Công khai, minh bạch lộ trình giá điện

Ngày 9.6, Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ (VBF) 2015 chính thức khai mạc với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong thời gian tới Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chất lượng sản phẩm và nền kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế”

Công khai, minh bạch  lộ trình giá điện - 1
Một điểm bán xăng sinh học E5 tại Hà Nội. Ảnh:   T.L
 

Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn quốc tại Việt Nam cho rằng nhu cầu về năng lượng điện đã gia tăng hơn 10% mỗi năm ở các khu vực miền Nam của Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào kế hoạch phát triển điện cũng như báo cáo về Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, có những mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng tại Việt Nam có thể xảy ra từ năm 2018, do rất nhiều các dự án năng lượng điện bị trì hoãn. Vị đại diện này lo về vấn đề năng lượng khi các dự án điện như Duyên Hải 1 và 3, Long Phú 1, Vĩnh Tân 1 và 3, Vân Phong 1 và một số dự án khác sẽ bị trì hoãn cho tới năm 2020. Nhiều dự án điện khác thực hiện dưới hình thức BOT cũng bị trì hoãn đưa vào hoạt động. Theo đó, các công ty cung cấp năng lượng trong khu vực miền Nam của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện phục vụ sản xuất và văn phòng làm việc do sự thiếu hụt về điện.

Lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam sẽ không thiếu điện. Có dự báo đến năm 2018 Việt Nam có thể thiếu điện nếu các dự án triển khai chậm, nhưng những vấn đề đó đã được xử lý, điện không thiếu mà sẽ có những dự phòng, để đảm bảo phát triển kinh tế đồng thời nâng cao chất lượng nguồn điện, đưa giá điện theo thị trường, không bán giá điện dưới giá thành”.

Thủ tướng cam kết, Việt Nam cũng sẽ công khai minh bạch lộ trình giá điện và bảo đảm thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Sẽ có chính sách hỗ trợ thẳng cho người nghèo chứ không bao cấp qua giá điện...”.

Cũng trong ngày 9.6, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh nhiên liệu xăng sinh học do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trên cả nước hiện mới có 3 đơn vị tổ chức sản xuất, pha chế xăng E5 với sản lượng khoảng 85.000 tấn trong 4 tháng đầu năm nay. Có 8 địa phương thực hiện triển khai bán xăng E5 (Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Quảng Nam). Lượng xăng sinh học tiêu thụ trong 4 tháng qua cũng mới chỉ đạt 87.087 tấn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải sớm có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học. Phó Thủ tướng giao các bộ, đơn vị đầu mối triển khai tiếp tục bám sát các lộ trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất, phân phối xăng trên phạm vi toàn quốc vào thời gian tới. Bộ Công Thương phối hợp cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhiên liệu sinh học; rà soát, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, các quy chuẩn kỹ thuật về nhiên liệu sinh học phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh theo lộ trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà - Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN