Đánh đổi lạm phát thấp lấy nền kinh tế suy yếu

Dù lạm phát năm 2013 kiềm giữ ở mức 6,04%, nhưng lại nảy sinh lo ngại do thắt chặt tiền tệ quá chặt khiến kinh tế suy yếu có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung...

Đây là ý kiến nhận định của các chuyên gia tại hội thảo về thị trường giá cả năm 2014 do Học viện Tài chính và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 30/12.

CPI năm 2013 phá vỡ quy luật

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng 11/2013; tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua (2004 – 2013).

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, lạm phát năm 2013 chỉ tăng 6,04% là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và đã thoát khỏi quy luật "hai năm cao, một năm thấp".

"Sự điều hành chủ động của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát đã bài bản, liều lượng vừa đủ nên giá cả không còn nhảy múa như trước kia" – bà Thanh nhận xét.

Đánh đổi lạm phát thấp lấy nền kinh tế suy yếu - 1

Không kiểm soát tốt, nguy cơ giá cả lại "nhảy múa" trong năm 2014 

Đồng tình, chuyên gia về giá cả PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận, lạm phát năm 2013 được kìm giữ là do tổng cầu yếu. Dù sức mua đã được cải thiện trong nhiều tháng nay, nhưng mức tăng vẫn chậm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2681 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 5,6%; năm 2012 tăng 6,5%, năm 2011 tăng 4,4%.

Trong khi đó tâm lý kỳ vọng lạm phát không bị áp lực lớn như trước, khi giá vàng giảm, USD ổn định, chứng khoán vẫn chưa vượt khỏi mốc 500 điểm một cách bền vững, bất động sản chưa thoát đáy đi lên.

Ông Long cũng cho rằng, dù lạm phát đã giảm như ý muốn điều hành nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ 2 năm qua đã khiến nảy sinh những tác dụng phụ, như sức mua của người tiêu dùng yếu đi, đầu tư và chi tiêu của DN đều giảm, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung.

“Giảm được lạm phát bằng cách này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn. Chính sách tiền tệ quá chặt thời gian qua đã khiến kinh tế suy yếu. Sức khỏe của nền kinh tế đáng lo ngại là do chính sách đưa ra thực hiện quá chậm nên tác dụng không nhiều. Nếu thực hiện nhanh các giải pháp ngắn hạn, cùng với biện pháp dài hạn thì kinh tế 2013 có thể đã không “tụt dốc” nữa. Sang năm 2014 khi các giải pháp dài hạn bắt đầu phát huy tác dụng thì chắc chắn kinh tế sẽ đi lên”- ông nói.

Lo ngại về "nhảy" giá năm 2014

Về tình hình năm 2014 những khó khăn thách thức với nền kinh tế về cơ bản vẫn còn, kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn. Mặc dù CPI đang trong tầm kiểm soát, sức mua yếu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá.

Điểm sáng nhập siêu thấp và lãi suất giảm là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ rất khó khăn kiểm soát.

Mặt khác, lại chịu sự ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khóa như tăng thâm hụt NSNN lên 5,3% GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011 – 2015.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bổ sung thêm, lạm phát năm 2014 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu cho biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.

“Bởi nếu kiềm chế lạm phát chưa thật sự bền vững như hiện nay thì yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, chưa cải thiện nhiều và lạm phát sẽ có khả năng trở lại trước các cú sốc từ bên ngoài và bên trong” – Ông Long nhắc nhở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN