bỏ thầu giá thấp; tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về cấp thẩm quyền nếu có.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại quả này được những người nhiều tiền ưa thích và mua dù giá cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kỳ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN