Có thể mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp không qua EVN

Dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN, theo Phó thủ tướng.

Nội dung trên được nêu tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), ngày 20/5.

Tại dự thảo Nghị định cơ chế DPPA đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Bên cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng. Tức không bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối.

Trong cả hai trường hợp, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Tuy nhiên, tại thông báo mới này, Phó thủ tướng đánh giá Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới về DPPA nhưng còn chậm và có nhiều vấn đề cần làm rõ.

Với bên mua, bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối bằng đường dây riêng, Phó thủ tướng yêu cầu dự thảo Nghị định phải nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế quy mô công suất, các dự án năng lượng tái tạo. Tức là, các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối không giới hạn công suất có thể nằm trong nhóm được thực hiện cơ chế này.

Để mua bán, Bộ Công Thương sẽ phải quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể về thuế giá trị gia tăng (VAT), quy định môi trường, phòng cháy chữa cháy, điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng điện, xây dựng. Trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa, không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường, theo thông báo của Phó thủ tướng.

Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar

Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar

Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Hiện nay, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương đưa ra mới ở loại hình tự sản, tự tiêu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cảm thấy hụt hẫng, bởi không ít đơn vị xuất khẩu buộc phải sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh của các nước nhập khẩu.

Trong đó, không được mua bán điện là rào cản khiến họ lưỡng lự đầu tư loại năng lượng này. Bởi, doanh nghiệp có nguồn lực nhưng lo khả năng thu hồi vốn khi không thể bán phần điện dư thừa. Ngược lại, nhiều đơn vị sản xuất muốn dùng điện tái tạo để đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu nhưng không có khả năng đầu tư hệ thống riêng.

Do đó, một số chuyên gia và doanh nghiệp từng đề xuất Nhà nước cho phép hình thành thị trường mua bán giữa các chủ đầu tư với doanh nghiệp sản xuất. Điều này nhằm tạo điều kiện để các chủ đầu tư khu công nghiệp, quỹ trung gian, đơn vị cung cấp giải pháp lắp đặt bỏ chi phí đầu tư, lắp đặt các hệ thống điện tái tạo này. Ngược lại, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng sạch.

Ngoài mua bán qua đường dây riêng, năng lượng tái tạo có thể được mua bán trực tiếp nhưng qua hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia.

Tại cuộc họp ngày 14/5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho rằng hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp không giới hạn người bán và người mua trong trường hợp này. Khi đó, các bên tham gia sẽ chi trả chi phí vận hành, truyền tải để EVN đảm bảo an toàn lưới điện. Kết luận, Phó thủ tướng cho biết Luật Điện lực quy định chỉ đơn vị phát điện chung mà không giới hạn cho riêng năng lượng tái tạo như tại dự thảo Nghị định. Do đó, Bộ Công Thương cần giải trình phù hợp việc không mở rộng cho các loại năng lượng hóa thạch trong bối cảnh Việt Nam cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, cơ quan này phải nghiên cứu mở rộng với điện tái tạo là sinh khối, rác.

Với trường hợp cần thiết giới hạn quy mô nhà máy điện từ 10 MW trở lên và khách hàng có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và làm rõ sự phù hợp khi quy định tại Nghị định như vậy.

Ông cũng lưu ý, cơ quan này phải định nghĩa rõ khách hàng lớn, trong đó coi chủ đầu tư khu công nghiệp là một khách hàng lớn, và mở rộng khách hàng dịch vụ, không nên chỉ giới hạn sản xuất.

Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ vai trò của Nhà nước, EVN và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trong công khai nhu cầu tiêu thụ từng khu vực, vùng, miền và khả năng điều độ, truyền tải để công bố công suất nguồn tái tạo có thể hấp thụ.

Tập đoàn điện lực cũng phải cung cấp thông tin về quy mô các nguồn điện tái tạo được ký hợp đồng mua bán, báo cáo với Bộ Công Thương điều chỉnh từ các loại điện nền như than, khí, thủy điện. Cùng đó, tập đoàn này cần xây dựng các chi phí khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), phí hạ tầng, tổn thất

Ngoài ra, khách hàng chấp nhận giá điện cao để đạt được tín chỉ carbon và thị trường carbon. Do đó, theo Phó thủ tướng, cơ quan quản lý phải có quy định công khai thông tin về các doanh nghiệp đang sử dụng năng lượng sạch để có chính sách ưu tiên, khuyến khích.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công Thương được duyệt chủ trương mua điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào) và đầu tư lưới để đấu nối về Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN